Anh Khoa
Đã có một thời khăn rằn là sản phẩm đặc trưng của người nông dân Nam bộ. Giờ đây, chiếc khăn tưởng chỉ dùng để che nắng và lau mồ hôi khi lao động đã “lên đời” trở thành vật trang trí hấp dẫn với nhiều mẫu mã.
Trong vài năm qua, khăn rằn được dân “phượt” sử dụng vì vừa mềm mại vừa có thể che nắng, lau mồ hôi. Khi cần, chiếc khăn cũng có thể biến thành các vật dụng hữu ích cho chuyến đi như làm dây cột, giữ ấm. Thậm chí, các “phượt thủ” còn xem chiếc khăn bình dân này như một “biểu tượng của xê dịch”. Dần dần, phong trào sử dụng khăn rằn bắt đầu lan tỏa trong giới trẻ và chiếc khăn trở thành chất liệu để giới trẻ “chế”, biến tấu thành các phụ kiện.
Hiện nay, khăn rằn có hai dạng sử dụng chính là dùng nguyên chiếc để làm khăn che và dùng làm chất liệu để ứng dụng thành các sản phẩm thời trang.
Trên thực tế, không chỉ người dân Nam bộ mới sử dụng khăn rằn, đây cũng là loại trang phục rất phổ biến của người dân Campuchia, Thái Lan... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các loại khăn “ngoại” cũng được nhập về Việt Nam. Theo ông Phạm Hữu Nghĩa, chủ cửa hàng Khăn rằn ứng dụng (quận 1, TPHCM), loại khăn được khách tìm mua nhiều nhất hiện nay là khăn Krama của Campuchia. Theo ông Nghĩa, loại này hút khách vì có thể che nắng tốt, thấm hút mồ hôi và màu sắc lại đa dạng. “Khách mua khăn Krama chủ yếu để đi du lịch, nhất là đi biển”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện khăn rằn được “chế” thành rất nhiều kiểu thời trang. Theo đó, có trên 15 loại khăn với ứng dụng khác nhau nhưng “mốt” hiện nay là sử dụng chất liệu khăn để may áo, váy. Lý do mà khăn rằn làm trang phục trở nên độc đáo, theo ông Nghĩa, đó là nếu vải dệt thông thường chỉ cho ra các tấm vuông caro thì khăn rằn có thể dệt được các họa tiết caro ô vuông, họa tiết sọc dài ở cuối khăn, tua được thắt thủ công nên không có loại vải nào trên thị trường có được cả hai họa tiết này.
Tuy nhiên, vì khăn rằn dệt thưa, để ứng dụng thành công thì công đoạn xử lý chất liệu khá công phu. Nếu ứng dụng làm áo dài, khăn được đem ngâm nước cho vải rút lại, sau đó ủi thẳng rồi mới cắt. Trước khi may, phải ủi thêm một lớp keo lên vải và đường chỉ để giúp cố định các đường dệt.
Khăn rằn cũng dễ sử dụng, có thể giặt tay hoặc giặt máy mà vẫn giữ được độ bền và màu sắc. Riêng với các sản phẩm ứng dụng, sau khi giặt nên được ủi để giữ được độ bền và đẹp.
Hiện nhiều cửa hàng tại TPHCM còn bán các sản phẩm như gối, dây đeo máy ảnh, túi xách, vòng tay, ba lô, cà vạt... từ khăn rằn. Giá cả các loại khăn cũng khá bình dân. Theo khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị tại một số cửa hàng cũng như tại chợ Bến Thành (quận 1), khăn có giá phổ biến 20.000-70.000 đồng/chiếc. Dây máy ảnh có giá 65.000 đồng/dây. Một bộ áo dài cả vải lẫn công may khoảng 265.000 đồng.