Ngọc Ánh -
Như những ngành nghệ thuật khác, thời trang đang chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ. Có thể nói trong thời đại số hóa hiện nay, công nghệ và thời trang đang bắt tay nhau để cùng đi chung trên một con đường. Bản thân ngành công nghệ đang ứng dụng các quy tắc thời trang để thổi những làn gió mới vào khâu thiết kế, trong khi ngành thời trang thăng hoa dưới sự hỗ trợ của công nghệ.
Trong nỗ lực gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều hãng thời trang đang chú ý đến việc cho ra đời nhiều dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhằm mục tiêu tạo ra những giá trị khác biệt, đồng thời cũng tạo ra những trào lưu mới trên thị trường. Các trào lưu thời trang này không chỉ mang đến cái nhìn mới mẻ về tính thực dụng của sản phẩm mà còn góp phần truyền tải những thông điệp về tiêu dùng: xanh, sạch và đẹp.
Cảnh báo ô nhiễm môi trường
Bên cạnh những chiếc áo thông minh theo dõi tình trạng sức khỏe của người mặc, trên thị trường đã có sự xuất hiện của những chiếc áo có khả năng cảnh báo ô nhiễm môi trường. Mẫu áo có tên gọi Aerochromics là sản phẩm của họa sĩ, nhà thiết kế và nghệ sĩ biểu diễn Nikolas Bentel. Bentel đã làm việc với phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng của Autodesk để phát triển ba mẫu áo khác nhau: một chiếc biến đổi khi phát hiện khí CO, một chiếc biến đổi khi có ô nhiễm hạt bụi và một chiếc phản ứng với sự hiện diện của phóng xạ. Mỗi mẫu áo hoạt động theo một cách khá khác biệt nhau.
Không biết những sản phẩm mới lạ này sẽ được ứng dụng trên thực tế như thế nào và người tiêu dùng sẽ đón nhận chúng như thế nào? Nhưng thực sự đã thu hút được không ít sự chú ý của giới truyền thông và người tiêu dùng trên thế giới.
Trong khi đó, hãng Diffus lại chào thị trường các mẫu váy áo có tích hợp bộ cảm biến giám sát mức độ ô nhiễm không khí ở gần đó và cung cấp thông tin phản hồi dưới dạng ánh sáng LED. Khi không khí bị ô nhiễm nặng, những ánh đèn trong chiếc váy này sáng lên nhanh chóng để cảnh báo cho người mặc và những người xung quanh.
Ở Việt Nam, trong năm 2016, hãng thời trang Format đã cùng với đối tác Will Japan International (Nhật Bản) cho ra đời hệ thống cửa hàng thời trang thông minh có tên gọi Tokyolife. Sản phẩm bán ở Việt Nam là các dòng áo giữ nhiệt không chứa chất gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là chất NPE (Nonylphenol Ethoxylates).
Tái chế nguyên vật liệu bỏ đi
Tại Tuần lễ thời trang vừa qua ở Paris (Paris Fashion Week), nhà mốt đình đám của Hà Lan là Viktor & Rolf đã gây sự chú ý nơi công chúng khi cho trình diễn bộ sưu tập thời trang tái chế. Hãng sử dụng các loại vải thừa còn lại của mùa trước đó để tạo ra các bộ trang phục cao cấp (haute-couture) trong mùa thu đông 2016 của mình.
Không nổi tiếng như Viktor & Rolf, SegraSegra, một nhóm các nhà thiết kế người Hungary, đã có sáng kiến sử dụng lốp xe đạp cũ để tạo ra lớp vật liệu giả da trên các dòng áo khoác và áo thun. Trong khi đó, tác phẩm của nhà thiết kế New Zealand Emma Whiteside là những chiếc áo khoác được tái chế từ các sợi dây đồng tản nhiệt. Rõ ràng, khi nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, nó sẽ kích thích tính sáng tạo và sự khéo léo của các nhà thiết kế, bản thân họ cũng một bàn tay mạnh mẽ trong việc thay đổi bộ mặt của thời trang.
Tận dụng năng lượng mặt trời
Hình ảnh những tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên nóc nhà đã trở nên khá quen thuộc nơi các phố thị cũng như vùng nông thôn bởi nhu cầu về năng lượng sạch đang là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, ý tưởng về trang phục có gắn kèm những tấm pin này vẫn là điều khá mới mẻ.
Cách đây hai năm, một nhà thiết kế người Hà Lan có tên Pauline van Dongen đã tung ra bộ sưu tập những chiếc áo có khả năng tận dụng năng lượng từ mặt trời và sạc các thiết bị mang bên người như điện thoại thông minh, máy nghe nhạc, vòng đeo tay theo dõi sức khỏe… Theo thời gian, những dòng sản phẩm được cải tiến dần và yếu tố thời trang càng trở nên đậm nét hơn trong những trang phục mà Pauline đưa ra thị trường. Được biết, dây dẫn điện trong những bộ quần áo này được đan xen khéo léo cùng sợi vải đồng thời kết nối chất liệu cao su tổng hợp được khắc laser trực tiếp vào chất liệu da.
Mới đây nhất, nhà thiết kế Andrew Schneider ở Anh đã tạo ra những bộ bikini có đính hàng loạt tấm pin năng lượng mặt trời nho nhỏ. Mỗi lần sản phẩm được giới thiệu ngoài trời đều thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, một phần vì vẽ đẹp hình thể của người mẫu. Trong khi đó, nhà thiết kế Mae Yokoyama lại tích hợp những tấm pin năng lượng mặt trời vào những chiếc vòng cổ thời trang.
Hỗ trợ người khiếm khuyết
Cách đây hơn một thập kỷ, công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (Radio-frequency Identification – RFID) vẫn chưa được phổ biến, nhưng nay nó đang góp phần làm thay đổi thế giới. Ở Việt Nam, RFID đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, ngành y tế, vận chuyển và dịch vụ an ninh.
Trên thế giới, RFID hiện đã bước vào kỷ nguyên thứ hai của mình khi trở thành một phần thiết yếu của xu hướng Internet kết nối vạn vật (IoT) và tạo ra cuộc cách mạng trong môi trường tương tác hiện nay. Công nghệ RFID đang được ứng dụng trong ngành thời trang với những mục đích mang tính nhân bản: hỗ trợ cho bệnh nhân đột quỵ hay đơn thuần chỉ để giúp những người mắc chứng hay quên nhớ mang theo chìa khóa của họ khi rời khỏi nhà.
Quan tâm đến người khuyết tật, nhà thiết kế Anna Bieniek đã cho ra mắt dòng đồng hồ “Feel the Time”, một loại đồng hồ chữ nổi đơn giản cho phép người khiếm thị có thể nắm bắt được lịch trình. Trong khi đó, sản phẩm của nhà thiết kế người Brazil Pedro Nakazato Andrade là bộ chỉnh xương, trong đó có tích hợp với bộ cảm biến EMG để theo dõi sự lành xương và cơ bắp và báo cáo tiến độ đến một trang web về y tế.
In 3D và cắt laser
Khác với những công nghệ mới khác, in 3D và cắt laser đã trở nên quen thuộc với giới thiết kế từ nhiều năm nay và ngày càng có sự tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Vào giữa năm 2016, Bảo tàng nghệ thuật New York Metropolitan đã tổ chức buổi triển lãm đặc biệt được tài trợ bởi hãng công nghệ Apple. Mở cửa từ ngày 5-5 đến 14-8, cuộc triển lãm giúp người xem khám phá các công nghệ đột phá như in 3D và cắt laser dã giúp nâng cấp trải nghiệm thời trang cao cấp ra sao.
Có tổng cộng tám bộ quần áo công nghệ cao được trưng bày trong cuộc triển lãm mang tên: “Manus x Machina: Fashion in the Age of Technology” (tạm dịch: Con người x Máy móc: Thời trang trong kỷ nguyên công nghệ).
Đúng theo cái tên của mình, cuộc triển lãm là cách mà ban tổ chức thể hiện những góc cạnh mới trong cuộc chiến giữa những sản phẩm làm ra bởi con người và máy móc và con đường mà những nhà thiết kế đang ứng dụng để hài hòa cả hai khía cạnh khác biệt này.
Và ở Việt Nam, nhiều nhà thiết kế trẻ đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cắt laser trong việc tạo ra các sản phẩm độc đáo của mình như Chung Thanh Phong, Lâm Gia Khang và Adrian Anh Tuấn.