Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Khi đồng tính không còn là vai phụ trên phim, kịch

VÂN KHÁNH -

Sau Yêu, một bộ phim khác đề cập khá trực diện và táo bạo về đề tài đồng tính nữ, Valentine trắng được công chiếu từ ngày 11-3 một lần nữa cho thấy đồng tính đang là mảng đề tài ngày càng được các nhà làm phim, quản lý sân khấu chú ý khai thác trong thời gian gần đây.

Phụ thành chính

Cảnh-trong-phim-Hotboy-nổi-loạn Cảnh trong phim Hotboy nổi loạn.

Nếu như trước đây các nhân vật đồng tính, song giới và chuyển giới (LGBT) chỉ được xem là những vai diễn phụ, góp phần tạo nên những nét chấm phá, những “gia vị” được nêm nếm cho phim ảnh, sân khấu thì trong vài năm trở lại đây, họ đã trở thành trung tâm của các tác phẩm nghệ thuật. Ở phim ảnh, đề tài LGBT xuất hiện từ phim ngắn, phim truyền hình đến các tác phẩm điện ảnh: Hotboy nổi loạn, Cầu vồng không sắc, Chơi vơi, Cảm hứng hoàn hảo, Vũ điệu đường cong, Để mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Nàng men chàng bóng, Lạc giới, Yêu... và mới nhất là Valentine trắng.

Vấn đề giới tính gần như có mặt ở hầu hết các sân khấu. Đôi khi đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong vở kịch như mối tình đơn phương của ông quản gia và ông chủ trong vở Cần có ai đó để yêu thương (sân khấu Idecaf), hay sự sắp đặt sai lầm của ông tơ bà nguyệt trong Thần tiên cũng nổi điên (sân khấu Thế Giới Trẻ)… Nhưng khi giới tính đang trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm thì những nhân vật thuộc cộng đồng LGBT trở thành nhân vật trung tâm của hàng loạt vở diễn: Chuyện của sao, Xóm trọ 3D, Bí ẩn cà phê 3D (sân khấu Hồng Vân), Trót yêu (sân khấu Thế Giới Trẻ), Tình như trang giấy trắng (sân khấu Hoàng Thái Thanh), Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông, Chuyện tình Lương Chúc (sân khấu Trịnh Kim Chi)…

Chạm đến đề tài những người thuộc cộng đồng LGBT – thể loại vốn được các nhà làm phim, làm sân khấu cho là rất nhạy cảm, bởi ranh giới giữa cảm xúc chân thật và tự nhiên chủ nghĩa, kích thích sự tò mò nhằm câu khách rất mong manh. Nhưng có những tác phẩm vẫn bước qua được ranh giới mong manh ấy để ít nhiều chạm được vào cảm xúc của người xem.

Một trong những bộ phim được nhắc đến là Lạc giới của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Bộ phim kể lại góc khuất của những người trong cuộc khi bị giằng xé nội tâm với mối tình tay ba giữa hai người đàn ông và một phụ nữ. Không chỉ cuốn hút người xem bằng câu chuyện kịch tính, Lạc giới còn là những cảm xúc về sự nghiệt ngã, những góc khuất bi thương trong tâm hồn của từng nhân vật. Bộ phim là khát khao của những người “lạc giới”, mỗi con người, dù đồng tính, dị tính hay lưỡng tính đều ước mơ có một cuộc sống, tình yêu bình thường.

Tương tự, Hot boy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng là phim rất đáng được khích lệ. Phim chinh phục nhiều đối tượng khán giả bằng cách kể rất chân thực nhưng đầy đặn cảm xúc về một phần cuộc sống, sự dằn vặt, nỗi niềm và cả ước mơ của người đồng tính – những người vẫn đang bị một bộ phận công chúng trong cộng đồng nhìn bằng ánh mắt đầy kỳ thị.

Ở mảng đề tài đồng tính nữ, Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đã từng làm nên chuyện khi đề cập đến tình yêu “khác lạ”, những cảm xúc bản năng, những dằn vặt trong tâm hồn của những người phụ nữ trước nghịch cảnh của cuộc đời cứ ám ảnh người xem sau khi bộ phim kết thúc. Tất cả hệt như tựa của bộ phim: Chơi vơi.

