Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Khám chữa bệnh nay đã khác nhiều

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã làm thay đổi căn bản lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhất là ở mảng khám chữa bệnh thông qua thiết bị thông minh.

Quản trị hệ thống y tế thông minh bằng tiến bộ công nghệ là mục tiêu mà ngành y tế Việt Nam hướng tới. Ảnh minh họa: Getty Images.

Tại buổi tọa đàm “Xu hướng khám chữa bệnh trong thời đại công nghệ 4.0" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Saigon Times Club tổ chức, sáng ngày 18/1, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Giám đốc Jio Health Việt Nam, cho biết cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Người dân có thể lướt web tại nhà và chỉ vài cú nhấp chuột, hàng hóa, dịch vụ sẽ đến tận tay khách hàng. Đây cũng là xu hướng phát triển của ngành y tế trong thời gian tới.

Đưa dịch vụ khám chữa đến tận tay người bệnh

Theo ông Nam, hiện nay ngành y tế vẫn còn quá tải nặng, ở các bệnh viện công người bệnh vẫn phải đến bệnh viện từ 4 giờ sáng, xếp hàng chờ đợi vài giờ đồng hồ để được khám 2-3 phút, lãng phí thời gian, công sức. Mỗi bác sĩ khám từ 70 - 100 bệnh nhân/ngày, với 8 giờ làm việc liên tục. Do lượng thời gian dành cho bệnh nhân ít, việc thu thập dữ liệu về bệnh của bệnh nhân bị hạn chế, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Nhiều bệnh viện vẫn còn lưu trữ hồ sơ khám bệnh của bệnh nhân trên giấy. Khi đi khám bệnh, người dân vẫn còn phải cầm sổ khám bệnh mới biết lần trước bác sĩ đã khám bệnh gì và dùng thuốc gì…

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng vẫn có nhiều điểm sáng xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Jio Health, đã đầu tư xây dựng dịch vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh, xét nghiệm và cấp thuốc tại nhà thông qua phần mềm khám chữa bệnh thông minh và bệnh án điện tử. Dịch vụ này giúp bệnh nhân có thể gọi điện, nhắn tin với bác sĩ mọi thắc mắc về sức khoẻ hoặc yêu cầu bác sĩ đến khám, cấp thuốc tại nhà. Tất cả lịch sử khám bệnh sẽ được lưu trữ trên điện toán đám mây. Về phía đội ngũ nhân viên y tế, phần mềm chăm sóc sức khỏe giúp họ quản lý được cả ngàn bệnh nhân mà không phải vất vả ngược xuôi trong hàng đống sổ sách hồ sơ bệnh án.

Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Tùng, đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết trong thời gian qua, y tế điện tử đã mang lại nhiều thành tựu trong việc khám chữa bệnh cho người Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Một số ví dụ được ông Tùng đưa ra như xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện tuyến trên với các bệnh viện tuyến dưới, thông qua hệ thống y tế trực tuyến Telemedicine, ứng dụng robot trong phẫu thuật các bệnh khó, liên thông kết quả xét nghiệm…

Gần đây, trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào phần mềm IBM Waston for Oncology để hỗ trợ việc tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư và bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư của các nước trên thế giới.

Theo TS. Trần Tùng, các loại máy móc thông minh như máy đo đường huyết, huyết áp, tim mạch… cũng được thiết kế và sử dụng cho bệnh nhân. Các thiết bị này có thể truyền dữ liệu của bệnh nhân ở nhà đến các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện, phòng khám theo dõi giám sát và quyết định đưa bệnh nhân đến bệnh viện chăm sóc hoặc bác sĩ, điều dưỡng đến nhà để thực hiện y lệnh. Xu hướng này sẽ rất phát triển trong tương lai khi ngày càng nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh tuổi già.

Ứng dụng công nghệ để giảm tải bệnh viện

Theo PGS-TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam ngày càng cao, số ca mắc ung thư và các loại bệnh đang không ngừng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị là nhu cầu cấp thiết. Mục tiêu chính vẫn là nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng bệnh nhân.

Thực tế cho thấy vấn đề quá tải ở các bệnh viện còn nan giải dù Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lấy số khám bệnh, triển khai phần mềm hồ sơ điện tử… Mặc dù một số bệnh viện đã có khu bốc số điện từ, đặt số thứ tự khám qua phần mềm nhưng nhiều người dân vẫn có thói quen đến tận bệnh viện để lấy số mới an tâm.

Ông Tường nhấn mạnh, trong tương lai gần, công nghệ mới đang giúp tạo ra những thay đổi to lớn trong việc chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng những thuật toán hiện đại, bằng trí tuệ nhân tạo và bằng công nghệ số kết nối vạn vật... Với những quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, ngành y tế Việt Nam cũng đang tìm cách sớm tiếp cận với thế giới trong thời đại công nghệ 4.0. Trong đó có việc rút ngắn thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, cắt bớt thủ tục sao cho thuận tiện và nhanh gọn.

Bộ Y tế cũng đặt ra ba chương trình y tế điện tử gồm: xây dựng trung tâm công nghệ thông tin y tế, xây dựng trung tâm thông tin thống kê điện tử y tế, đưa ứng dụng phần mềm bệnh án điện tử vào sử dụng, nhằm hướng tới phòng bệnh, khám chữa bệnh và quản trị y tế thông minh.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối