(SGTT) - Cả nước đã gỡ hết rào chắn, chốt chặn khu dân cư hay bãi bỏ phong tỏa. Dịch bệnh vẫn rình rập nguy hiểm nên phải hết sức cảnh giác. Mọi người đều hiểu, mở cửa không đồng nghĩa với thả cửa. Thật vậy, dịch bệnh đã chỉ ra những bất cập trong quản lý, điều hành, từ các ngành đến từng địa phương.
- Đề xuất người đã tiêm 2 mũi vắc-xin được đi lại trên tất cả các loại hình vận tải
- TPHCM ban hành bộ tiêu chí phòng dịch cho hoạt động giao thông vận tải
Mở cửa, người dân và doanh nghiệp chưa kịp vui đã phải đối mặt với những quy định, kiểu “sáng nắng chiều mưa”. Báo chí và dư luận đã nói quá nhiều về 2 căn bệnh mới: bệnh sợ trách nhiệm hoặc không dám làm gì. Chỉ sợ trách nhiệm với cấp trên mà không sợ trách nhiệm với nỗi khổ của người dân, rồi thì vẽ thêm những quy định vô lý, cục bộ.
Ngày 20-10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu hành khách phải kê khai thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác vào bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 theo mẫu khi làm thủ tục trước chuyến đi, nhằm đảm bảo hành khách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo trung thực và chấp hành mọi quy định, biện pháp phòng chống dịch khi về địa phương nơi cư trú.
Tuân thủ pháp luật và các quy định phòng chống dịch là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi công dân, hà cớ gì phải cam kết? Đi máy bay cam kết, xuống xe buýt cam kết, lên taxi cam kết. Chắc phải in và ký sẵn vài chục tờ cam kết mang theo bên mình? Đã có đủ thông tin trên Sổ Sức khỏe điện tử (SSKĐT) còn khai báo gì nữa, vừa mất thời gian, bực bội, vừa tập trung đông người, không đảm bảo phòng chống dịch 5K. Vấn đề là quản lý ra vào từng địa phương của tổ dân phố, khu phố, thôn, làng với công an khu vực và hàng tá các đoàn thể.
Sau mấy ngày “hành khách”, ngày 25-10, Bộ GTVT có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam về việc dừng kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19. Lý do Bộ GTVT cho biết vì trong quá trình thực hiện gây ra một số bất cập như tập trung đông người khi hành khách kê khai thông tin tại nhà ga, nguy cơ làm chậm giờ khởi hành…
Hành khách vừa thở phào vì bớt bị hành thì chiều 25-10, tại cuộc họp của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương, các cơ quan đơn vị vẫn bày tỏ quan điểm phải tổ chức và giám sát chặt chẽ việc đi lại bằng đường hàng không. Các địa phương yêu cầu ngành hành không cung cấp thông tin hành khách đến để địa phương có phương án kiểm soát. Sáng 26-10, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên các chuyến bay nội địa như trước ngày 25-10. Công văn có hiệu lực từ 12:00 ngày 26-10.
Hành khách đi máy bay phải khai báo theo mẫu của Bộ GTVT để kiểm soát. Thế khách đi xe đò, xe tự lái, đi xe gắn máy… thì khai theo mẫu nào và kiểm soát bằng cách nào. Khổ nhất là các nhân viên thừa hành, phải trực chiến 24/7 để giám sát mọi ra vào của từng người dân. Hiệu quả chống dịch đâu chưa thấy nhưng nhãn tiền là tâm lý bực bội, mất niềm tin vào năng lực quản lý, dịch bệnh càng dễ bùng phát.
Các hãng hàng không có trách nhiệm yêu cầu hành khách cung cấp hoặc kê khai thông tin theo Mẫu tại quầy làm 2 thủ tục hàng không. Tổng hợp danh sách hành khách đến theo từng địa phương và chuyển cho Cảng vụ Hàng không để thông báo cho địa phương có hành khách đến cư trú, lưu trú sau chuyến bay. Lưu trữ thông tin của hành khách để phục vụ công tác giám sát sau chuyến bay của các cơ quan nhà nước và địa phương có liên quan.
Chống dịch rối ren, bất nhất và tự làm khổ nhau và mở cửa mà còn khó khăn hơn thì làm sao sống? Du lịch vẫn loay hoay ngóng chủ trương, cập nhật quy định các địa phương từng ngày. Ánh sáng le lói cuối đường hầm nhưng đường hầm còn xa quá. Khách Việt dễ tính, quen chịu đựng, nhưng làm du lịch quốc tế mà chủ trương cứ thay đổi xoành xoạch kiểu đó thì cầm chắc khó thành công.
Nguyễn Văn Mỹ