(SGTTO) - Xưa kia sông Cửu Long đổ ra biển bằng 9 cửa, nay cửa sông Ba Thắc ở Sóc Trăng đã bị bồi lấp do biến đổi dòng chảy. Mặc dù vậy, hành trình khám phá những cửa sông vẫn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm hay ho.
Cung đường bằng xe máy sẽ đưa bạn đi qua các cửa sông thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng bằng cách đi qua 7 chuyến phà ngang.
"Định vị" 9 cửa sông
Đầu tiên, bạn "định vị" 9 cửa sông này theo cung đường từ TPHCM xuống Gò Công, Tiền Giang.
Từ đây, chúng ta đi qua cửa Tiểu ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang; sau đó đến cửa Đại nằm giữa huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang và huyện Bình Đại, Bến Tre. Cửa sông thứ 3 là cửa Ba Lai nằm giữa 2 huyện Ba Tri và Bình Đại, Bến Tre; cửa sông thứ 4 là cửa Hàm Luông ở huyện Ba Tri, Bến Tre.
Tiếp theo là cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu cùng thuộc huyện Châu Thành, Trà Vinh; cửa Định An thuộc huyện Trà Cú, Trà Vinh; cửa Trần Đề tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Còn riêng cửa Ba Thắc đã bị bồi lấp, hiện còn một dòng nhỏ chảy vào cửa Trần Đề.
Với cung đường này, bạn sẽ đi qua những chuyến phà, qua những đoạn sông bề ngang chỉ vài chục mét nhìn rõ đôi bờ, cho đến những đoạn rộng mịt mù không thấy bờ bên kia. Chỉ cần tra Google maps, bạn sẽ thấy tên những bến phà, chiều dài quãng đường... hiện lên cụ thể.
Một số cửa sông sẽ có vài phà ngang, hoặc bến đò nhỏ, bạn có thể lựa chọn đi phà hay đò tùy theo sở thích khám phá của riêng mình. Google maps sẽ là công cụ hữu hiệu giúp bạn tìm đường ngắn hơn hoặc đường có cảnh đẹp hơn.
Cung đường này chỉ phù hợp xe máy, vì những con đường quê bề ngang nhỏ còn trải đá sỏi hoặc có đoạn vẫn còn là đường đất. Có những đoạn đường ở Bến Tre chiều ngang chỉ vừa hai chiếc xe máy tránh nhau, hai bên đường là những thân dừa rũ bóng.
Ngắm cảnh, ăn món dân dã
Dù đi bằng xe máy nhưng bạn sẽ không sợ phải mệt mỏi, vì đối với mỗi cửa sông, bạn chạy xe vài chục cây số là đến bến phà. Lên phà, gió sông mát rượi sẽ xua tan hết nóng bức của trời hè phương Nam.
Bạn cũng đừng bỏ qua những món giải khát dân dã giá rẻ của người miền Tây như dừa tươi, trà đá đường, chanh muối... Những món ăn đặc trưng như hủ tiếu, cháo cá lóc rau đắng, bún nước lèo, bánh xèo, bánh bò thốt nốt… sẽ tiếp sức cho bạn trên đường đi.
Chuyến đi này không “ngốn” nhiều tiền, riêng phí qua phà chỉ trên dưới 10.000 đồng một chuyến. Trên đường đi, bạn sẽ thấy mấy ngôi chợ quê, có thể ghé vào mua các loại bánh trái, ngồi ăn chén chè giải nhiệt.
Dọc các cung đường miền Tây, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các loại trái cây tươi ngon do người dân địa phương bày bán trước nhà.
Nhiều nhà ở miền Tây thường có thói quen nếu trong vườn nhà có trái gì chín là hái xuống đặt trong rổ đem ra trước sân, kê trên cái ghế để bán. Nào là chôm chôm, xoài, dâu da... Nhiều nhà còn bán chuối nướng, khoai mì nướng thơm thơm một đoạn đường.
Bạn cũng sẽ cảm nhận được khung cảnh đặc trưng của miền Tây sông nước, cảnh sinh hoạt bình dị của người dân và văng vẳng tiếng đò máy xa xa. Nếu có thời gian, bạn có thể hỏi thăm những cư dân lão làng để biết thêm về câu chuyện của những cửa sông.
Nếu xuất phát ở TPHCM từ sáng sớm, bạn có thể hoàn thành cung đường này vào lúc trời vừa tối ở thành phố Sóc Trăng. Còn để thong thả ngắm cảnh, thăm thú miền quê Tây Nam bộ, bạn có thể ngủ đêm ở Trà Vinh rồi sáng hôm sau tiếp tục hành trình.
Hoặc nếu đi theo nhóm, bạn có thể lên kế hoạch "phượt" miền Tây, dừng lại ở một số tỉnh để thăm thú cảnh quan, tham quan những địa điểm nổi tiếng.
Với mục đích đi cho biết 9 cửa sông là như thế nào, tìm hiểu nếp sống, văn hóa người miền Tây, thì chuyến đi mà tôi vừa kể hoàn toàn là một trải nghiệm đáng nhớ.
Đại Minh