Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Khai thác du lịch gắn với vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Hiện nay có khá nhiều công ty du lịch tại Huế tổ chức chương trình trải nghiệm cũng như thưởng thức đặc sản địa phượng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Với chiều dài 68km, vùng đầm phá này “bao trọn” tỉnh Thừa Thiên Huế và được xem là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Vùng Tam Giang - Cầu Hai có gì đặc biệt?

Trải nghiệm chèo SUP trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích mặt nước 21.600ha, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam. Về mặt địa lý, khu đầm này gồm bốn đầm nối nhau từ Bắc xuống Nam là phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Hà Trung - Thủy Tú, đầm Cầu Hai, chạy dài qua địa phận 5 huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Giữa đầm với biển ngăn cách bởi các đồi cát cao, có nơi cao đến 20m.
Trong đó, Phá Tam Giang chạy dài khoảng 27km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương với diện tích 5.200ha. Phá thông với biển bằng mỗi cửa Thuận An. Đầm Sam nhỏ hơn với diện tích 1.620ha, không thông ra biển. Đầm Hà Trung - Thủy Tú dài và hẹp với diện tích 3.600ha cũng là đầm kín không thông ra biển. Đầm Cầu Hai lớn nhất với diện tích 11.200ha. Cửa Tư Hiền thông đầm Cầu Hai với biển. Hệ đầm hứng nước gần như tất cả các con sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên Huế nên nước đầm tương đối ngọt vào mùa mưa lũ và chuyển sang nước lợ vào mùa khô.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi giàu tài nguyên động, thực vật, được đánh giá là phong phú nhất ở khu vực Đông Nam Á. Số liệu điều tra gần đây cho thấy, có tới 230 loài cá, 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật; trong đó có 30 loại cá có giá trị kinh tế, chiếm 70% lượng khai thác hàng năm; có 34 loài chim di cư và 36 loại chim bản địa; chim nước, tập trung ở các vùng cửa sông Ô Lâu, Đại Giang (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai).

Với những lợi thế đó, bên cạnh thành lập các khu bảo vệ thủy sản quy mô nhỏ và giao cho cộng đồng ngư dân tự quản nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích các doanh nghiệp du lịch khai thác vẻ đẹp của thiên nhiên trên vùng đầm phá cũng như văn hóa, đặc sản địa phương thông qua các chương trình du lịch.

Trải nghiệm bắt hải sản cùng ngư dân trên Phá Tam Giang

Một ngày trải nghiệm trên Phá Tam Giang

Theo ghi nhận, hiện nay có khá nhiều công ty du lịch tổ chức tour tham quan cũng như cung cấp mô hình ẩm thực kết hợp trải nghiệm tại vùng đầm phá này.

Công ty Du Lịch Đại Bàng đang phối hợp cùng cộng đồng cư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức chương trình trải nghiệm mang tên “Hoàng hôn trên Phá Tam Giang”. Khách du lịch sẽ tham gia trải nghiệm các hoạt động đánh bắt thủy sản cùng ngư dân địa phương như đổ nò, đạp trìa để cảm nhận sâu sắc hơn đời sống thường nhật của cư dân nơi đây.

Bên cạnh đó, chèo SUP và chụp hình tại khu vực rừng dừa nước, rừng bần chua ngập mặn và ăn tối tại nơi được công ty cho là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất xứ Huế tại Phá Tam Giang. Bánh khoái cá kình, trìa Tam Giang, lệch um chuối chát, tôm đất phá Tam Giang là những đặc sản được phục vụ trong chương trình.

Chị Lương Thị Hiền, hướng dẫn viên Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, cho hay từ việc làm du lịch, bà con sẽ có thêm thu nhập từ hoạt động đánh bắt ngoài phá hằng ngày. Cá tôm có cơ hội phát triển tăng số lượng. Bình thường, bà con bán cá tôm cho người buôn khoảng 200.000 đồng/kg, bây giờ chế biến cho khách có thể lên đến 300.000 đồng/kg.

Trong khi đó, Nhà hàng Cồn Tộc – Phá Tam Giang nằm ngay bến đò Cồn Tộc của Phá Tam Giang đang là địa chỉ của các nhóm khách du lịch thích trải nghiệm ẩm thực và hòa mình vào thiên nhiên.

Là đơn vị thực hiện Tiêu chuẩn Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN 2024, Nhà hàng Cồn Tộc – Phá Tam Giang giúp thực khách có thể ngắm bình minh, hoàng hôn trên vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á trong khi thưởng thức đặc sản, đặc biệt là món bánh khoái cá kình. Bên cạnh đó, thực khách có thể tham gia hoạt động chèo SUP trên Phá Tam Giang.

Thưởng thức đặc sản và ngắm hoàng hôn ngay tại bến đò Cồn Tộc tại Nhà hàng Cồn Tộc – Phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế

Nhà hàng cũng đầu tư khu vực check-in ngay tại bến đò gọi là Rainbow Way Phá Tam Giang và được nhiều thực khách đánh giá là điểm ngắm hoàng hôn trên Phá Tam Giang đẹp nhất tại thời điểm này.

Có thể nói, khai thác du lịch tiềm năng sông biển, đầm phá cùng với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ góp phần đa dạng hoá, tạo thương hiệu, dấu ấn riêng các sản phẩm du lịch vùng đất Cố đô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối