Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Kênh bán lẻ mở rộng, nhà cung cấp được nhờ

TÂM AN -

Sự xuất hiện hàng loạt các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong thời gian vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh cho các nhà sản xuất nhỏ và vừa.

Thêm nhiều cánh cửa

Bà Võ Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mỹ phẩm Việt, nhà sản xuất các sản phẩm mặt nạ dưỡng da mang thương hiệu Vedette, cho biết nếu như trước đây, lúc kênh bán lẻ hiện đại chỉ mới có hệ thống Saigon Co.op và Big C, công ty phải nỗ lực đi chào hàng để được đưa hàng vào siêu thị, thì nay chính các nhà bán lẻ mới như Lotte và Aeon đã chủ động liên hệ mời công ty đưa hàng vào bán.

Nhiều hệ thống siêu thị mở ra, các nhà sản xuất có thêm nhiều cơ hội kinh doanh ở kênh bán hàng hiện đại. Ảnh: Minh Tâm
Nhiều hệ thống siêu thị mở ra, các nhà sản xuất có thêm nhiều cơ hội kinh doanh ở kênh bán hàng hiện đại. Ảnh: Minh Tâm

“Lúc này, công việc của chúng tôi đơn giản hơn trước khá nhiều. Đó là mang hàng đến chào giá, chuẩn bị các thủ tục để đưa hàng vào. Nói chung, cơ hội hàng lên kệ là 100% vì họ có ưu tiên cho mình”, bà Thanh cho biết.

Theo bà Thanh, việc đưa hàng vào siêu thị có lợi ích nữa là độ phủ của sản phẩm ngày càng lớn hơn. Điều này giúp sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thúc đẩy kênh truyền thống (chợ, đại lý, cửa hàng chuyên doanh) phát triển. Bà Thanh cho biết tỷ trọng phân phối qua kênh truyền thống của công ty đã tăng lên 30% trong khi trước đây chỉ dừng ở 10-15%. Doanh thu của công ty trong vài năm trở lại đây đạt được mức tăng trưởng bình quân 25%/năm khi cả kênh hiện đại lẫn truyền thống đều phát triển tốt.

Ông Lê Đức Duy, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Vinamit, cho biết nếu như cách đây năm năm, hàng của công ty phân phối qua kênh siêu thị chỉ chiếm 20% trong tổng sản lượng thì nay đã tăng lên mức 30-40%. Con số này có được là nhờ các siêu thị liên tục mở rộng điểm bán, cũng như có thêm nhiều hệ thống ra đời.

Cũng có nhận xét tương tự, theo Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm ViệtSin, cơ hội phát triển của công ty tốt hơn khi có nhiều hệ thống siêu thị ra đời, cũng như việc các siêu thị hiện hữu mở rộng mạng lưới. Đó là lý do trong năm tới ViệtSin đặt kế hoạch kênh bán hàng hiện đại phải tăng trưởng gấp đôi để có tỷ trọng tương đương với kênh truyền thống vốn chiếm tỷ lệ lớn như hiện nay.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), cho rằng doanh nghiệp nhỏ sẽ có cơ hội lớn từ các hệ thống cửa hàng tiện lợi như FamilyMart, B’s mart, Cirle K... Tuy nhiên, đặc trưng của các hệ thống này là số lượng cửa hàng nhiều nhưng số lượng đặt hàng nhỏ nên doanh nghiệp phải tính toán để giải quyết tốt nhất bài toán vận chuyển và giá cả.

[box] Thêm nhiều thương hiệu mở điểm bán lẻ tại TPHCM

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường quí 3-2015 của Công ty CBRE Việt Nam, hoạt động cho thuê mặt bằng bán lẻ trong quí này tiếp tục được dẫn dắt bởi ngành hàng thời trang và ẩm thực. Riêng trong tháng 9, Tập đoàn Vingroup đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại quận Gò Vấp là Vincom Quang Trung. Trong khi đó, Trung tâm thương mại SC VivoCity ở quận 7 cũng chào đón thương hiệu bán lẻ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như Dorothy Perkins, F&F, Miss Selfridge (lĩnh vực thời trang) và Komonoya, Sabu Ya (lĩnh vực ẩm thực).

CBRE Việt Nam dự báo, trong tương lai gần sẽ xuất hiện những loại hình bán lẻ mới, tạm gọi là loại hình bán lẻ trong khu đô thị. Mô hình này đã thành công bước đầu tại Hà Nội với ba trung tâm The Yard, Creative City và X98. Mô hình này cần một diện tích rộng, khoảng 5.000 m², với những thiết kế sáng tạo cho những cửa hàng trong nhà và ngoài trời gồm quán bar, giải trí, cửa hàng thời trang, triển lãm nghệ thuật, nhắm đến đối tượng trẻ tuổi.

Mạnh Tùng[/box]

Giảm bớt thua thiệt

Một số doanh nghiệp cho biết, cơ hội kinh doanh ngày càng rộng mở từ sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, với những nhà bán lẻ có nhiều năm kinh nghiệm thì các nhà sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam nên tìm hiểu kỹ để không bị thua thiệt nhiều.

Theo ý kiến từ các doanh nghiệp này, ngoài chuyện tăng chiết khấu bằng nhiều hình thức, có siêu thị hay cửa hàng tìm cách kéo dài thời gian thanh toán, yêu cầu đổi trả hàng cho hàng “cận đát” (hàng gần hết hạn sử dụng), hàng hư hỏng mặc dù đó không phải lỗi từ nhà cung cấp… Không những vậy, các nhà cung cấp còn phập phồng với tình trạng sẽ bị cắt hàng bất cứ lúc nào với lý do không đạt doanh số bán.

Để tránh mọi rắc rối có thể xảy ra, các doanh nghiệp này cũng cho rằng nên đọc kỹ hợp đồng của từng hệ thống trước khi ký kết. Điều quan trọng hơn là phải gia tăng sức mạnh cho thương hiệu của mình thông qua chất lượng sản phẩm, đồng thời quảng bá để thu hút người tiêu dùng. Một khi sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng, lựa chọn thì dù muốn hay không nhà bán lẻ vẫn phải bày bán.

Báo cáo mới nhất của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các nhà bán lẻ là các hệ thống siêu thị thích được nhà sản xuất phân phối hàng hóa trực tiếp. Bản thân các nhà sản xuất khi sử dụng phương thức phân phối hàng trực tiếp đến người bán lẻ (không thông qua hệ thống nhà phân phối trung gian) cũng có lợi về doanh số bán hàng, mức dự trữ hàng cao và được các nhà bán lẻ hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối