Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Khách hàng ơi, đừng lớn!

Nam Hưng

Với cư dân Sài Gòn bây giờ, nhất là những người trẻ, những cái tên như Starbucks, Paris baguette, Lotteria… đã không còn quá xa lạ. Trước đó nữa, những chiếc đùi gà của KFC hay những mâm bánh Pizza cũng ít nhiều lôi cuốn không những khách hàng trẻ tuổi mà còn có những “người lớn sành điệu”.

 1. Cách đây vài năm, trước khi hiệu bánh của người Mỹ là Auntie Anne's có mặt tại Việt Nam thì bộ phim Tiệm bánh hoàng tử bé đã ra đời, phát trên sóng truyền hình. Để rồi sau đó, năm 2013, hiệu bánh này mở cửa hàng đầu tiên tại đường Mạc Thị Bưởi – một trong những con đường thuộc khu trung tâm Sài Gòn mà khách nước ngoài thường lui tới. Ngay trong ngày khai trương, các vai diễn trong bộ phim nói trên bước ra đời thực. Trai gái trắng trẻo, mắt ướt môi hồng, tung tăng chào khách. Họ là đại diện hình ảnh cho hiệu bánh và tất nhiên, họ lên báo, trong những thông tin liên quan đến sự khai trương của tiệm bánh.

Những chiếc bánh xoắn với bột, đường và những tên gọi nghe “tây tây” như bánh tỏi, bánh hạnh nhân… với giá bán bằng phần cơm dành cho giới văn phòng ở trung tâm thành phố là không hề rẻ. Nhưng, với những đứa trẻ mà cha mẹ chúng ở những căn hộ đắt tiền, những khu trung tâm thương mại sầm uất, thì đó là mức giá có thể gọi là bình thường. Hiệu bánh này, nay đã có mặt ở các trung tâm mua sắm, các khu dân cư cao cấp để đón chào những khách hàng nhí.

Người tiêu dùng trẻ luôn hào hứng đón nhận những sản phẩm, dịch vụ mới lạ. Ảnh: Nguyễn Tâm
Người tiêu dùng trẻ luôn hào hứng đón nhận những sản phẩm, dịch vụ mới lạ. Ảnh: Nguyễn Tâm

Trước khi cái bánh xoắn của người Mỹ vào Việt Nam thì chiếc đùi gà của họ đã có mặt ở rất nhiều ngã tư đường. Sản phẩm thức ăn nhanh, chủ yếu là gà rán, của Kentucky Fried Chicken – KFC với hình minh họa là một ông già tóc trắng tính đến nay đã gần 20 năm ở Việt Nam. Năm 1997, cửa hàng đầu tiên của KFC có mặt ở Sài Gòn và nay “đùi gà hình ông già” đã có khoảng 140 cửa hàng trên cả nước. Vào những cửa hàng này, khách hàng lớn tuổi lắm thì cũng chỉ thuộc dạng “sồn sồn”. Nhưng, có thể họ không đi vì họ mà đi vì những đứa con. Chúng cứ tung tăng trong không gian sạch sẽ hoặc ngấu nghiến những miếng thịt gà còn nóng, thơm lừng, được phủ bên ngoài một lớp bột chiên. Bọn trẻ có thể tự phục vụ từ gia vị đến khăn ăn, một cách sành điệu, như kiểu chúng hí hoáy lia thia trên màn hình những chiếc smartphone.

2. Cũng vài năm trước, hãng cà phê Mỹ trứ danh Starbucks gây “sốt” bằng màn xếp hàng rồng rắn trước khách sạn tiếng tăm New World ngày khai trương. Hình ảnh của hàng chục, thậm chí hàng trăm người trẻ với smartphone cầm tay, tai nghe vắt ngang vai, mắt lơ đễnh chờ tới lượt, đã xuất hiện trên các trang báo cũng như các mạng xã hội.

Mới đây thôi, ở cạnh Starbucks, hãng Phúc Long của Việt Nam cũng ầm ầm khai trương bằng màn xếp hàng ken kín. Ở địa điểm đó, biết bao cửa hàng đã xí chỗ kể cả một hãng xe máy tên tuổi. Vậy rồi tất cả ra đi, cà phê ở lại. Trước đó nữa, hãng cà phê cũng có gốc Mỹ là NYDC mà không nhiều người biết tên Việt của nó nhưng lại nhớ cái tên tiếng Anh là New York Dessert Café đã xuất hiện ở mặt kia của bùng binh này. Những ly cà phê không đen sánh, những ly trà to đùng nhiều màu sắc và những chiếc bánh ăn kèm nho nhỏ (finger food) xem ra lại khá hút khách.

Với nhiều người có tuổi cũng như những người thích nghiền ngẫm cà phê cóc, cà phê vỉa hè thì cà phê của Mỹ cứ như “nước đường có màu”. Có thể rằng, cái gu đó không thuộc về họ nhưng lại thuộc vào rất nhiều người trẻ. Và cũng vì thế, một hãng cà phê gốc gác Hàn Quốc trong ngày khai trương quán cũng nhộn nhịp không kém. Khách hàng ken kín, tràn ra cả đường phố. Ở đó, có những diễn viên điển trai trong những bộ phim Hàn bước ra, vẫy tay chào.

Sau làn sóng này, làn sóng mì Nhật Bản được đưa vào Việt Nam. Những sợi mì Udon to gần bằng cọng bánh canh xứ mình, vàng vàng như mì Quảng lại khá thu hút. Tiệm mì ở quận 3, hay như các tiệm mì ở các trung tâm mua sắm, nhất là trung tâm do người Nhật đầu tư ở quận Tân Phú, luôn đông khách. Khách vào ăn phải xếp hàng một lối, tự bưng bê, tự phục vụ ngoại trừ khâu chế biến mì. Chỉ có cọng rau là của Việt Nam, còn lại cái tô, cái chén đến hũ ớt bột đều là của Nhật. Tô mì kèm vài món ăn thêm giá ngót trăm ngàn đồng.

3. Tôi có một anh bạn làm giám đốc một hãng xe máy điện của Nhật Bản, nay đã có hệ thống cửa hàng ở Việt Nam. Với vài tiếng Việt bập bẹ, mỗi lần trò chuyện với các nhà báo, anh ta phải thông qua phiên dịch khi lâu lâu xổ một tràng tiếng Anh. Có lần, anh ta vào một quán cà phê ở khu “bùng binh cà phê”, khiến thế nào cái tên tiếng Nhật của anh được nhân viên ở đây phiên thành “single – cô đơn” và bất giác, anh ta cảm thấy thú vị, thảy điều đó lên Facebook. Tôi nói anh ta trẻ, trẻ như nhiều người trẻ Việt Nam. Anh ta trả lời rằng người Việt trẻ, chấp nhận nhiều cái thay đổi, và nhất là ở TPHCM chuyện sử dụng sản phẩm nước ngoài giờ đây là chuyện bình thường.

Nói rồi, trong câu chuyện của mình, anh người Nhật không quên tiếp thị rằng những chiếc xe điện công nghệ cao của anh đang được nhiều khách hàng đón nhận, xem như đó là một sản phẩm của thời đại. Giải thích cụ thể hơn, trong cái tiếng Anh của kẻ nói và người nghe chỉ hiểu nhau được ý, tôi hiểu rằng anh đang cố giải thích những sản phẩm của anh đắt tiền – có cái gần trăm triệu đồng – và vì vậy người mua đa phần lớn tuổi. Nhưng, qua khảo sát của bên bán, những khách hàng này đều mua cho con cái họ. Tức là, người Việt trẻ thích sử dụng hàng hiệu nhưng mua bằng tiền của phụ huynh.

Ly cà phê, chiếc bánh xoắn của nước cờ hoa, tô mì của xứ phù tang, tất cả đều nhắm vào người trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối