Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Khi cửa hiệu thời trang giống trang web

Kim Hương -

Thương hiệu thời trang cao cấp Saks Fifth Avenue đang lập một cửa hiệu giống như một trang web nhằm thu hút khách hàng dành nhiều thời gian mua sắm hơn, theo báo The Wall Street Journal.

fashion Cửa hiệu “Saks Downtown” trưng bày giày và kính mát.

Cách làm này nhằm giải quyết một nghịch lý đáng thất vọng là các nhà bán lẻ hàng cao cấp phải đối mặt với tình trạng nhiều người truy cập vào trang web của họ, nhưng họ lại không bán được nhiều sản phẩm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hai kênh bán hàng này phối hợp với nhau, với sức mạnh của kênh này bù đắp cho yếu kém của kênh kia? Saks đang áp dụng điều này với một cửa hàng được thiết kế lại và công cụ kỹ thuật số. Trọng tâm của nỗ lực này là kết nối hàng bán ở cửa hiệu với người mua sắm và công cụ kỹ thuật số sẽ trả lời các thắc mắc của họ.

Cửa hiệu mới khai trương hồi đầu tháng 9 của Saks có tên “Saks Downtown” ở khu Hạ Manhattan (New York) thể hiện nhiều tính năng lấy cảm hứng từ trang web giúp việc mua sắm trực tuyến và mua sắm trực tiếp ở cửa hiệu trở thành một trải nghiệm xuyên suốt.

Cách bài trí hàng hóa dẫn khách hàng đi vòng tròn, tạo cảm giác cho khách hàng như đang dạo chơi liên tục trên một trang web.

Chủ tịch Saks, ông Marc Metrick mô tả hành vi mua sắm hiện nay giống như hoạt động trên web, nên mục tiêu là phải lôi kéo người xem hàng “dạo chơi” lâu trong cửa hiệu, giống như khi họ xem toàn bộ trang web.

“Nếu khách hàng truy cập vào rồi thoát nhanh, thì bạn sẽ phải ráng hết sức thể hiện rằng cửa hiệu mở để dành cho họ”, ông nói với The Wall Street Journal.

Tại “Saks Downtown”, các kiểu quần áo được trải căng trên bàn, vì đó là điều người mua sắm muốn thấy trên trang web. Các quầy trưng bày được hạ thấp, để người xem có thể nhìn thấy nhiều hàng hóa hơn trong cửa hiệu. Nhằm giới thiệu nhiều lựa chọn, cửa hiệu đặt cược lớn vào việc trưng bày hơn 1.000 đôi giày và hơn 800 cặp kính mát. Ở tầng một, nhiều kệ trưng từng kích cỡ của một mẫu quần áo, tạo cảm giác đang ở một gian giới thiệu hàng hóa và trang phục cùng các phụ kiện cùng thương hiệu được trưng bày chung, chứ không chia riêng rẽ ở các gian hàng khác.

Phòng thử đồ phải trải thảm sang, đèn sáng lung linh và chỗ ngồi thoải mái, vì quan điểm của người mua sắm là “phòng thử quần áo của tôi chính là phòng khách của tôi”.

Hiện các nhà bán lẻ hàng cao cấp ngày càng chú ý việc kết hợp trang web với doanh số bán ở cửa hiệu của họ. Theo một nghiên cứu mới của Công ty Tư vấn Boston, gần 6 trên 10 vụ mua sắm hàng cao cấp đều chịu ảnh hưởng của kỹ thuật số, gồm việc tìm hiểu một sản phẩm trên một trang web trước khi mua nó ở một cửa hiệu (hoặc ngược lại). Chỉ có 7% doanh số bán hàng cao cấp được thực hiện chỉ trên trang web.

Saks hy vọng các cửa hiệu của họ sẽ hưởng lợi từ việc cung cấp cho người mua sắm một một trải nghiệm mua sắm riêng. Người truy cập vào trang web thương mại của Saks có thể liên lạc với một nhân viên bán hàng bằng xương bằng thịt, chứ không phải người máy như các thương hiệu bán lẻ khác đang thử nghiệm. Saks cũng kỳ vọng nhân viên bán hàng am hiểu kỹ thuật số.

Khi phỏng vấn ứng viên làm việc ở “Saks Downtown”, quản lý cửa hiệu này hỏi họ “ai là cảm hứng của bạn trên Instagram? Bạn có bao nhiêu người theo dõi”. Người quản lý không cần câu trả lời chính xác, nhưng chỉ để biết ứng viên có thật sự quan tâm những gì đang xảy ra trong lĩnh vực thời trang cao cấp thì mới có thể trả lời đầy đủ cho những câu hỏi của người mua sắm.

Theo người phát ngôn của Saks, người mua sắm ở cửa hiệu kết hợp với công cụ kỹ thuật số này giúp làm họ tăng 50% sức mua. Họ đã mở rộng chương trình này đến 36/41 cửa hàng và 1.200 nhân viên.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối