Thứ tư, Tháng Một 15, 2025

Khi chuyện nhà được công cộng hóa

Mọi bí mật gia đình đều có nguy cơ công cộng hóa trong thời đại của mạng xã hội. Điều đó tốt hay xấu?

Chuyện 1

Câu chuyện vợ chồng anh L. sẽ không đến nỗi có một kết cục bi đát nếu như… không có Facebook. Nguồn cơn xem ra chẳng có gì to tát. Một lần nọ, căng thẳng với công việc ở công ty, chị Ng. – vợ anh L. – rủ bạn bè đi du lịch. Họ lên kế hoạch và hẹn hò trên Facebook chuẩn bị cho một tour xa hứa hẹn nhiều hấp dẫn. Nhưng với anh L. thì đó là sự xúc phạm. Anh treo status ra vẻ hằn học trách vợ không bàn qua với mình khi đi xa, không coi mình ra gì. Liền sau đó, vợ anh cũng đáp trả với một status khác, có ý thách thức. Cứ như vậy, sau vài status, họ đã “tuyên chiến” với nhau trên… mạng xã hội. Những thói hư tật xấu của nhau, những rạn vỡ trong đời sống hôn nhân từ lâu che giấu, những ức chế kìm nén được đưa lên trong những status ngày càng dài, không chút kiềm chế. Trong khi bạn bè cả hai “phe” thấy vậy, nhiều người nhảy vào “like” và họ càng được cổ vũ tinh thần để không ngần ngại ném vào nhau những lời cay đắng, thậm chí thô tục, khó nghe.

Chuyến du lịch của chị Ng. vẫn diễn ra. Và dĩ nhiên, sau đó là cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Chuyện 2

Cha mẹ tạo tài khoản để theo dõi con trên Facebook là chuyện thường ngày ở… mạng xã hội. Từ chỗ có thể đối thoại với con một cách công khai, nhiều cha mẹ trở thành “gián điệp” dưới một nickname và kết bạn với con qua mạng để có thể chuyện trò một cách thân thiện hơn và hiểu xem bọn trẻ muốn gì.

Vợ chồng anh Đ. (TPHCM) kể rằng, họ phải bí mật tạo tài khoản để theo dõi đời sống của cô con gái 13 tuổi. “Nó ăn gì, đi chơi với ai ở đâu hay có tâm sự thế nào, cứ lên Facebook là biết. Có hôm nó buồn ba má cũng lên đó viết. Hai vợ chồng thay nhau vô bấm like rồi chat, tâm sự với nó như người bạn, giúp nó hướng đến cảm xúc tích cực hơn. Nhưng cũng lo, nếu một ngày nó phát hiện ra bọn mình là “điệp viên” trên mạng thì không biết làm sao nói chuyện với nó. Bây giờ bọn trẻ đứa nào cũng “ở trển” hết.

Điều lo ngại nhất là những chuyện lẽ ra chỉ trong nhà biết với nhau thì con bé lôi lên trên đó cho mọi người cùng biết, bàn tán. Khổ quá, vợ chồng mình không cách nào ngăn nó được”, anh Đ. nói.

Chuyện 3

Thật vậy, quá nhiều bí mật riêng tư đã bị công cộng hóa trên mạng xã hội. Thường thì ban đầu người tham gia chỉ muốn bày lên đó nhiều hình ảnh của một đời sống vui vẻ tốt đẹp và tích cực. Nhưng dần dần, khi đời sống mạng đã trở nên thường trực không thể thiếu, họ lại ghi chép bất kỳ cảm xúc nào diễn ra trong cuộc sống gia đình và bản thân lên đó để… giải tỏa. Rất nhiều cảm xúc đó phơi bày những bí mật gia đình mà lẽ ra cần gìn giữ để tránh gây tổn thương cho những người thân yêu có liên quan.

Sau khi ly dị vợ, anh K. chuyển vào Nam sinh sống nhưng vẫn thường đi về Hà Nội thăm cậu con trai. Một ngày, khi biết vợ cũ của mình đã đi bước nữa và đưa con trai về chung sống với bố dượng, anh đã tìm cách can thiệp để giành con về nuôi. Cuộc xung đột xảy ra trên thực tế đã được… kéo lên trên Facebook. Những bí mật trong đời sống riêng tư của hai người trước và sau cuộc hôn nhân đã được phơi bày, thậm chí giấy tờ ly dị của họ cũng được sao chụp đưa lên mạng làm bằng chứng để lôi kéo dư luận đứng về phía mình. Những lời lẽ thiếu nhã nhặn đã được tung ra. Bên cạnh những người chỉ biết nhảy vào “like” kịch liệt và châm thêm dầu vào cuộc chiến thì cũng có những người chín chắn đã khuyên can mọi thứ nên dừng lại, vì mọi việc đang gây tổn thương cho những người thân hai bên và đặc biệt là thằng bé.

Có thể hình dung một ngày nào đó, những câu chuyện về cha mẹ nó được công cộng hóa và ở lại trong ký ức những người nhiễu sự, một hôm đến tai thằng bé thì nó sẽ phải chịu tổn thương ra sao.

Tạm kết

Cuộc sống đời tư và gia đình sẽ đẹp hơn, thiêng liêng hơn nếu được tôn trọng sự kín đáo trong khuôn khổ “mỗi nhà mỗi cảnh”. Bởi dù muốn dù không, đó là một xã hội thu nhỏ với những nguyên tắc riêng. Sự phơi bày, công cộng hóa tất tần tật mọi thứ thuộc về đời sống gia đình lên mạng xã hội, bên cạnh tạo ra sự chia sẻ chốc lát (và có khi máy móc) thì phần lớn là tạo ra sự can thiệp, can dự không mong muốn của người ngoài. Mà người ngoài không phải bao giờ cũng đủ hiểu biết, chín chắn và tốt bụng. Sự kích hoạt từ bên ngoài cộng với những cảm xúc thiếu kiềm chế trong ngôn từ bộc phát sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho hạnh phúc gia đình. Đời sống sẽ kém phong phú biết mấy nếu phá bỏ nguyên tắc “mỗi cây mỗi hoa”.

Đời sống riêng tư của những gia đình hiện đại đang bị thách thức bởi chính những con sâu mạng xã hội là thành viên sống bên trong nó.

Hoài Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối