Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024

Kết nối cung cầu: Kỳ vọng sẽ có thêm đối tác

Vũ Yến -

Khoảng một tuần nữa hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2017 lần thứ 6 sẽ diễn ra. Các doanh nghiệp cho biết hàng hóa đã được chuẩn bị sẵn sàng để giới thiệu với đối tác, người tiêu dùng tại TPHCM.

Tìm thêm người mua

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, đặc sản vùng miền giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã hoàn thành. Theo đó, đã có 2.763 doanh nghiệp của 39 tỉnh, thành đăng ký tham gia, với khoảng 450 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản vùng miền. Tại đây cũng sẽ có khu vực trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

Bà Trang cho biết, năm nay các loại đặc sản vùng miền gồm hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và chế biến đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sẽ “tề tựu” đông đủ tại hội nghị.

Trong số các sản phẩm phải kể tới cam xã Đoài Cao Phong, cam canh, măng Hòa Bình, trà San Tuyết Sinh Long Na Hang, trứng vịt lòng hồ, mật ong bạc hà Mèo Vạc, cà phê, rượu sim (Kon Tum), nho Ninh Thuận, mắc ca sấy khô (Đắk Lắk)…

Các doanh nghiệp cho biết hàng hóa đã được chuẩn bị sẵn sàng để giới thiệu với đối tác, người tiêu dùng tại hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2017 lần thứ 6 diễn ra tại TPHCM.

Ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông lâm sản Kim Bôi (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), cho biết ngày 8-12 tới đây, công ty sẽ tiếp tục mang các sản phẩm gồm măng khô, măng tươi các loại, mơ muối, cam canh, bưởi Diễn, lạc (đậu phộng) bóc vỏ đóng gói và miến sạch vào tìm thị trường tiêu thụ tại TPHCM.

Ông Sinh cho biết, năm 2016 lần đầu tiên công ty tham gia hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa và đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, công ty đã ký kết được những hợp đồng hợp tác, cung ứng hàng hóa cho hệ thống các siêu thị như Co.opmart, Lotte Mart, Satra, Vinmart… Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty cung ứng khoảng 40.000-50.000 sản phẩm, tương ứng với 700-900 triệu đồng vào hệ thống các siêu thị trên.

“Với những kết quả đạt được năm 2016, chúng tôi kỳ vọng năm nay sẽ cung ứng đầy đủ 16 mã sản phẩm (hiện nay là 7 mã) vào hệ thống các đơn vị trên, đồng thời sẽ được hợp tác với một số siêu thị khác tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Phú Quốc”, ông Sinh nói thêm.

Ông Nguyễn Quốc Bảo Huy, Giám đốc công ty TNHH Hoa Lan TODA (Đà Lạt), cho biết đây là năm đầu tiên công ty mang lan hồ điệp tới hội nghị để giới thiệu với người tiêu dùng TPHCM. Theo ông, sức tiêu thụ của TPHCM, nhất là dịp tết luôn tăng cao, vì vậy ông kỳ vọng sản phẩm của công ty sẽ được đón nhận và tìm được nhà phân phối. 

Theo đại diện của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, sắp tới có 18 doanh nghiệp sản xuất nông sản (rau, củ, quả, hoa..) của tỉnh này tham gia hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa.  Theo vị này, hiện tại nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã đưa được hàng hóa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại TPHCM nhưng tiềm năng sản xuất vẫn còn nhiều và mong muốn được tạo điều kiện để đưa sản phẩm vào thị trường này nhiều hơn nữa.

Tìm nguồn xuất khẩu

Những năm trước, mục tiêu tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào các hệ thống phân phối tại TPHCM. Năm nay, điểm mới là sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Việc kết nối này nhằm giúp đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước.

Ông Tăng Quốc Đính, Giám đốc Công ty TNHH C&N Quốc tế, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm gạo, cà phê, đậu các loại, cho biết hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu của hội nghị cần được duy trì ở những năm tiếp theo.

Ông Đính cho rằng, việc tìm được nguồn hàng xuất khẩu đạt chất lượng luôn là mối quan tâm của các đơn vị như ông. Theo đó, khi hội nghị tập hợp, có thông tin về các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sẽ thuận tiện cho những người như ông trong việc tìm kiếm, trao đổi và hợp tác với đối tác.

Cũng theo ông Đính, điểm mấu chốt đối với sản phẩm xuất khẩu nằm ở chất lượng. Sản phẩm phải được sản xuất theo một quy trình chất lượng, an toàn, phải có những chứng nhận quốc tế. Song song đó, sản lượng cũng phải ổn định. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa đáp ứng do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún.

“Doanh nghiệp muốn sản phẩm được xuất khẩu phải thực sự chú trọng những yếu tố vừa nêu. Nhu cầu thị trường quốc tế cần sản phẩm của chúng ta. Hiện nay ngoài gạo, cà phê và đậu các loại, thị trường Mỹ, Canada còn có nhu cầu về nước ép trái cây các loại từ Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra đơn vị cung ứng”, ông Đính cho biết.

Liên quan đến việc kết nối sắp tới, ông Đính cho rằng Sở Công Thương TPHCM nên cung cấp thông tin chi tiết hơn về doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp đã sản xuất những sản phẩm đạt các chứng nhận quốc tế. Từ danh sách này, các đơn vị tìm nguồn hàng xuất khẩu sẽ lựa chọn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mình cần bàn thảo, hợp tác.

Ông Trần Minh Tuấn, Công ty Vinh Phát, chuyên xuất khẩu gạo sang một số nước ở châu Phi, Trung Đông và Đông Âu, cho biết hiện nay sản lượng xuất khẩu mỗi năm của công ty vào khoảng 80.000-120.000 tấn, trong khi nhu cầu là 150.000 tấn. Tới tham dự hội nghị kết nối cung cầu, công ty mong muốn sẽ tìm được các đơn vị sản xuất phù hợp để hợp tác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối