Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm

Vũ Yến-

Ngày 8-12 tới đây, hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2017 lần thứ 6 sẽ diễn ra. Năm nay, hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa được tổ chức với quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài hơn (ba ngày thay vì hai ngày như các năm trước) và tập trung hỗ trợ sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

Kết nối hai chiều

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết hội nghị năm nay sẽ tập trung hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, bên cạnh việc hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc.

Về nội dung, hội nghị sẽ có ba nhóm hoạt động chính gồm các buổi hội thảo, tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các nhà phân phối và đơn vị cung ứng tiềm năng với các mục tiêu rõ ràng là kết nối xuất khẩu, kết nối vào kênh phân phối hiện đại và kết nối vào kênh phân phối truyền thống. Song song đó là hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhằm đánh giá, tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm.

Về sản phẩm kết nối, bên cạnh các sản phẩm đặc sản, hàng nông sản như trước đây, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2017 sẽ mở rộng sang các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành, các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Về đối tượng kết nối, bên cạnh các nhà cung ứng – nhà phân phối, hội nghị còn tập trung kết nối giữa các nhà sản xuất với nhau nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kết nối giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ví dụ, các đơn vị cung ứng nông sản như mè, đậu phộng, hạt sen, trái cây… sẽ được kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo, thực phẩm chế biến; các đơn vị sản xuất máy móc, nông cụ có thể kết nối với các hợp tác xã nuôi trồng…

Về phương thức kết nối, bên cạnh kết nối trực tiếp theo phương thức truyền thống, ban tổ chức cũng sẽ xây dựng sàn kết nối online www.ketnoicungcau.vn. Sàn kết nối online này giúp mở rộng các kênh thông tin để các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động tiếp cận, kết nối với nhau.

Nói riêng về việc hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, bà Trang cho rằng, vì đây là hoạt động mới nên cũng chưa kỳ vọng quá lớn về kết quả kết nối. Tuy nhiên, với sự tích cực của các tập đoàn phân phối lớn đang hoạt động tại TPHCM như Saigon Co.op, Satra, Centra Group, Lotte, MM Mega Market, cộng với số lượng 1.200 doanh nghiệp xuất khẩu lớn của thành phố, đây sẽ là khởi đầu để hoạt động kết nối đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới vào các năm tiếp theo.

Cũng theo bà Trang, qua năm lần tổ chức, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã đạt tạo sự kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa ở các địa phương vào hệ thống phân phối TPHCM và đưa hàng hóa ở TPHCM vào hệ thống phân phối các tỉnh, thành.

Không chỉ kết nối hàng hóa, các hội nghị đã tìm kiếm, chọn lọc được 17 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành tham gia Chương trình bình ổn thị trường, kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn 27.428 tỉ đồng gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỉ đồng mỗi năm.

 ketnoi2Đặc sản địa phương được giới thiệu tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2016.  Ảnh: Vũ Yến

Vẫn còn những khó khăn

Bên cạnh những thành quả đạt được, điểm khó khăn nhất của hội nghị qua các năm, theo bà Trang, là hoạt động kết nối vào kênh phân phối truyền thống, chủ yếu do chủ thể mua hàng rất phân tán.

“Thực tế cho thấy nhiều thương nhân rất quan tâm đến sản phẩm, nhưng số lượng đặt hàng nhỏ giọt, làm cho công tác giao nhận, thanh toán từ các tỉnh về TPHCM gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này cũng sẽ được trao đổi tại buổi tiếp xúc, kết nối đưa sản phẩm vào kênh phân phối truyền thống tại hội nghị năm nay”, bà Trang nói thêm.

Bà Trang cũng cho rằng, việc kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng qua các hội nghị vẫn chưa thực sự đạt kết quả cao. Chẳng hạn như hội nghị năm 2016 kết nối được 412 hợp đồng mua bán nhưng chủ yếu kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp chứ chưa trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Theo bà Trang, năm nay, việc tăng thời gian tổ chức lên ba ngày sẽ giúp cho doanh nghiệp TPHCM cũng như các địa phương có cơ hội giới thiệu trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng. Hoạt động trưng bày, giới thiệu này nhằm giúp doanh nghiệp có cơ sở đánh giá thị hiếu của thị trường để có những điều chỉnh cần thiết trước khi đưa hàng hóa đến TPHCM tiêu thụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối