Thái Hà -
Mua sắm trực tuyến đang trở thành dòng chủ lưu trong đời sống hôm nay, nhưng nó không bóp chết những cửa hàng hiện hữu. Nhà thiết kế Lee Broom nhận ra điều đó khi ông mở cửa hàng tạm thời (pop-up shop) trong một tháng ở khu thương mại SoHo, thành phố New York (Mỹ) để bán đồ nội thất.
Những công cụ kỹ thuật số và truyền thông xã hội đang đẩy khách hàng tới từng công ty đơn lẻ, bỏ đường vòng qua các nhà bán lẻ.
Hàng bán rất chạy khiến ông Broom đi đến quyết định thuê một cửa hàng tại SoHo để bán lâu dài và lên kế hoạch mở cửa hàng tại thành phố Los Angeles nữa. Trước đó, ông chỉ bán hàng online qua trang web riêng của ông và qua 180 nhà bán lẻ trực tuyến khác.
Trường hợp của ông Broom cũng khá phổ biến. Có thể thấy điều đó qua xem xét doanh số các kênh bán hàng. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Forrester Research, mua sắm trực tuyến ở Mỹ sẽ đạt 394 tỉ đô la Mỹ (USD) năm nay, tức là chỉ chiếm dưới 12% của toàn thị trường bán lẻ được dự báo ở mức 3.400 tỉ USD. Lượng hàng bán ở cửa hàng do sự dẫn dắt bởi Internet (khách hàng tìm hiểu sản phẩm ví dụ trên smartphone rồi sau đó mua ở một cửa hàng) đạt 1.300 tỉ USD, chiếm 38% toàn thị trường bán lẻ. “Các cửa hàng vẫn rất quan trọng, nhưng ảnh hưởng của kỹ thuật số thật đáng nể”, Fiona Swerdlow, Phó chủ tịch Forrester Research nhận xét.
Các công ty chuyên sản xuất hàng để bán qua các nhà bán lẻ, sau khi gia nhập thêm vào trào lưu bán hàng trực tuyến, bắt đầu mở những cửa hàng hiện hữu nhằm tạo ra sự tương tác lớn hơn với khách hàng. Công ty Herman Miller chuyên sản xuất đồ nội thất sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 11 này ở New York. Cách đây 6 năm Herman Miller đã bán hàng online. “Chúng tôi mở bán online là thử nghiệm nhỏ thôi, ai ngờ khách hàng trực tiếp tìm đến chúng tôi qua kênh này phát triển nhanh vậy, và điều này có nghĩa là nhiều khách muốn trực tiếp trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi”, Ben Watson, Giám đốc sáng tạo của Herman Miller cho biết.
Những công cụ kỹ thuật số và truyền thông xã hội đang đẩy khách hàng tới từng công ty đơn lẻ, bỏ đường vòng qua các nhà bán lẻ. “Các nhãn hàng đang xây dựng cơ sở bán hàng trực tiếp dựa trên cơ sở giữa họ với khách hàng đã có sự thân thiết nhất định qua các công cụ kỹ thuật số và truyền thông xã hội”, chuyên gia Al Sambar ở Công ty Tư vấn thị trường Kurt Salmon nhận xét.
Các nhà bán lẻ cũng tự thân đổi mới nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng. Saks Fifth Avenue nổi tiếng chuyên bán những nhãn hàng cao cấp như Fendi, Jimmy Choo… thay đổi hoàn toàn cách sắp xếp đồ trong cửa hàng mới mở hồi tháng 9 của họ ở New York. Trong khi cửa hàng bán lẻ thời trang truyền thống vẫn xếp khu giày riêng với khu túi xách thì Saks Fifth Avenue cho xếp trộn lẫn giày, nữ trang, túi xách cùng nhãn hiệu tại một chỗ.
Họ cũng xác định những món đồ khách hàng thử, đưa ra những gợi ý về cỡ, và sau đó họ gửi những đường link về sản phẩm đến điện thoại của khách hàng để khách hàng cân nhắc lại về việc mua hay không, và có thể mua qua mạng. Saks Fifth Avenue cũng áp dụng chương trình Power Lunch cung cấp cho các khách hàng quen thuộc dịch vụ cao cấp như tư vấn, mua sắm và ăn trưa với stylist (người tạo phong cách thời trang) trong vòng một giờ đồng hồ, miễn phí.
Có nhiều công ty chuyên làm đồ nội thất lúc trước chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp gồm những người như kiến trúc sư, nhà thiết kế. Nhiều người tiêu dùng còn không biết đến sự tồn tại của họ. Nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi. Poliform, nhà sản xuất nội thất Ý trước đây chỉ có một showroom tại tòa nhà A&D Building, nơi qua lại của giới kiến trúc sư và nhà thiết kế khi tới New York. Nhờ Internet, danh tiếng của Poliform phát triển và họ thấy cần thiết đến lúc phải mở cửa hàng để cho người tiêu dùng trực tiếp tiếp cận. Vậy là họ làm luôn một showroom trên đại lộ Madison sầm uất ở New York. Không lâu sau, các bạn hàng của Poliform ở A&D Building như Công ty Exquisite Surfaces chuyên sàn gỗ, đá và gạch men cũng bung ra mở showroom ở trung tâm.
Chính những công ty lúc trước chỉ hoạt động online lại mở cửa hàng hiện hữu hăng nhất. M. Gemi bán qua mạng dòng giày Ý cao cấp với giá chỉ bằng một nửa các nhãn hàng xa xỉ cùng loại, từ 150 đến 600 USD mỗi đôi. Tháng 9 năm nay, họ mở cửa hàng ở SoHo. Điều này, theo Ben Fischman – Tổng giám đốc M. Gemi, là để khách hàng đi thử, cảm nhận lớp da, sờ nắn hình dáng theo cách họ không thể trải nghiệm được trên online. “Tất nhiên chúng tôi vẫn chú trọng bán online nhiều hơn”, Ben nói thêm.
Các công ty như Warby Parker, Bonobos cũng giống như M.Gemi, mở showroom trưng bày, nhưng không có hàng trữ trong showroom. Khách đến thử, sau đó đặt mua, và họ chuyển hàng đến tận nhà. Thật nghịch lý khi sự vươn lên của mua sắm trực tuyến lại đang kéo người tiêu dùng ra phố.