Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Khi chồng nội trợ, vợ du hí

Huệ Nghi -

Đọc sách, xem Facebook, thấy ngày càng nhiều những ông bố viết sách chia sẻ chuyện nội trợ, chuyện nuôi con. Cũng đọc sách, xem Facebook, thấy ngày càng nhiều những bà mẹ viết sách du ký, bí quyết phát triển sự nghiệp. Có sự thay phiên đổi gác nào trong đời sống gia đình chăng?

Một người bạn lớn tuổi, một hôm vui miệng, đố rằng, trong khoảng mười năm qua, điều gì đã giải phóng người phụ nữ một cách thành công nhất trong việc nuôi con dại? Trong khi tôi lúng túng lựa những khái niệm viển vông triết học như “nhận thức về sự bình đẳng giới” hay “nữ quyền” các thứ, thì ông trả lời một cách thản nhiên: cái tã giấy.

Không ngờ chuyện lẩn thẩn giữa hai thằng đàn ông, một già, một trẻ chẳng lấy gì làm sâu sắc đó lại có thể mở rộng ra nhiều hơn thế. Những anh chàng có vợ sắp sinh em bé, phải đi siêu thị sắm đồ đạc chuẩn bị thì mới biết, bây giờ, mọi thứ đã được trang bị tới tận răng. Em bé luôn “khô ráo không bị hăm” nhờ tã giấy, mẹ em bé bị khắt sữa – đừng lo, có máy kích sữa, sữa mẹ được bảo quản trong tủ lạnh, có máy hâm nóng khi đến cữ và người cho bú không nhất thiết là mẹ nữa. Em bé tiêu chảy hay sụt sịt phải uống thuốc – có máy bơm thuốc vào miệng, em bé sổ mũi, sổ đàm – đã có dụng cụ hút… Những việc mà theo truyền thống chăm sóc con thì các bà mẹ phải làm, nay nhờ có một số dụng cụ thay thế hoặc dụng cụ trung gian và người bố có thể đảm nhận một cách dễ dàng. Những người mẹ có thể trở lại với công việc xã hội sớm sau khi sinh con hoặc có thời giờ đi đến phòng tập thể hình, spa “tút” lại các đường cong để mau lấy lại vóc dáng gọn gàng.

Nhiều ông bố than phiền cái chuyện “ngược đời” là thời bây giờ vì sao bọn nhóc cứ đeo bố mà không theo mẹ như xưa, hay vì sao đàn ông bị dính chặt bởi trẻ con trong khi phụ nữ lại thong dong đến vậy nhưng không nhìn kỹ lại cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ có khi lại nằm ở chính cái bình sữa hay miếng tã giấy. Nhiều ông chồng cũng than thở sao ngày trước má mình suốt ngày lo tã lót, thuốc men đủ thứ cho bọn mình nhưng bây giờ vợ mình đến mỗi chuyện thay tã cho con đêm khuya cũng đùn đẩy sang mình. Đừng nóng, hãy coi lại đi, vợ anh đang nói có lý đó. Có cái tã giấy rồi thì đàn ông hay đàn bà chăm con cũng như nhau cả thôi. Nếu không biết điều, thế nào nàng cũng nhìn sang bên Tây, bên Mỹ rồi khái quát hóa lên rằng: “Coi kìa, đàn ông ở bển biết chăm con chứ không như đàn ông xứ Việt nhà mình…”.

Có những người đàn ông giữ được “trật tự truyền thống” trong đời sống gia đình, dành thời gian để lo cho sự nghiệp, nhưng đa phần thì chấp nhận sự thay đổi và từ đây sinh ra kiểu đàn ông biết tất tần tật chuyện chăm con, nuôi con, dạy con cho đến nội trợ nếu vợ ỷ lại và thiếu sự chia sẻ. Nhiều người viết cả sách chia sẻ với những đàn ông khác một cách chân thành (chứ không phải để “giải tỏa bức xúc” đâu nhé!). Trên truyền hình còn có cả một gameshow có tên “Bố ơi mình đi đâu thế?”, mô tả cách các ông bố nổi tiếng tự lo cho con trên những hành trình xa. Và cũng trên truyền hình, những người vợ có thể nói một cách tự nhiên cái điều mà mẹ ta, bà ta trước đây không dám mơ tới – chồng ngồi nhà chăm con để mình được phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống.

Không lạ gì cảnh trong khi chồng bế con đi ra mắt sách về kỹ năng nuôi dạy trẻ hay bí quyết vào bếp thì vợ có thể đăng đàn ở các diễn đàn CEO hay lên mạng chia sẻ chuyện đi làm đẹp, du lịch chỗ nọ chỗ kia.

“Cuộc cách mạng” có lẽ không chỉ từ cái tã (cái tã chỉ là một phần nhỏ) còn thì chủ yếu từ nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, sự không ngừng “vùng lên” của phụ nữ trong việc dành quyền tạo dựng giá trị và vị thế cá nhân trong xã hội. Trong “công cuộc không ngừng vùng lên” đó, cũng có không ít “mất mát”, đó là khi xảy ra những cú sốc trong phân công lao động gia đình; sự thiếu tương thích, dung hòa giữa quan điểm truyền thống và quan điểm hiện đại về vai trò nữ giới dẫn đến đổ vỡ khó hàn gắn.

Một chuyện không mấy vui, có những khu chung cư tại Sài Gòn cư dân chỉ là phụ nữ đơn thân và em bé – hậu quả của những cuộc hôn nhân tan vỡ. Những người mẹ trẻ này đa phần có sự nghiệp và vị trí, có thu nhập và một đời sống phong phú trong xã hội.

Cho nên cái sự “vùng lên” nào cũng có tính hai mặt và điểm dừng của nó. Những giá trị như sự hòa hiếu nhỏ nhẹ, sự khéo léo mềm mại trong nuôi dạy hay chăm sóc con cái, đàn ông tài giỏi đến mấy không thể thay thế được phụ nữ và vì thế phụ nữ không nên vì đùn đẩy để rồi đánh mất những phẩm tính đó nơi chính mình để đảm bảo sao cho bọn trẻ được chăm sóc tốt. Cũng thế, tư duy nam giới sẽ lý tính, mạnh mẽ trong việc làm chủ gia đình, định hướng cho sự phát triển của con cái và đôi khi cần phải minh chứng bằng sự vững vàng sự nghiệp trong đời sống xã hội…, những điều đó trong thời đại nào cũng cần được chia sẻ một cách tinh tế từ người bạn đời để có gia đình bền vững.

Sự gia trưởng hay phong kiến theo mô hình gia đình truyền thống đã không còn phù hợp trong bối cảnh sống hiện đại. Chỉ có sự hiểu biết về tính cách cụ thể của người bạn đời cùng những am tường về căn tính giới mới đảm bảo đời sống gia đình ổn định và bền vững, tránh những đổ vỡ đôi khi chỉ từ căng thẳng trong “phân công lao động” thiếu khoa học, không thỏa đáng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối