Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Khi cá chép châu Á “bơi” vào hồ Mỹ

Hoàng Xuân Phương -

Đối diện với nguy cơ cá chép châu Á tiến lên vùng Ngũ đại hồ (Great Lakes), chính quyền bang Michigan công bố cuộc thi tìm giải pháp ngăn chặn cuộc “xâm lăng” của dòng cá này, vốn là một hiện tượng tàn phá sinh môi nghiêm trọng và dai dẳng hàng chục năm nay tại Mỹ.

H1--ca-chep-chau-ACá chép châu Á đang xâm lăng vào các dòng sông và vùng hồ tại Mỹ.

Từ nhiều năm qua, Mỹ đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để chặn cá chép xâm nhập các dòng sông và những thủy lộ, nhưng loại cá háu ăn và hung dữ du nhập từ châu Á này nay đã tràn đến các dòng nước ở các bang Minnesota, Wisconsin và Michigan ở phía tây; New York và Pennsylvania ở phía đông; Illinois, Indiana và Ohio ở phía nam, và đến tận Ontario thuộc Canada ở phía bắc.

Phó chủ tịch Liên minh vùng Ngũ đại hồ, ông Molly Flanagan nói trên tờ Atlas Obscura đây là một cuộc chiến, và “chúng tôi đang thử một loạt các giải pháp khác nhau.”

Hàng năm ngành du lịch Michigan thu về 38 tỉ đô la, chủ yếu từ các chuyến du ngoạn ngoài trời, trong đó khách tham quan và câu cá trên vùng ngũ đại hồ mang về đến 7 tỉ đô la. Người ta bắt đầu phát hiện cá chép châu Á xuất hiện rải rác trên các dòng sông cách hồ Michigan 45 dặm, và nếu loài cá tàn phá môi sinh này thâm nhập được vào đó thì sẽ nhanh chóng tràn sang các hồ lớn khác. Cuộc thi được công bố vào đầu tháng ba năm nay, nhưng giới chức của bang chưa cho biết sẽ có bao nhiêu giải thưởng.

Cá chép châu Á đã được nhập khẩu vào Mỹ từ những năm 1970 để dọn sạch rong rêu nơi các trại nuôi thủy sản và nơi các cống xả nước thải. Nhưng rồi chúng thoát ra được và bơi vào dòng sông Mississippi, rồi từ đó tràn vào các lưu vực sông khác, bao gồm dòng sông Illinois vốn nối với hồ Michigan bằng một con kênh chạy qua vùng ngoại ô thành phố Chicago. Người ta đã đặt trên đoạn kênh này những lưới điện để chặn dòng cá, nhưng các chuyên gia cho rằng những con cá con vẫn có thể thoát qua lưới bơi về phía Ngũ đại hồ.

Các loài cá này gồm các loài phổ biến ở Đông Á và Đông Nam Á như cá trắm, cá chép, cá mè, cá diếc và cá trôi. Đây là những loài có tốc độ sinh sản rất nhanh, ăn nhiều, mau lớn, to con, hung dữ và có khả năng điều chỉnh thích ứng với các môi trường sống. Tính háu ăn của loài cá này làm cạn kiệt nguồn thức ăn của các động vật dưới nước khác, và tính hung dữ đe dọa cuộc sống của các loài cá bản địa. Các nhà khoa học cho biết, trong khi nhóm cá catfish (cá da trơn) chỉ sống được 40-50 năm, thì nhiều loài cá chép châu Á có thể sống đến 80 năm. David Hamilton, Giám đốc chính sách về các loài thủy sinh xâm lăng tại Viện Bảo tồn thiên nhiên Mỹ nói rằng, chúng là những loài cá hung bạo, mà nhiều con nặng đến 60, 80 hay 100 cân Anh (từ 28 đến hơn 45 kg/con).

Bao nhiêu cố gắng của những người dân bản xứ như giăng lưới, đánh bắt, thậm chí chích điện đều không thể làm giảm đà gia tăng lượng cá “lì lợm” này.

Chúng ăn thịt các loài cá nhỏ, giành hết thức ăn của những loài cá lớn, và làm đảo lộn hệ sinh thái vốn có trước đây. Người ta đã triển khai cả các chương trình diệt cá chép châu Á, kể cả biện pháp thủ công như kiểu tát đìa để bắt. Và người ta cũng đã tìm cách lắp đặt hoặc xây các rào chắn, tường ngăn để cản phần nào đường đi của chúng, nhưng điều này ảnh hưởng đến giao thông cũng như lưu thông dòng chảy. Mọi người dân tại đây đều đã ý thức và không để các con cá chép trở lại dòng sông. Nhưng kết quả đến nay vẫn là vô vọng.

Trên thực tế, từ năm 2010, hơn 388 triệu đô la đã được chi dùng cho cuộc chiến chống cá chép châu Á, kể cả việc sản xuất ra loại súng ép nước. Nhưng theo Leon Carl, Giám đốc vùng Midwest của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ thì cá chép thích ứng ngay với việc chịu sức ép từ súng. Leon Carl một lần nữa xác nhận nhóm cá chép xâm lăng này hoàn toàn không phải là loài bản địa mà là loài ngoại lai, và phần lớn chúng có thể sống mạnh bằng cách ăn sạch rong rêu chính là phần căn bản của chuỗi thức ăn dùng cho tất cả các động vật thủy sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối