Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Kết hợp nông nghiệp và du lịch hậu Covid-19 – nhìn từ mô hình PGS Hội An

Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa đánh dấu hành trình 7 năm cùng nông dân tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ cũng như hình thành chuỗi cung cấp hữu cơ được gọi là Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS - Participatory Guarantee System) Hội An.
Ông Mèo (bên trái), trưởng nhóm nông dân trồng rau hữu cơ tại làng rau hữu cơ Thanh Đông, thành phố Hội An, và các thành viên. Ảnh: Làng rau Thanh Đông
Từ vườn rau hữu cơ Thanh Đông

Vườn rau hữu cơ Thanh Đông tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An được xem là nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ tại Hội An. Được thành lập vào thánh 11-2013 với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và vốn từ mô hình Nông thôn mới, vườn rau có tổng diện tích gần 6.500 m2 do một vài hộ nông dân tham gia sản xuất.

Tại đây, nước được lấy từ nguồn giếng khoan cho vào bể lọc trước khi đưa ra sử dụng cho cây trồng. Giống cây cũng mua từ những thành phố lớn, có chứng nhận để đảm bảo nguồn gốc. Thay vì dùng các loại thuốc trừ sâu, nông dân dùng thuốc thảo mộc được chế biến từ các loại cây có sẵn trong vườn dùng để xua đuổi các loài côn trùng có hại cho cây trồng.

Một nét rất đặc trưng của vườn rau là các loại hoa. Hầu hết xen kẽ các luống rau đều có được trồng hoa. Ngoài tác dụng làm đẹp cho vườn, hoa là nơi vô cùng lý tưởng cho loại thiên địch sinh sống và dẫn dụ các loại sâu bọ tới ăn thay vì ăn rau.

Đặc biệt, thay vì xây tường xi măng che chắn, vật liệu ở đây đều dùng là tre nứa và các loại cây trồng, trong đó bờ bao được trồng bằng cỏ voi vừa thân thiện thiên nhiên vừa để tránh thuốc trừ sâu từ các cánh đồng xung quanh.

Vườn rau hữu cơ Thanh Đông hiện nay có trên 30 loại cây trồng, tất cả đều được cấp chứng nhận hữu cơ. Các loại rau đều được trồng theo hai phương pháp cơ bản là luân canh-xen canh và đa dạng cây trồng.

“Lúc đầu làm rất cực vì vừa thời tiết khắc nghiệt vừa trồng rau hữu cơ phải kiên nhẫn và theo quy trình”, ông Phạm Mèo, một nông dân tại đây chia sẻ và giải thích kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ chưa nắm bắt kịp, cơ sở vật chất thiếu thốn và vốn còn hạn hẹp.

Đến nay sau 7 năm, ông Mèo, trưởng nhóm nông dân trồng rau hữu cơ Thanh Đông, vui mừng rằng vườn rau hữu cơ Thanh Đông là một điểm cung cấp rau sạch, rau an toàn cho người dân thành phố và giúp cải thiện đời sống cho ông và các nông dân khác nơi đây.

Thậm chí, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nơi đây đã trở thành điểm tham quan du lịch cho các du khách trong và ngoài nước và là nơi thưởng xuyên thu hút các nhóm thanh, thiếu niên tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ.

Hơn thế nữa, vườn rau còn nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ sinh thái của một vài doanh nghiệp nơi đây. Ông Phan Xuân Thanh, Tổng giám đốc Emic Hospitality, kể: “Tôi thấy nhu cầu rau hữu cơ rất lớn, nhất là lúc đó trải nghiệm du lịch bằng nông nghiệp hữu cơ thì chưa ai làm. Công ty hỗ trợ bằng cách đưa khách du lịch đến và tài trợ nâng cấp các nông trại”.

Khi nông dân thấy khách đến với số lượng vừa phải nhưng vẫn đem lại hiệu quả, họ hiểu được ý nghĩa của sự cân bằng. Các hộ nông dân hiểu với sức lao động chừng đó, chỉ cần chừng đó khách, không ham quá nhiều, để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Đến hệ sinh thái PGS Hội An 

Vườn rau hữu cơ Thanh Đông có thể xem là một trong những thành viên đâu tiên của “ngôi nhà” PGS Hội An với hơn 40 hộ, và 2 hợp tác xã, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững được hình thành và phát triển trong 7 năm qua.

Trước đó, vào thời điểm 2012-2013, trong quá trình hợp tác với ACCD trong các hoạt động về giáo dục và môi trường trên địa bàn xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An tiếp cận được với chương trình nông nghiệp hữu cơ (lúc đó đã được thí điểm và triển khai tại một số địa phương ở phía Bắc).

Mô hình làm du lịch kết hợp nông nghiệp hữu cơ đang được lan tỏa tại thành phố Hội An. Những người trong cuộc tin rằng đây là lựa chọn thích để phát triển kinh tế thời gian sắp tới hậu Covid-19. Ảnh chụp lúc chưa xảy ra dịch ở Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Với phương thức canh tác này, yêu cầu bắt buộc là diện tích sản xuất phải cách xa khu dân cư, không manh mún và có khoảng cách ly để đảm bảo an toàn, đồng thời, người nông dân quen thực hành theo kiểu canh tác nông nghiệp sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật nên việc vận động họ đồng thuận, thực hiện ở một nhóm hộ là không dễ dàng.

Sau một năm truyên truyền, dự án mới nhận được sự đồng thuận của dân với khoảng 10 hộ đầu tiên tham gia.  Sau đó, quy hoạch đồng ruộng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tổ chức tập huấn quy trình, kỹ thuật canh tác hữu cơ cho nông dân được thực hiện để bắt đầu chuyển đổi sản xuất từ năm 2014 cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tạo kênh tiêu thụ thông qua các nhãn hiệu như Organic Cẩm Thanh hay Vườn rau hữu cơ Thanh Đông.

“Để có được kết quả bước đầu như ngày hôm nay là không dễ dàng vì thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, tính kiên trì, niềm đam mê  của người nông dân chính là điểm mấu chốt để quyết định sự thành công cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân liên quan. Thông qua đó là việc thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ trong nông nghiệp, chương trình nông thôn mới, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết hình thành các điểm đến về du lịch, giải quyết đầu ra cho sản phẩm…”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An - người theo dự án này từ những ngày đầu - cho biết.

Đặc biệt, ông Hùng chia sẻ là đô thị du lịch, các trang trại, vườn canh tác hữu cơ hình thành trong thời gian qua tại Hội An đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách vì yếu tố cộng đồng và bảo vệ môi trường là xu hướng của du lịch xanh, từ đó đã tạo dựng được những sản phẩm du lịch mới, có chất lượng cao của Hội An để phục vụ khách du lịch (các hình thức trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực, giáo dục môi trường,…) góp phần làm phong phú thêm cho du lịch Hội An.

Và để sự lan tỏa này mang tính bền vững trong thời gian tới, theo vị phó chủ tịch này, trong thời gian đến, quy định pháp luật, cơ chế chính sách cần ưu tiên hơn nữa để khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân, tạo hành lang pháp lý và chính sách tốt hơn thì chắc chắn nông nghiệp hữu cơ sẽ tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, cần sớm bổ sung chương trình giảng dạy kiến thức về nông lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật nuôi, trồng hữu cơ trong các trường học để tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, gắn chặt việc phát triển nông nghiệp sạch với phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch kể cả quy mô vừa và nhỏ để giúp làm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Với vai trò là chủ doanh nghiệp và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ông Phan Xuân Thanh nhận định việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo tiền đề để phát triển du lịch sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn là bước đi phù hợp cho Hội An để phục hồi hậu Covid-19.

Những cơ sở như vườn rau hữu cơ Thanh Đông, làng rau Trà Quế, vườn rau Cẩm Thanh…hiện nay chủ yếu cung cấp rau sạch cho người dân địa phương cũng như cung ứng cho các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các địa phương xung quanh. Và khi dịch được kiểm soát, những vườn rau này lại tham gia chuỗi cung ứng của những soanh nghiệp như ông Thanh để phục vụ du khách, góp phần tạo nên một hệ sinh thái phát triển bền vững cho kinh tế nông nghiệp Hội An.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, diện tích đất nông nghiệp của Hội An là rất nhỏ, việc chạy theo sản lượng trong dài hạn sẽ không đem lại giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Vì vậy, phát triển nông nghiệp sạch là lời giải phù hợp nhất để giúp nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập cho người nông dân từ chính sản phẩm do họ làm ra và nếu kết hợp tốt và hài hòa với phát triển du lịch sinh thái, du lịch học tập thì giá trị gia tăng sẽ càng cao hơn nữa. Đây cũng là phù hợp với định hướng phát triển của Hội An - hướng đến một thành phố văn hóa và sinh thái.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối