Nguyễn Trang-
Điện ảnh có nhiều tên tuổi đạo diễn và các dòng phim gắn liền với thế giới của những giấc mơ. Thế giới của tưởng tượng, tiềm thức và ám ảnh thực tế này có gì mà lại thu hút nhà làm phim nhiều đến thế? Cùng tìm xem mối liên hệ kỳ diệu giữa điện ảnh và giấc mơ người kể chuyện.
Khi giấc mơ mở ra những chân trời mới
Khá nhiều bộ phim đã tạo nên những ranh giới không gian thú vị của những giấc mơ. Ký ức của nhiều thế hệ đã gắn liền với giấc mơ đi đến xử sở kỳ diệu của cô bé Alice. Dù ở phiên bản hoạt hình hay người đóng, phần lớn diễn biến của bộ phim Alice in Wonderland đều xảy đến trong giấc mơ đầy màu sắc của Alice với chú thỏ lo lắng, nữ hoàng đỏ và nữ hoàng trắng, người thợ làm mũ kỳ quái hay những cây nấm phát nhạc. Điều này cũng tương tự như vậy với phim The Wizard of Oz, bộ phim của kỷ nguyên vàng Hollywood mở ra một hành trình giấc mơ của cô bé Dorothy, bỏ lại trang trại buồn tẻ của mình để đến với một thế giới tràn ngập điều kỳ diệu với phù thủy, sư tử, gấu, người thiếc, người rơm của mình. Đây cũng là những bộ phim tạo nên khuôn mẫu cho dòng phim về những giấc mơ sau này.
Tiếp nối cảm hứng ấy, ở phim Wild Strawberries, tạm dịch Dâu dại, vị giáo sư lớn tuổi Isak mơ về mặt đồng hồ trống rỗng, những con đường trống rỗng và những chiếc xe ngựa kéo đâm vào nhau, lòi ra chiếc quan tài chứa xác chết của chính mình. Điều này có thể chỉ ra ông đang lo lắng về thời gian cuộc đời mình đang cạn dần và dần đến với cái chết. Ông cũng không thể kiểm soát thời điểm về cuộc hành trình vĩ đại nhất của cuộc đời mình đi về thế giới bên kia nhưng với giấc mơ ấy, ông hoàn toàn cảm nhận được điều sẽ xảy đến.
Flatliners là một bộ phim kỳ lạ khi hầu hết nội dung phim nói về cái chết nhưng các giấc mơ cũng chiếm những phần quan trọng trong phim. Bộ phim đã chứng minh rằng ngay cả khi bị coi là đã lìa đời, con người vẫn không ngừng khám phá những ranh giới mới. Vanilla Sky là một trong những bộ phim hay về điều khiển giấc mơ, được thực hiện chi tiết và có lý theo phong cách phim viễn tưởng. Thế giới của phim là về tương lai của giấc mơ. Câu hỏi mà bộ phim đặt ra là nếu có cơ hội, bạn sẽ sống trong thế giới của giấc mơ hay vẫn thích thế giới thực tại hơn?
Giấc mơ khám phá những góc khuất của con người
Giấc mơ khắc họa rõ tính cách nhân vật khi đào sâu vào những sợ hãi hay khát khao mà ngày thường không có điều kiện bộc lộ.
Trong bộ phim thể nghiệm Brazil, Sam Lowry là một công dân bình thường ở đời sống thực, làm một công việc tẻ nhạt nhưng khi vào giấc mơ, anh trở thành người hùng cứu cô gái mình yêu thương. Giấc mơ của anh chàng Stephane trong phim The Science Of Sleep khá kỳ quặc khi anh có đôi bàn tay khổng lồ để có thể đánh cho gã đồng nghiệp đáng ghét một trận ra trò. Nó hé lộ sự chán chường cùng cực của Stephane trong đời sống hiện tại và khát khao bùng phá của anh.
Bộ phim đình đám đạt giải Oscar một thời, American Beauty – Vẻ đẹp Mỹ, kể chuyện Kevin Spacey’s Lester Burnham có một giấc mơ tuyệt đẹp về bạn của con gái Mena Suvari, cô hoàn toàn khỏa thân, chìm trong biển hoa hồng. Màu đỏ rực của những cánh hoa tượng trưng cho suy nghĩ bản năng và niềm đam mê với cô gái này của người đàn ông đang đối diện với bi kịch tuổi trung niên.
Khi bi kịch hay cái chết được khắc họa bằng giấc mơ, nó trở nên hấp dẫn nhưng đáng sợ. Nhiều phim kinh dị hay tâm lý ly kỳ đã tận dụng đặc điểm tâm lý này để tạo nên những nhân vật ám ảnh thời gian dài. Tiêu biểu là tên sát nhân Freddy Krueger, kẻ xuất hiện trong những cơn ác mộng gieo rắc nỗi kinh hoàng với bộ mặt lồi lõm, đôi bàn tay có móng vuốt sắc nhọn và hơn cả là ánh mắt thù ghét trẻ con. Ra đời năm 1984, trải qua 6 phần phim, 1 tập ngoại truyện và phiên bản làm lại, loạt phim A Nightmare on the Elm Street luôn khiến người ta rợn người khi nhớ đến.
Giấc mơ mở rộng ranh giới tường thuật trong phim
Cùng với trí tưởng tượng, giấc mơ khắc họa suy nghĩ tiềm thức của nhân vật và tác giả phim, tạo nên sự đột phá trong cách kể biến những tác phẩm bình thường trở thành những bộ phim thú vị. Hiếm có một bộ phim nào mà quay phim lại tạo nên một cảm xúc diệu kỳ như What Dreams May Come, khi nhân vật chạy trong giấc mơ của mình, trên nền là những bộ mặt người đau khổ. Điều này đã khiến một bộ phim trở thành tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa siêu thực.
Mulholland Drive, một trong những bộ phim nổi tiếng của đạo diễn David Lynch, người thường được biết đến nhờ xu hướng siêu thực và tính bạo lực đậm đặc. Mọi chi tiết diễn biến trong phim được xáo trộn, sắp đặt để đánh lừa người xem khiến họ khó mà nhận diện được cái mình đang xem là đang mơ hay thật. Bộ phim nhảy từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, để rồi tất cả đều kết nối với nhau đến một đoạn kết đầy đau thương.
Khi tâm trí con người ở trong trạng thái tiềm thức, giấc mơ còn có vai trò dự đoán những điều sắp xảy ra. Ở Terminator 2: Judgment Day, Sarah Connor có một giấc mơ khi sân chơi trẻ em bị tàn phá tan tành bởi một vụ nổ hạt nhân. Đây là một giấc mơ đầy tính lo âu nhưng cũng đơn giản là phản ánh những điều mà Sarah lo lắng sắp xảy đến với thế giới khi toàn bộ robot phá hủy nhân loại.
Shutter Island là một bộ phim gây ấn tượng với những cảnh giấc mơ ly kỳ do nam diễn viên Leonardo Dicaprio thể hiện. Teddy, nhân vật thanh tra của Leonardo liên tiếp bị đau đầu, ác mộng, tiếp nhận những giấc mơ còn thật hơn cả thật khi tái hiện những ký ức đau buồn nhất của anh về chiến tranh, đã từng giết người, về cô vợ đã bị chết, từ cái áo của cảnh sát, anh đã cởi ra để mặc bộ đồ trắng, như một bệnh nhân...
Nói về giấc mơ, không thể không nhắc tới Inception (tạm dịch là Kẻ đánh cắp giấc mơ), một bộ phim quá nổi tiếng và dù ra đời chưa được bao lâu, đã được các nhà điện ảnh quốc tế coi là kinh điển về giấc mơ của điện ảnh thế giới. Phim dựa trên ý tưởng về một nhóm tội phạm đánh cắp thông tin và bí mật của nạn nhân bằng cách đưa nạn nhân vào trạng thái “giấc mơ”. Không những thế nó còn phát triển thêm khái niệm “giấc mơ trong giấc mơ”. Ý tưởng mới và có đôi chút phức tạp nhưng nhóm làm phim đã thực sự giải thích và truyền đạt tốt ý tưởng trên tới người xem. Trong phim, cảnh nổi bật về giấc mơ chính là lúc Cobb giải thích quá trình xây dựng ước mơ cho Ariadne. Nó dẫn tới cảnh tượng bùng nổ khi tiềm thức của cô nhận ra mình đã bị lừa dối, trước khi thế giới tự tạo ra và Ariadne sử dụng gương để tạo ra một con đường mới cho cả hai. Bộ phim được xem là “hack não” này khẳng định tài năng kể chuyện của Christopher Nolan, biến đề tài khó thành phim có 825 triệu đô la Mỹ doanh thu toàn cầu.
Dùng giấc mơ kể chuyện là một cách nhà làm phim thoát ly thực tại nhưng cũng không đến mức cách ly như phim viễn tưởng, cho thấy nỗ lực của nhà làm phim muốn tiệm cận tới suy nghĩ tiềm thức, đi sâu vào bản chất con người. Và từ giờ, nếu bất cứ phim nào có một cảnh giấc mơ, bạn hãy chú ý thật kỹ. Đó có thể là một chi tiết hé lộ rất nhiều bí mật thú vị, bởi đó không đơn giản chỉ là những phút mộng mơ.