Ít được khai thác trong cả phim ảnh lẫn sân khấu, sau Chơi vơi, mới chỉ có YêuValentine trắng đề cập đến đồng tính nữ. Tuy nhiên nếu Yêu có thể chinh phục khán giả trẻ nhờ câu chuyện khá dễ thương dù chưa phải là một bộ phim xuất sắc thì Valentine trắng lại chưa thấy các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Ở sân khấu, một số vở về đề tài này được đánh giá tốt về nội dung và tính nhân văn có thể kể như Chuyện của sao, Tình như trang giấy trắng, Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông. Các vở này không sa đà vào việc khai thác tiếng cười, mỗi vở diễn luôn có những khoảng lắng vì đã đặt được những góc khuất, khát vọng của người đồng tính và chuyển giới.

Cả những mảng tối buồn      

Nghệ sĩ ưu tú-đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: “Đồng tính là một trong những vấn đề của xã hội hiện tại. Dù muốn hay không chúng ta không thể né tránh. Do vậy, nhiều hay ít bộ phim, vở diễn về người đồng tính, chuyển giới… không phải là vấn đề mà quan trọng là cách nhìn nhận vấn đề này ra sao? Cách kể câu chuyện như thế nào? Nếu các tác phẩm chạm đúng những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, hướng đến những điều tốt đẹp, nhân văn thì đó vẫn là những tác phẩm cần được khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có được nhiều tác phẩm như mong muốn”.

Trên thực tế từng có không ít tác phẩm về đề tài đồng tính không chỉ làm tổn thương những người trong cuộc mà còn khiến khán giả cảm thấy khó chịu, thậm chí mất thiện cảm vì cách xây dựng nhân vật thô thiển, phản cảm. Một số nhà bình luận phim, sân khấu than phiền phim ảnh, sân khấu thời gian gần đây hay sa đà vào cách xây dựng các nhân vật đồng tính với điệu bộ uốn éo, quần áo màu sắc và lối nói chuyện tiếu táo… để gây cười. Hình ảnh người đồng tính vì thế trở nên lệch lạc trong mắt công chúng.

Đáng ngại hơn, vấn đề giới tính ở những bộ phim có đề cập đến chuyện đồng tính được sử dụng như cách để một số nhà sản xuất đưa “cảnh nóng” của những người đồng tính vào sản phẩm của mình. Dư luận từng bức xúc với màn khoe thân bất kể thời gian, không gian, tình huống câu chuyện; việc lạm dụng quá nhiều những cảnh “khóa môi”, mơn trớn thân thể của hai người đồng giới trên phim ảnh cũng từng bị phản ứng vì làm người xem cảm thấy phản cảm, khó chịu.

Một đạo diễn sau khi xem vở diễn đề tài giới tính thứ ba ở một sân khấu đã bày tỏ sự thất vọng: “Dù là người dễ dãi cũng khó có thể chấp nhận một vở diễn đề cập đến những người thuộc giới tính thứ ba một cách thô thiển và vụng về đến vậy. Diễn viên lên sân khấu thoại lời một cách tùy tiện, bôi bác nên vở diễn dù có cố gắng lồng ghép các ý tưởng cao cả vẫn trở nên gượng gạo và người xem thì không thể hiểu vở diễn muốn nói lên điều gì?”.

Đề tài đồng tính vốn không còn xa lạ với phim ảnh, sân khấu các nước, không ít tác phẩm về đề tài này đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho công chúng, thậm chí đã đoạt được giải thưởng danh giá. Có thể kể như Monster – bộ phim có đề cập đến vấn đề đồng tính nữ đã mang về cho Charlize Theron giải Oscar – hạng mục diễn viên nữ chính xuất sắc nhất. Hay Broke Break Mountain, câu chuyện về tình yêu đồng giới giữa hai chàng cao bồi Jack Twist và Ennis Del Mar đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất ở Oscar 2006.

Nhưng ở Việt Nam, một tác phẩm về vấn đề đồng tính xuất sắc thực sự xem ra vẫn còn đang ở phía trước. Và có lẽ cũng nên nhắc lại câu nói của đạo diễn Charlie Nguyễn khi nói về phim đồng tính: “Nếu sử dụng yếu tố đồng tính chỉ để gây cười thì thật thiếu sự tử tế”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối