Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Khám phá Đường Thượng, vẻ đẹp ngủ say nơi cao nguyên đá

(SGTTO) – Nói đến Hà Giang, mọi người đều nghĩ đến cao nguyên đá Đồng Văn, đến Mèo Vạc hay Mã Pì Lèng, tuy nhiên nơi đây đang có một vẻ đẹp đang ngủ say và cần người đến đánh thức. Đó chính là Đường Thượng, một xã thuộc huyện Yên Minh, một trong sáu huyện nghèo của tỉnh biên giới phía Bắc.

Đường Thượng được thiên nhiên ban tặng phong cảnh tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, con người thân thiện mến khách. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính và cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nên Đường Thượng vẫn chưa thực sự nằm trong "những điểm phải đến" của du khách ghé thăm Hà Giang. Tuy nhiên, những người không ngại việc đi lại khó khăn, khi đến Đường Thượng sẽ cảm thấy mình được đền đáp vì vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo lẫn sự mến khách, chất phác của người dân địa phương.

 

Không khí mùa lễ hội ở Đường Thượng, Hà Giang. Ảnh: Quang Nhật
Núi Ba Tiên, hang động nguyên sơ

Ngoài những căn nhà trình tường còn được lưu giữ, xã Đường Thượng có hai di tích cấp tỉnh: di tích Sùng Chúa Đà, được ví như vua chúa người Mông ở vùng đất này năm xưa. Di tích này hiện nay chưa được tu bổ khai thác phục vụ du lịch. Di tích còn lại là một cột đá cao 1,9m đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Hà Giang, tương truyền là cột đá để trừng phạt người có tội vào thời Sùng Chúa Đà còn sống.

Nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với những nét văn hoá được lưu giữ và cảnh đẹp hoang sơ, Đường Thượng cũng nhận được sự quan tâm từ các khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, vẫn còn đang hạn chế khiến Đường Thượng chưa phát huy hết tiềm năng du lịch sẵn có.

Bên trong hang động ở Đường Thượng, du khách sẽ ngỡ ngàng với những khối thạch nhũ lớn mà phải mất hàng triệu năm mới có thể hình thành. Ảnh: Quang Nhật

Du khách cũng có thể ghé núi Ba Tiên cao trên 1.800m so với mặt nước biển. Đây là đỉnh núi mát mẻ quanh năm, mùa đông có nhiều sương mù, có năm tuyết trắng bao phủ. Đứng trên đỉnh núi bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khu vực xung quanh, là gợi ý lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm đi bộ, khám phá…

Dưới núi Ba Tiên có ba khe suối, nước chảy quanh năm phục vụ đời sống người dân, có một số đoạn tạo thành thác nước phù hợp với việc cải tạo điểm tắm mát cho du khách.

Đặc biệt, Đường Thượng có trên 6-7 hang động, trong đó có hang Sảng Pả 2 và Chúng Pả với phong cảnh còn nguyên sơ, nhiều nhũ đá sừng sững. Các hang động này hiện nay chưa được khai thác du lịch.

Xem người Mông dệt vải lanh

Trong văn hoá người Mông, tiêu chuẩn chọn vợ của các chàng trai là dựa vào bàn tay khéo léo dệt vải lanh của người phụ nữ. Đây cũng chính là nghề truyền thống không thể thiếu đối với chị em phụ nữ người Mông và đời sống của người dân tộc Mông.

Phụ nữ Mông. Ảnh: Quang Nhật

Vải lanh được dùng với nhiều công dụng khác nhau như làm sợi chỉ, may trang phục truyền thống và hiện nay vải lanh còn được dùng để may các túi đồ lưu niệm… Ngoài ra, vải lanh thổ cẩm có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của người dân tộc Mông cả trong đời sống hiện tại và khi rời khỏi cõi trần.

Hiện nay trên địa bàn xã đang thành lập nhóm sở thích về nghề dệt lanh và sắp tới sẽ hình thành nên hợp tác xã để tối đa hoá việc sản xuất, quảng bá sản phẩm đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Lễ hội Gầu Tào

Đường Thượng vốn có những nét văn hóa mang tính truyền thống độc đáo lâu đời, hiện nay vẫn được lưu giữ như: Lễ hội Gầu tào; múa khèn, thổi khèn; hát dân can ca, hát đối; các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh quay, đánh yến.

Người dân Đường Thượng thân thiện và mến khách. Ảnh: Quang Nhật

Gầu Tào là một trong những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, thường được tổ chức vào dịp tết cổ truyền dân tộc này, vào khoảng tháng 12 Dương lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức gồm phần lễ và phần hội và kéo dài ba ngày.

Lễ hội được tổ chức để tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ độ trì cho gia chủ, làng bản; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đây còn là dịp để người dân, bạn bè gần xa giao lưu văn nghệ, thể hiện tình cảm gắn bó, cùng vui xuân và xóa đi những nỗi nhọc nhằn của năm cũ.

Về ẩm thực, mèn mén, thắng cố, thịt treo, thịt gà, thịt bò… là những món ăn đậm chất văn hoá người Mông. Mèn mén được làm từ ngô xay, sau đó đồ lên như xôi. Người Mông ăn mèn mén thay cơm, có thể dùng chung với nước canh.  

Nguyễn Cao Quang Nhật 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối