Lao động kỹ thuật tại các nhà máy đang thiếu trầm trọng, trong khi các trường đào tạo nghề lại rất khó để tuyển sinh. Lý do chính là do xã hội vẫn chưa đánh giá cao lao động kỹ thuật và các trường đào tạo nghề chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của học viên.
Cách đây hơn chục năm, anh Trần Văn Quyết, quê Thái Bình đã dùi mài kinh sử mất ba năm liền mới đỗ vào trường Đại học Thăng Long (Hà Nội). Nhưng sau năm năm ra trường, anh vẫn chưa được làm việc đúng với chuyên ngành kế toán của mình và mức lương từ những công việc đó cũng không đủ trang trải cuộc sống. Giờ thì anh Quyết đã trở lại Thái Bình và kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu.
Có một nghịch lý là, trong khi anh Quyết phải ba năm vất vả mới thi đỗ đại học thì các trường đào tạo nghề lại rất chật vật để tuyển cho đủ học viên mỗi năm. Hiệu trưởng của một cơ sở đào tạo nghề ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, số lượng thí sinh giảm nhanh trong những năm gần đây khiến các trường nghề phải chạy đua để tìm học viên vì nếu tuyển sinh được quá ít thì không đủ chi phí vận hành và giảng dạy. “Tôi biết nhiều trường dạy nghề đang tính tới chuyện đóng cửa hoặc thu hẹp các ngành nghề đào tạo”, vị hiệu trưởng này nói.
Lựa chọn cuối cùng
Trường hợp của anh Quyết và trường dạy nghề trên là một ví dụ điển hình cho tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng khát lao động là kỹ thuật viên lành nghề.
Theo điều tra gần đây với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho thấy 80% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ khó có thể tuyển dụng được kỹ thuật viên lành nghề và đến 89% cho rằng họ sẽ vẫn đối mặt với tình trạng này trong tương lai.
Ông Yuichi Kobayashi, Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho hay tình trạng thiếu lao động kỹ thuật lành nghề ngày càng nghiêm trọng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản sang Việt Nam để sản xuất trong lĩnh vực gia công các linh kiện khuôn mẫu chính xác.
“Doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa thể tìm được trường nghề nào đáp ứng được yêu cầu của họ. Ở doanh nghiệp của tôi cũng vậy. Sản xuất ống kính thay thế dùng cho máy ảnh có rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và chi tiết. Nhưng chúng tôi chỉ hy vọng tuyển được các ứng viên có nền tảng kỹ thuật, nắm vững kiến thức về gia công rồi sau đó buộc phải đào tạo tiếp”, ông Yuichi Kobayashi nói.
Ông Junichi Mori, tư vấn viên của JICA cho hay, các doanh nghiệp hiện nay không thể tìm được lao động ở các vị trí họ cần do sự thiếu hụt các ứng viên có năng lực. Mặc dù lao động có chứng chỉ nghề nhưng họ lại không hoàn toàn thạo việc.
Nguyên nhân gây ra sự mất cân đối trên chính là do nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo nghề chưa hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp. “Nhiều cơ sở dạy nghề không có năng lực thu thập và phân tích thông tin toàn diện về nhu cầu kỹ năng cụ thể. Đồng thời, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu của họ cho các cơ sở dạy nghề”, ông Junichi Mori nói.
Đặc biệt, ông Junichi Mori cho hay, xã hội Việt Nam có xu hướng đánh giá cao các nhà quản lý và các kỹ sư làm việc tại văn phòng hơn là các kỹ thuật viên làm việc tại phân xưởng sản xuất. “Học viên tốt nghiệp các trường nghề được xếp rất thấp, dưới các sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Họ thậm chí còn có thể bị xếp vào cùng nhóm với học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Chính vì vậy, tham gia các chương trình đào tạo nghề luôn là lựa chọn cuối cùng của thanh niên”, ông Junichi Mori nói.
Tạo sự kết nối ba bên
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sau bốn năm hợp tác với JICA trong lĩnh vực đào tạo nghề đã gặt hái được những thành công đáng kể.
Ông Hà Xuân Quang, Phó hiệu trưởng trường đại học này cho hay, trường đang hợp tác với JICA đào tạo ba nghề đó là cơ khí, điện và điện tử. Đây là những nghề rất phổ biến trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo này 100% có việc làm, thậm chí không đủ để cung cấp ra thị trường lao động. “Có những doanh nghiệp có gần 50% nhân viên là học viên trước đây của nhà trường với mức lương khởi điểm 3-5 triệu đồng/tháng”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, để có được thành công như vậy, ông Quang cho hay, bên cạnh việc tạo lập môi trường học tập gần giống với môi trường của doanh nghiệp, trường còn đẩy mạnh quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, đưa sinh viên tham quan, thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức các buổi hội chợ việc...
Ngoài ra, để giảm thiểu sự khập khiễng trong cung cầu lao động, JICA đề xuất, các cơ sở dạy nghề nên chủ động hơn trong việc xác định nhu cầu về kỹ năng của các doanh nghiệp đóng tại địa bàn. Trong khi đó, doanh nghiệp nên duy trì kênh giao tiếp mở với các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên hỗ trợ về chính sách để khuyến khích mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở dạy nghề và các ngành công nghiệp.
Chính phủ, nhà trường cần tăng cường chia sẻ thông tin với học sinh trước khi có định hướng chọn nghề nghiệp để các em biết được doanh nghiệp cần những kỹ thuật viên lành nghề gì. Đồng thời, Chính phủ cần phải có biện pháp để giúp xã hội nâng cao hiểu biết, nhận thức được rằng kỹ thuật viên cũng là nghề rất quan trọng”, ông Junichi Mori nói.
Thùy Dung