Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Khách quốc tế tăng, vẫn ngổn ngang những nỗi lo cho tương lai

Các số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm, đạt khoảng 69% chỉ tiêu năm nay (8 triệu lượt khách). Với thị trường nội địa, lượng khách nửa đầu năm vào khoảng 64 triệu lượt. Tuy nhiên, ghi nhận từ một số doanh nghiệp địa phương ở các thành phố du lịch nổi tiếng, lượng khách trong mùa cao điểm dịp hè không như kỳ vọng, tỷ lệ lấp đầy phòng vẫn thấp hơn so với năm 2022. 

Ảnh hưởng chung từ nền kinh tế

Ba tháng hè thường là mùa hoạt động hết công suất của các thành phố biển, thế nhưng năm nay ở Vũng Tàu, điểm đến sát bên TPHCM, có dấu hiệu trầm lắng. Một số cá nhân có căn hộ, nhà riêng cho thuê nói rằng số lượng khách đặt trước phòng không cao nên giá thuê giảm hơn so với mọi năm khoảng 5-10%.

Đại diện cụm khách sạn Ibis Styles Vũng Tàu & Mercure Vũng Tàu, anh Võ Quốc Thịnh, quản lý truyền thông, cho biết với Vũng Tàu thì khách Việt Nam là chủ yếu và chỉ nghỉ dưỡng ngắn ngày. Lượng khách inbound tại khách sạn Mercure đang là khách lẻ bao gồm khách Việt kiều và khách nước ngoài như Mỹ, châu Âu đang sinh sống, làm việc tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh khách sạn mùa du lịch hè cũng chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn. Khách có xu hướng giới hạn chi tiêu, cân nhắc sử dụng các loại dịch vụ. Số lượng khách tăng nhưng không đồng đều, chiếm phần lớn vào cuối tuần.

Hai khách sạn nói trên liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi để thu hút khách. “Trong tháng 6, chúng tôi đã giới thiệu thực đơn mới lấy cảm hứng từ nguồn nguyên liệu và ẩm thực của miền thuỳ dương Vũng Tàu đến các thực khách. Hay cả hai khách sạn đã đưa ra chương trình lưu trú kết hợp di chuyển bằng tàu cánh ngầm từ bến Bạch Đằng tại TPHCM, tạo trải nghiệm mới”, anh Thịnh nói.

Thành phố biển Vũng Tàu đang vào mùa cao điểm dịp hè, tuy vậy năm nay có phần thưa thớt hơn những năm trước. Ảnh: DNCC

Tại TPHCM, khách sạn Le Vela Sài Gòn trong 4 tháng đầu năm đã đón tiếp nhiều khách Âu, Á, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Nhưng hiện khách sạn vẫn gặp thách thức với nhu cầu của khách liên tục thay đổi, ngày càng đòi hỏi cao từ chất lượng sản phẩm, trải nghiệm, tính đa dạng độc đáo. Khách du lịch đang khó tính hơn xưa. Chính vì thế, đơn vị tập trung ra sản phẩm áp dụng trong thời điểm này như ở F&B giảm giá trực tiếp lên đến 20% cho khách khi dùng các dịch vụ ẩm thực tại khách sạn như là buffet trưa, tối, dimsum.

Ngoài ra, sự không chắc chắn trong tình hình kinh tế toàn cầu có thể làm giảm sự quan tâm và khả năng tài chính của một số người, khiến việc du lịch nước ngoài gặp trở ngại, vị này cho biết.

Lo ngại khi du khách thắt hầu bao, chi tiêu dè sẻn

Một đại diện khách sạn Le Pavillon Hoi An tại Hội An, Quảng Nam, chia sẻ một trong những điều mà các nhà kinh doanh dịch vụ lo ngại đó là mức chi tiêu của du khách đang sụt giảm, trong bối cảnh chung về lạm phát toàn cầu.

Khác với mọi năm, khách quốc tế đến Hội An hiện tại chi tiêu dè chừng, thể hiện qua việc nhiều nhóm khách chọn Hội An chỉ là điểm đến trong lịch trình, họ qua đêm ở Đà Nẵng, thay vì như trước đây họ sẽ có thêm đêm nghỉ tại thành phố di sản.

Một số đơn vị lữ hành inbound cũng cho biết lạm phát toàn cầu đã tác động đến quyết định lưu trú của du khách quốc tế, hành trình ghé Việt Nam của họ bị rút ngắn so với trước đây. Trong khi đó, các nhà cung ứng dịch vụ không thể giảm giá thấp hơn nữa bởi các chi phí vận hành, nhân công vẫn cao. Điều này đẩy các nhà kinh doanh vào tình thế khó khăn vì khách vắng nhưng không thể kéo giảm chi phí hoạt động.

Khách du lịch trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn ở Hội An. Ảnh: DNCC

Hai quý cuối năm được xem là mùa thấp điểm của du lịch Hội An vì địa phương bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa bão. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gian nan từ việc khó vay vốn ngân hàng để duy trì vòng vốn.

“Chúng tôi mong chờ sự hỗ trợ nhiều hơn từ lãnh đạo, chính quyền như giảm giá điện, mở thêm gói vay, điều kiện tài chính được đáp ứng dễ dàng hơn. Các đơn vị muốn tập trung đầu tư sản phẩm mới nhưng vẫn đang còn hạn chế về tiềm lực kinh tế lúc này”, vị đại diện khách sạn Le Pavillon Hoi An bộc bạch.

Ấn Độ hiện đang là thị trường tiềm năng được các doanh nghiệp dịch vụ chú ý. Tuy nhiên,  bài toán khó của họ hiện nay là tài chính để đầu tư xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân sự, chuyển đổi dịch vụ cho phù hợp, bên cạnh việc vẫn tiếp tục giữ chân các nhóm khách quốc tế quen thuộc xưa nay.

An Phú

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối