Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Khi chuyện chống dịch vẫn còn… lúng túng

(SGTT) - Việc Sài Gòn dẹp bỏ rào chắn vào ngày 1-10 (sau 160 ngày phong tỏa) là quyết định sáng suốt và hợp lòng dân, thành phố như lò xo bật dậy sau nhiều ngày “dồn nén”. Thế nhưng, người Sài Gòn lo âu “chống dịch như chống giặc” theo nghĩa đen, rồi không ít người lo lắng, hoài nghi quyết tâm mở cửa Sài Gòn.
Lực lượng dân quân tự vệ đang hỗ trợ gỡ các hàng rào kẽm gai trên đường Phú Thọ, quận 11 sau khi TPHCM chính thức bước vào trạng thái "bình thường mới" từ ngày 1-10.

Thực tế là sau bốn ngày mở cửa, số ca nhiễm và tử vong ở Sài Gòn đều giảm. Phải chăng do người dân phấn khởi, thoát khỏi không gian tù túng trong nhà, có thêm việc làm và thu nhập, bữa ăn được cải thiện phần nào nên sức đề kháng cũng mạnh hơn? Tôi thì lại nghĩ cuộc chiến chống dịch của Sài Gòn sang trang nhưng vẫn bộc lộ một số lúng túng.

Trước hết là lúng túng về phát ngôn khi mà rào chắn được gỡ bỏ, lực lượng kiểm soát được giải phóng khỏi những áp lực nặng nề, người dân được giải phóng khỏi tâm lý bất an nhưng lãnh đạo thành phố lại khẳng định: “Mở cửa nhưng người ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị phạt!”. Lý do chính đáng của mỗi người nhiều khi khác nhau, rồi sợ nhất là việc suy diễn và thực hiện của cấp thừa hành. Có hai hình ảnh đặc trưng của người Sài Gòn chống dịch: trước phong tỏa chen chúc cửa hiệu thuốc tây, sau mở cửa xếp hàng dài ở tiệm cầm đồ.

Lúng túng nhất là việc để người dân ùn ùn đổ về quê. Cả Sài Gòn lẫn các tỉnh đều lúng túng vì thiếu sự chuẩn bị, chưa dự báo hết tình hình thực tế và nguyện vọng bí bách của người dân các tỉnh lên Sài Gòn mưu sinh. Phong tỏa, phải về, hay mở cửa, cũng phải về. Nhiều tỉnh vẫn phớt lờ góp ý của chuyên gia và lời kêu gọi của thành phố.

Thay vì tập trung cùng thành phố chăm sóc cho dân tỉnh nhà đang ở Sài Gòn thì lại tổ chức đón công dân về quê. Kể cả việc cho công nhân, dân lao động công nhật đi máy bay dù nhiều người trong số họ chưa hề thấy máy bay. Làm vậy khác nào khuyến khích dân tỉnh tháo chạy về quê. Mỗi vé tính ra cũng bạc triệu vì thuê charter. Rồi khi về tỉnh lại phải cách ly, về nhà chắc gì đã có việc làm và thu nhập.

Nhiều người về quê là F0 tiềm ẩn không triệu chứng. Đi đường xa, mệt mỏi, đói khát, lo lắng; cơ thể suy nhược, sức đề kháng yếu là môi trường lý tưởng để dịch bệnh nảy sinh và phát tán. Lực lượng kiểm soát đã làm hết sức mình nhưng quá bất ngờ nên lúng túng. Cuối cùng, nhờ đối thoại, đôi bên cùng cảm thông và giải quyết thấu tình đạt lý.

Chủ trương cả nước “Chống dịch như chống giặc” nhưng mỗi địa phương có khi lại có cách làm không thống nhất nhau, đến Thủ tướng cũng phải yêu cầu chấn chỉnh. Cấm người dân ra khỏi nhà “Ai ở đâu ở yên đấy” nhưng có hội họp vẫn trực tiếp.

Lực lượng kiểm soát biết bao nhiêu chốt chặn khắp Sài Gòn chẳng lẽ về làm dân hết hay sao mà để siêu thị chen chúc? Vẫn còn tình trạng rồng rắn xếp hàng, không đảm bảo giãn cách ở các điểm chích ngừa. Rồi thì sao chưa cho chợ tự phát hoạt động trở lại. Những người buôn bán nhỏ bày ít thực phẩm trước nhà, trên vỉa hè làm sao tụ tập đông bằng siêu thị?

Nhiều người dân cho rằng đi chợ truyền thống có khi còn an toàn hơn là chui rúc vào siêu thị ô cửa kín mít. Ảnh: Lâm Vũ

Vấn đề là lực lượng kiểm soát chốt chặn phải chuyển trạng thái, từ cố định sang cơ động chứ không phải giải giáp. Từ việc xét đủ thứ giấy tờ người ra đường thì chuyển sang việc kiểm soát các đám đông vi phạm 5K. Các hoạt động bình thường mới nghĩa là phải triệt để 5K và được giám sát chứ không thể tụ tập như trước dịch.

Bất ngờ trước làn sóng người dân ồ ạt về quê, thành phố quyết định “Tạm cho người xét nghiệm âm tính và F0 khỏi bệnh về quê”. Tạm có nghĩa là nay mai có thể không cho nên càng phải tranh thủ về quê sớm. Mở cửa, các doanh nghiệp lập tức khôi phục hoạt động trong khi nguồn nhân lực chủ yếu là dân các tỉnh. Dân càng bỏ về quê, doanh nghiệp càng điêu đứng.

Trong khi cả Sài Gòn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là chống dịch và khôi phục kinh tế, dù không ít lúng túng thì công an thành phố vừa có chủ trương “Từ 4-10, thành phố trở lại làm căn cước công dân gắn thẻ chip”. Chẳng lẽ việc này cũng cấp bách và cần thiết như chống dịch? Đang bực vì đã chích mũi 2 cả chục ngày mà app sổ sức khỏe điện tử vẫn chưa chịu hiện thẻ xanh thì tôi nhận tin nhắn, cứ tưởng có thẻ xanh, ai dè nhắc đi làm căn cước. Sao không tập trung cả thời gian và công sức cho nhiệm vụ an sinh, điều phối hoạt động cư dân trong điều kiện bình thường mới.

Lại nhớ chuyện mấy tháng trước, khi cả nước đang giãn cách xã hội, Bộ Công an triển khai việc làm căn cước công dân gắn thẻ chip toàn quốc, làm thông tầm thâu đêm, suốt sáng; còn hơn cả đánh giặc. Chắc chắc việc này có lý do chính đáng nhưng người dân chưa biết nên cảm thấy khó hiểu trong tình hình dịch bệnh.

Lúng túng còn thể hiện ở việc Sài Gòn mở cửa từ 1-10 nhưng báo chí ngày 2-10 đưa tin “Quốc hội họp bàn việc từng bước mở cửa đưa cuộc sống về bình thường mới”. Sau khi mở cửa mới bàn thì bao giờ mới xong, có nghị quyết rồi nghị định, hướng dẫn thực hiện? Trách gì các địa phương không lúng túng rồi có nơi phải mạo hiểm xé rào để cứu dân và chống dịch hiệu quả.

Sự lúng túng thể hiện rõ nhất trong việc xử lý các tình huống của phường, xã. Từ việc khẳng định bánh mì không phải là thực phẩm (Khánh Hòa); tiền không phải là hàng cấp thiết (Ninh Thuận); khóa cửa 278 hộ gia đình (Thanh Hóa); phá khóa, còng tay, cưỡng chế nữ giáo viên yoga đang dạy online trước mặt các con nhỏ, áp giải đi xét nghiệm (Bình Dương)…

Những việc trên, cán bộ thừa hành đều làm nhiệt tình quá mức cần thiết, tưởng giúp chống dịch hiệu quả mà không ngờ công thành tội, bị xử lý, thậm chí mất chức. Suy cho cùng, họ là những người tốt, đáng thương hơn đáng trách và không đáng bị mạng xã hội ném đá như vậy. Càng lúng túng càng cho thấy sư thiếu chuẩn bị của các cấp.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối