(SGTT) - Nhu cầu vật liệu cát san lấp của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m³. UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp phép cho bốn mỏ để cung cấp cát cho dự án.
- Điều chỉnh dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang lên 4 làn xe
- Triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
- Cận cảnh 3km cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến thông xe vào quí 4
Chiều 6-10 tỉnh Đồng Tháp đã đưa mỏ cát thứ 4 phục vụ dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 vào khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội, TTXVN đưa tin.
Nhà thầu khai thác mỏ cát này là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C. Mỏ cát có diện tích gần 34 héc ta, thuộc phường 11 và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Mỏ cát có tổng trữ lượng hơn 855.000 m³; trong đó, trữ lượng cát san lấp được phép khai thác trong năm 2024 là 346.950 m³, được phép khai thác đến độ sâu -17 m, công suất khai thác cát không vượt quá 3.855 m³/ngày.
Nhu cầu vật liệu cát san lấp của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m³, riêng năm 2024 cần 1,7 triệu m³. Đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp phép cho bốn mỏ cát ở thành phố Cao Lãnh, huyện Lấp Vò, huyện Hồng Ngự và huyện Châu Thành để cung cấp cát cho dự án.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 dài 16 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỉ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, đã khởi công ngày 25-6-2023. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16 m, vận tốc khai thác 80 km/giờ. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23 m, vận tốc khai thác 100 km/giờ.