Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Khách quốc tế tăng nhưng thắt chặt chi tiêu

SGTT trên KTSG OnlineKhách quốc tế tăng nhưng thắt chặt chi tiêu
(SGTT) - Mặc dù lượng khách quốc tế tăng cao trong hai tháng đầu năm nay nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng họ vẫn còn loay hoay "gỡ khó" khi du khách thắt chặt chi tiêu và khó hồi phục như trước dịch bệnh Covid.

Tín hiệu đáng mừng

Năm 2022, sau khi mở cửa du lịch từ ngày 15-3, Việt Nam đã đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, sang năm 2023, con số này tăng lên gần 3,5 lần với 12,6 triệu lượt khách. Bước sang 2024, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế có dấu hiệu tích cực hơn, tính trong 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra Covid-19.

Một đoàn khách quốc tế tham quan nhà cổ tại TP Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Khuyến

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, ông Trần Tường Huy đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Việt Nam. “Với khởi đầu thuận lợi như vậy, cùng nỗ lực của cộng đồng du lịch Việt Nam, cộng với tiềm năng du lịch và chính sách quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, tôi tin rằng  mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 hoàn toàn đạt được”, ông nói.

“Ba tháng đầu năm 2024, có 90% khách của Flower Garden tại Hà Nội là khách quốc tế, 70% với Mai Châu Lodge tại Hoà Bình và 90% với đội tàu Emeraude ở Vịnh Hạ Long. Tại Flower Garden Hotel nhóm khách nước ngoài đến nhiều nhất ba tháng đầu năm nay là Đức, Ấn, Pháp, Úc, Anh", bà Vũ Thu Hiền, Quản lý kinh doanh các sản phẩm phía Bắc Tập đoàn Thiên Minh, cho hay.

Tại khu nghỉ dưỡng Mekong Riverside Boutique Resort & Spa thuộc Công ty cổ phần Vườn Mekong (Tiền Giang), thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn, thời điểm này đàn là đợt đông khách nhất trong các tháng qua. "Hầu như công suất phòng đều đạt gần 100%, so với năm ngoái thì năm nay cao hơn gấp 2 lần. Hiện tại khu nghỉ dưỡng cũng đã nhận các lượt đặt phòng cho năm 2025", ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vườn Mekong, nói.

Tương tự, tại TP Cần Thơ, nép mình trong không gian thanh bình, khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge, (thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn) cũng thu hút khách quốc tế lưu trú. Theo bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, đại diện chủ cơ sở: "Từ đầu năm đến nay, điểm đến này đã đón khoảng 3.600 lượt khách quốc tế, cao hơn năm ngoái. Khách quốc tế đến đây được hòa mình vào thiên nhiên và dịch vụ xanh với những trải nghiệm thú vị về miệt vườn Nam bộ như làm bánh dân gian, dệt chiếu, chèo xuồng, bắt cá, thăm vườn trái cây nhiệt đới".

Lợi nhuận chưa cao

Tuy ghi nhận khách quốc tế có sự tăng trưởng, nhưng thị trường du lịch năm 2024 vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, từ sự bất ổn chính trị và kinh tế, đến giá xăng dầu tăng, giá vé máy bay tăng cao, một số chuyến bay phải bay vòng hoặc nối chuyến, khiến chi phí bị đội lên khá nhiều.

"So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ khách quốc tế tăng 30%, lượng khách quốc tế cũng tăng so với trước dịch, nhưng chủ yếu khách đến từ châu Á, khách châu Âu, Úc, Mỹ vẫn chưa phục hồi. Nguyên nhân là do vé máy bay cao nên tần suất bay ít. Mặt khác, giá dành cho khách châu Á cũng cạnh tranh, công ty lữ hành phải hạ giá thấp để lấy đoàn, do vậy mà lợi nhuận thấp, doanh thu tăng nhưng chỉ đạt khoảng 70% so với trước dịch", bà Thi Thị Capstan, phụ trách khối lữ hành BenThanh Tourist, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, cho hay.

Với công ty ngoài các tuyến tour có thế mạnh sẵn, các tour được ưa chuộng như tour trọn gói, xuyên việt, tour di sản miền trung...  Năm 2024, BenThanh Tourist cũng bùng nổ tour MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) với các yêu cầu đặc biệt như tổ chức đám cưới, tuần trăng mật, biểu diễn hoà nhạc cộng đồng tại 3 miền Bắc – Trung -Nam, tổ chức hội chợ ngành dệt toàn cầu, tour thực tế và làm workshop của các trường đại học, bà Capstan cho biết thêm.

Theo một số doanh nghiệp lữ hành trong mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn, khách quốc tế đang trở lại Việt Nam nhưng sẽ không được như trước dịch.

“Hiện nay vẫn đang trong mùa du lịch cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam, khách có tăng, tuy nhiên vẫn chưa được như trước dịch. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, du khách thắt chặt chi tiêu nên khách đi dạng tiết kiệm nhiều hơn", bà Trần Ngọc Phương Hà, Giám đốc truyền thông Công ty Image Travel & Events, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, chia sẻ.

Một khó khăn khác cũng được bà Hà đề cập đó là dù khách đang trở lại Việt Nam nhưng nguồn hướng dẫn giỏi lại thiếu vì một số đã chuyển ngành nghề khác khi dịch bệnh trước đây.

Đoàn khách nghe hướng dẫn viên thuyết minh tại Đại Nội Huế. Ảnh: Ngọc Khuyến

Hiện công ty đang cũng nhận các đoàn MICE nhiều hơn, khách quốc tế cũng quan tâm nhiều đến những dịch vụ nghỉ dưỡng, các tour nghỉ dưỡng trọn gói. Với riêng khách Pháp, công ty vẫn tổ chức các chuyện trải nghiệm địa phương. Nhưng bên công ty sẽ không ưu tiên các điểm ưa thích như là Nha Trang, Đà Lạt, Tam Đảo, Vũng Tàu, đây không phải gu khách Pháp - phần lớn khách của công ty, bà Hà cho biết thêm.

Nhu cầu du lịch của du khách trong thời gian qua thay đổi nhanh chóng, nhất là sau Covid-19, hành vi tiêu dùng du lịch của khách quốc tế thay đổi, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến đang dần xây dựng hệ thống sản phẩm dịch vụ phù hợp từng thị trường khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm để du khách tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị du lịch mang lại.

Ngọc Khuyến