(SGTTO) - Việc thành lập hợp tác xã Hoàng Liên tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc sống tại Vườn quốc gia Hoàng Liên phát triển các sản phẩm thuộc thế mạnh của địa phương nhưng không ảnh hưởng đến sinh thái, môi trường.
Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa bàn các huyện Than Uyên, Phong Thổ tỉnh Lai Châu và Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Điểm đặc thù của nơi đây là đã có các bản làng sống lâu đời trước khi vườn quốc gia và các khu bảo tồn được thành lập.
Hiện các hộ gia đình dân tộc H'Mông, Giáy, Dao, Tày đang sống trong vùng lõi và vùng đệm của vườn quốc gia Hoàng Liên. Do đó, để bảo tồn hệ sinh thái, môi trường ở đây nghĩa là vừa phải bảo vệ sự đa dạng sinh học vừa đảm bảo cuộc sống cho bà con mà không bị áp lực vào khai thác tài nguyên rừng.
Từ việc cộng đồng dân tộc chung tay bảo vệ rừng...
Theo tạp chí Thế giới di sản (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), vườn quốc gia Hoàng Liên được chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong chương trình bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ Môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.
Do sự nở rộ của du lịch và các hoạt động khai thác lâm thổ sản của người dân, vườn quốc gia Hoàng Liên đứng trước nguy cơ bị xâm hại, biến thành bãi rác do nhiều du khách tự phát cây mở lối đi, hạ trại, đốt lửa, xả rác, mặc sức chặt cây tỉa cành.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, diện tích rừng nguyên sinh trong vườn quốc gia Hoàng Liên vào năm 2016 chỉ còn khoảng 30%, tốc độ suy thoái rừng tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân can thiệp khá sâu và không có kế hoạch của con người.
Từ năm 2003 trở lại đây, ban quản lý của vườn quốc gia Hoàng Liên đã ký kết với các hộ dân trong vùng tham gia bảo vệ và phát triển vườn. Đã có trên 300 hộ dân ở 6 xã vùng đệm và các trưởng thôn bản, các trưởng dòng họ ký cam kết tham gia bảo vệ rừng và thú rừng; phát triển du lịch cảnh quan sinh thái nhưng không xâm hại đến rừng, không vứt rác thải, hóa chất gây tác động xấu đến môi trường sinh thái của vườn.
... đến thành lập Hợp tác xã Hoàng Liên
Vào cuối tháng 10, một tin vui đã đến với cộng đồng dân tộc hai xã Hoàng Liên và Tả Van khi Hợp tác xã Hoàng Liên được khai trương tại xã Tả Van, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai.
Theo website của Liên minh các hợp tác xã tỉnh Lào Cai, mục tiêu của hợp tác xã Hoàng Liên là tập trung vào phát triển các sản phẩm vốn là thế mạnh địa phương, phù hợp với sinh thái và môi trường, giảm thiểu rác thải trong quá trình sản xuất.
Hợp tác xã Hoàng Liên có 14 thành viên nòng cốt là người dân tộc Hmông và Giáy, sống trong vườn quốc gia Hoàng Liên, nuôi khát vọng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp bản địa chất lượng từ nông trại.
Các xã viên cam kết tăng cường thực hành nông nghiệp sinh thái và thiết lập các hệ thống sản xuất bền vững hài hòa với thiên nhiên và cộng đồng địa phương.
Cũng tại lễ khai trương, triển lãm ảnh “Hệ thống lương thực bền vững” được tổ chức nhằm quảng bá thực hành canh tác nông nghiệp sinh thái bền vững của các hộ gia đình trong vườn quốc gia Hoàng Liên. Theo đó, hệ thống lương thực bền vững là một hệ thống cung cấp thực phẩm tốt cho sức khỏe và tạo ra môi trường bền vững xung quanh nó.
Theo website của Công ty Công nghệ Sinh học WAO, nông nghiệp bền vững là một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi trong đó người sản xuất sử dụng những kỹ thuật nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, đồng thời đối xử tốt với vật nuôi. Điều cốt lõi làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường. Đồng thời cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Quỳnh Châu