LÊ ANH -
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán đã trở thành căn bệnh kinh niên tại các thành phố lớn như TPHCM. Vấn đề đáng nói là tại sao trên cùng một con đường, cùng một vỉa hè, có người được kinh doanh buôn bán, có người bị rượt đuổi chạy tơi bời, còn người đi bộ thì không còn lối để đi?
Chỗ được, chỗ không
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng bàn tán nhiều về chuyện bình trà đá miễn phí trên vỉa hè bị tịch thu, với lý do đại khái là lấn chiếm vỉa hè. Ở đây không bàn đến chuyện đúng, sai của việc tịch thu, cũng không muốn nói đến ý nghĩa của bình trà đá miễn phí đối với xã hội, mà chỉ muốn tiếp cận vấn đề ở góc độ quản lý nhà nước.
Chuyện vỉa hè biến thành quán xá khiến người đi độ không còn lối đi là một thực trạng tồn tại nhiều năm qua. Cảnh chính quyền địa phương kiểm tra, xử phạt những người vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Có nơi, người đi bộ chẳng còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường vì lối đi đã bị “cướp” mất.
Những gì diễn ra trên thực tế khiến không ít người thắc mắc, tại sao cũng một vỉa hè, có người có vẻ ung dung buôn bán, có người vừa bán vừa sẵn sàng chạy khi thấy bóng dáng người của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề đặt ra là ai và trên cơ sở nào cơ quan quản lý cấp phép cho những người dân kinh doanh buôn bán trên vỉa hè.
Đem vấn đề đến trao đổi với ông Nguyễn Chí Việt, Phó chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TPHCM), ông cho biết những hộ kinh doanh và các công ty có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè sẽ phải làm đơn lên quận, sau đó quận sẽ cử người xuống khảo sát xem vỉa hè đó có đủ điều kiện để cho sử dụng hay không.
Nếu đủ điều kiện, quận sẽ cấp phép cho sử dụng một phần với chiều ngang tối đa là 2 m, phần còn lại để dành cho người đi bộ. Đối với những tuyến đường có vỉa hè quá hẹp, quận sẽ không cấp phép và sẽ có văn bản trả lời cho người dân. Ông Việt nói rằng việc cấp phép sử dụng một phần vỉa hè hoàn toàn miễn phí.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM), cũng khẳng định đối với vỉa hè quận chỉ cấp phép cho sử dụng một phần. Thế nhưng trên thực tế, cả vỉa hè lẫn lòng đường của tuyến đường Phạm Ngũ Lão đều bị lấn chiếm. Trong khi xe khách của các hãng xe lấn chiếm lòng đường thì vỉa hè bị các công ty lấn chiếm làm nơi để xe cho nhân viên và hành khách đến giao dịch.
Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường gây bức xúc cho người dân, ông Việt cho biết phường đã thực hiện nhiều giải pháp, từ nhắc nhở, yêu cầu các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cam kết không vi phạm đến xử phạt. Tuy nhiên, tình trạng này mới chỉ giảm bớt chứ chưa dứt điểm được.
Ông Việt cho biết thêm, từ đầu năm đến nay đã có 85 trường hợp bị xử phạt do lấn chiếm vỉa hè và lòng đường, trong đó công an phường xử lý 30 trường hợp, phối hợp với công an quận và đội trật tự đô thị xử lý 55 trường hợp. “Đơn vị nào vi phạm phường đều xử lý, chứ không có chuyện phân biệt hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp, ngân hàng”, ông Việt khẳng định.
[box] Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đầu năm 2012, các quận, huyện đã ký cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường ở một số tuyến đường và chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM. Tuy nhiên, qua theo dõi từng năm, việc giải quyết trật tự lòng lề đường chưa đạt hiệu quả cao do thiếu các giải pháp căn cơ. Các biện pháp thực hiện vẫn chỉ rượt đuổi là chính, nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn đâu vào đó.[/box]
Đá qua, đá lại
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao cơ quan quản lý nhà nước có đủ công cụ trong tay mà vẫn không giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường diễn ra nhiều năm qua?
Đầu tháng 6 vừa qua, tại buổi họp giao ban về an toàn giao thông năm tháng đầu năm, chính quyền quận 1 cho rằng việc để xe ô tô của các doanh nghiệp vận tải đậu tràn lan dưới lòng đường là do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh mà không thẩm định xem doanh nghiệp có bến bãi đậu xe hay không.
Chẳng hạn, con đường Phạm Ngũ Lão dài chưa đầy một ki lô mét đã có đến cả chục doanh nghiệp lữ hành hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này không có bến bãi đậu xe. Phía quận 1 kiến nghị, khi cấp phép kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan khác để thẩm định xem doanh nghiệp đó có đáp ứng đủ các điều kiện như chỗ đậu xe, đảm bảo an ninh trật tự hay không.
Trong khi đó, đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp sở chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động tại trụ sở. Còn kinh doanh vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện, việc cấp phép kinh doanh vận tải và xử lý vi phạm là của sở chuyên ngành.
Khi thấy các sở, ngành đổ lỗi cho nhau, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng do sự phối hợp giữa các sở, ngành quá yếu nên mới dẫn đến tình trạng chồng chéo. “Hiện nay, pháp luật đã có đầy đủ quy định, nếu người dân, doanh nghiệp nào vi phạm thì các sở, ngành, quận đều có quyền xử lý. Vậy tại sao không làm?”, ông Tín đặt vấn đề.