Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Khi du khách chưa là thượng đế

Kết thúc năm 2022, Việt Nam đón được 3,66 triệu khách du lịch quốc tế, kém khá xa so với chỉ tiêu 5 triệu khách đề ra. Lượng khách tới Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực cả về con số tuyệt đối và so với tỷ lệ dân số. Singapore đón được 4,8 triệu khách, Malaysia 4,2 triệu khách và Thái Lan là 10,5 triệu khách. Việt Nam cần nhiều hơn những thứ đang có để có một nền du lịch mũi nhọn như mong đợi.
Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Ảnh: Minh Duy

Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế ngày 15-3-2022, các nước khác sớm hơn như Thái Lan 1-2 tháng hoặc muộn hơn một chút là Singapore vào tháng 6. Thời huy hoàng nhất trước dịch Covid-19, năm 2019, Việt Nam đón được 16 triệu khách du lịch quốc tế, nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan (40 triệu), Singapore (21 triệu), Indonesia (20 triệu), Malaysia (27 triệu).

Ngành du lịch mới đóng góp khoảng 7-9% GDP của cả nước, vẫn kém hơn các nước trong khu vực. Du lịch cần phải cải cách nhiều hơn nữa, ở nhiều phương diện, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị.

Đã đến lúc cần có những cuộc phẫu thuật nghiêm túc dù đau đớn để tìm ra nguyên nhân và kiên quyết khắc phục, nếu không sẽ không đạt được chỉ tiêu khiêm tốn là 8 triệu khách du lịch quốc tế năm 2023, trong khi Thái Lan đặt ra mục tiêu thu hút 30 triệu du khách nước ngoài với doanh thu 66 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023.

Nguyên nhân thì có nhiều, nói hoài chưa hết. Trước hết là vấn đề visa (thị thực nhập cảnh), chuyện không mới nhưng lúc nào cũng mang tính thời sự. Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 nước, còn Việt Nam chỉ cho 24 nước (đã bao gồm các nước ASEAN). Thái Lan cho phép du khách được miễn visa lưu trú ở Thái Lan đến 90 ngày, được ra vào nhiều lần, Việt Nam chỉ cho phép tối đa 15 ngày và mới đây nhất ngày 15-3-2022 quy định khoảng cách giữa hai lần xuất nhập cảnh 30 ngày mới được dỡ bỏ.

Không có cách nào để du lịch Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan với mức vênh lớn về chính sách visa. Tổng cục Du lịch đang tích cực quảng bá cho tuyến “Ba quốc gia (thậm chí bốn và năm quốc gia) – Một điểm đến” nhưng chính sách cấp visa hiện nay khiến cho mọi ý tưởng hay ho khó mà triển khai được.

Một chuyện khác tưởng nhỏ, nhưng lại tác động đến một phần đông đảo dân số thế giới. Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo.

Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy các quốc gia dành một sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. Người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần/ngày theo giờ quy định, đến giờ cầu nguyện thì đang làm bất cứ cái gì cũng phải ngừng lại để làm lễ.

Do vậy, hầu như tất cả các sân bay trên thế giới đều có một vài phòng cầu nguyện dành cho tất cả du khách theo đạo Hồi, kể cả những quốc gia không theo đạo Hồi hay có rất ít người theo đạo Hồi. Chúng ta có thể thấy phòng cầu nguyện (pray room) ở sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) – trong khi Thái Lan là quốc gia Phật giáo, người theo đạo Hồi chỉ chiếm có 3,5% dân số. Ở các sân bay Aquino (Manila), sân bay Changi (Singapore), sân bay Narita (Tokyo) và các sân bay châu Âu, Bắc Mỹ đều nhìn thấy phòng cầu nguyện trong tầm mắt.

Với người Hồi giáo thì họ chỉ sử dụng các loại thực phẩm được cấp chứng chỉ Halal. Halal theo ngôn ngữ Ảrập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép. Những món được xem là Halal phải phù hợp với chế độ ăn uống đạo Hồi đã đề ra trong kinh Coran.

Thực phẩm Halal ngoài việc không sử dụng bất kỳ loại rượu hay thức uống có cồn gây nghiện hay độc hại còn phải đựơc làm từ nguồn thực vật và động vật được xử lý theo đúng phương cách của đạo Hồi. Hầu hết các sân bay trên thế giới đều có các cửa hàng riêng biệt hay những quầy bán đồ ăn, thức uống dành cho người Hồi giáo được cấp chứng chỉ Halal.

Trên thực tế, những nhu cầu không quá cầu kỳ và phức tạp cho khách du lịch Hồi giáo dường như không nằm trong sự quan tâm của ngành du lịch Việt Nam. Ngày 17-12-2022 lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử du lịch nước nhà, một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo được ra đời tại sân bay Tân Sơn Nhất có tên gọi là Jasmine. Mới nghe qua đây là một tin vui nhưng xem xét kỹ sẽ thấy hơi kỳ.

Sân bay Tân Sơn Nhất mở ra phòng cầu nguyện rộng 300 mét vuông và khu ẩm thực Halal (nằm trong khu cầu nguyện) cho người Hồi giáo, nhưng rất tiếc nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo hay còn gọi là khách “sộp”.

Nếu nói về mục đích thu hút khách du lịch số đông thì việc ra đời phòng Jasmine này kể như chưa đạt mục đích, bởi vì 70 người được quyền cầu nguyện so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại thì quả là muối bỏ bể. TPHCM có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có ba thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện.

Đó là thánh đường Musulman, tại 66 Đông Du, quận 1; thánh đường Jamiul Islamiyah tại 459B Trần Hưng Đạo; thánh đường Al Rahim tại 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đến nay mới chỉ có 20 nhà hàng có chứng chỉ Halal của tư nhân.

Khu vực Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, hay đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực Tây Nguyên như Đà Lạt thì nhà hàng Halal và phòng cầu nguyện dường như chưa có, chỉ trừ một số ít thánh đường Hồi giáo mà khách du lịch có thể nhận được sự phục vụ.

Chính vì điều này mà khách quốc tế theo đạo Hồi đến Việt Nam còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những khách du lịch Hồi giáo đầu tiên đến TPHCM) đến trước dịch Covid-19, Việt Nam mới đón được khoảng gần một triệu du khách. Trong hai năm đầu là 408.000 lượt và năm 2017 là 335.000 lượt, đa số là đến từ Malaysia. Riêng trong năm 2022, Thái Lan đón gần 2 triệu khách du lịch quốc tế là người theo đạo Hồi.

Du khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều, tỷ lệ quay lại thấp (80% không quay lại). Du khách đến Việt Nam có thời gian lưu trú thấp (với trung bình 4,5 ngày) và chi tiêu thấp (chỉ khoảng 90-105 đô la Mỹ/người). Du khách không có gì để tiêu tiền, kể cả quà lưu niệm và thiếu chỗ vui chơi.

Gần đây nhất, trong cuộc gặp gỡ “Mekong Connect 2022”, nhiều đại biểu nêu ý kiến tình trạng du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long đơn điệu và lặp lại kéo dài lâu quá, khiến du khách nhàm chán. Tour du lịch đến các tỉnh không khác nhau nhiều, sẽ có đi ghe xuồng, lên một cái cù lao nào đó, vào vườn trái cây, ăn cá lóc nướng, xem sản xuất kẹo dừa, bánh tráng, nghe đờn ca tài tử.

Sản phẩm địa phương quanh quẩn là kẹo dừa, bánh tráng, đũa gỗ dừa (thứ mang đi xa, để lâu được). Đáng giá nhất – được coi là độc đáo của miền sông nước là chợ nổi Cái Răng lại đang “chìm” do thiếu đầu tư. Đa phần khách ca thán là không có các đồ kỷ niệm độc đáo.

Đi từ Bắc chí Nam đều gặp nón lá, tượng ba cô gái Bắc-Trung-Nam bằng gỗ hay gốm, mấy chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu. Nếu Thái Lan, Singapore được coi là thiên đường mua sắm, với Việt Nam khách không biết mua gì ngoài ăn uống.

Một vài phòng cầu nguyện ở sân bay, trong siêu thị hay khách sạn và các cửa hàng có chứng chỉ Halal phục vụ cho tín đồ Hồi giáo thực sự không chiếm nhiều diện tích, mức đầu tư không lớn và thủ tục không có gì phức tạp. Nhưng đây sẽ là điểm để thu hút được khách du lịch theo đạo Hồi và chứng tỏ sự tinh tế của chủ nhà.

Điều này tưởng nhỏ nhưng hiệu quả rất lớn, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại “Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế” sáng 21-12-2022, với khách du lịch quốc tế, chúng ta cần “Cung cấp cho du khách cái họ cần chứ không chỉ cái mình sẵn có”.

TS. Nguyễn Minh Hòa
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối