DIỄM MI -
Sau hơn hai tháng trưng bày, triển lãm Lạc chốn của nghệ sĩ Bùi Công Khánh khép lại vào ngày 21-8 bằng buổi trò chuyện thân mật giữa tác giả với những ai yêu mến các tác phẩm của ông nói riêng và nghệ thuật sắp đặt nói chung. Từ đây, những câu chuyện đằng sau tác phẩm được khơi gợi một cách tự nhiên, như tác phẩm của chính ông tại triển lãm.
Triển lãm Lạc chốn, tính đến thời điểm hiện tại, được xem là triển lãm sắp đặt lớn nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ Bùi Công Khánh. Trong hai tháng triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM, Lạc chốn đã thu hút lượng lớn người xem.
Đem tuổi thơ lên tác phẩm
Toàn bộ công trình nghệ thuật. Ảnh: Diễm Mi
Nghệ sĩ Bùi Công khánh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng nhưng lớn lên ở Hội An, Quảng Nam. Bố của ông là Bùi Nhơn, một thợ mộc có tiếng, chuyên sáng tạo với gỗ mít. Từ nhỏ, những bữa cơm của gia đình nghệ sĩ gắn liền với mít như gỏi mít, mít dầm cốt dừa, súp mít – thời đó những món ăn này cũng được xem là món ngon, món quý. Vì vậy mà Bùi Công Khánh xem mít là một loại cây gắn bó nhất với ông từ trong tuổi thơ đến sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình.
Lạc chốn là công trình được làm hoàn toàn từ gỗ mít trong vòng hai tháng. Cấu trúc trung tâm mô phỏng một ngôi nhà được chủ đích xây dựng không hoàn chỉnh, phần mái và tường không vững, những khoảng không giữa các xà nhà và các bức tường được dựng lên một cách ngẫu nhiên. Phong cách của căn nhà dựa trên những kỹ thuật kiến trúc truyền thống cổ xưa ở Huế và được bao bọc bởi bốn cây bonsai như những hộ vệ tâm linh cho cả công trình.
Một trong bốn tiểu cảnh đặt quanh nhà để bảo vệ gia chủ theo tâm linh. Ảnh: Diễm Mi
Trong buổi trò chuyện, nhiều người hỏi Bùi Công Khánh về những hình ảnh mà ông chọn để khắc lên các khuôn gió là có ý gì? Vì nếu trước đây, người ta thường chạm hình hoa mai, lan, cúc, trúc hoặc chạm tứ linh, các con vật thanh cao để thể hiện khí chất của chủ nhân ngôi nhà thì ông lại chọn hình súng, mũ lính, búa, lưới B40..., vốn là những hình ảnh của chiến tranh để chạm. Ông giải thích rằng đây là cách ông chọn để kết nối giữa quá khứ với thực tại, tái dựng một không gian sống mẫu mực thời xưa nhưng chi tiết đặt để lên lại ở giai đoạn lịch sử khác.
Không phải để nhắc lại chuyện đau buồn của chiến tranh mà ông muốn tạo không gian để mọi người cùng lắng đọng, cùng suy tưởng về những định kiến xã hội mà ta có thể vô tình mang theo, dời chuyển ra khỏi suy nghĩ của bản thân để nghĩ đến những giá trị tốt đẹp khác. Như chính 13 đòn tay gác trên mái theo vòng sinh-lão-bệnh-tử, bắt đầu từ đòn sinh, đòn gác cao nhất và kết thúc cũng là đòn sinh.
Lạc chốn đến Singapore Biennale 2016
Nghệ sĩ Bùi Công Khánh tại không gian trưng bày Lạc chốn. Ảnh: The Factory
Cuộc trò chuyện với Bùi Công Khánh trở nên vui hơn khi nghệ sĩ thông báo ông lọt vào danh sách tham dự Singapore Biennale lần thứ 5 – một trong những triển lãm nghệ thuật thị giác đương đại nổi tiếng ở châu Á diễn ra vào tháng 10 năm nay. Với chủ đề An Atlas of Mirrors, chương trình năm nay sẽ thể hiện quan điểm thẩm mỹ khác nhau về di cư và mối quan hệ đan xen trong khu vực, phản ánh lên lịch sử chung và hiện thực giữa Đông-Nam Á.
Đây không phải là lần đầu tiên Bùi Công Khánh có tác phẩm trưng bày tại các triển lãm quốc tế, trước đó có Fortress Temple tại Hồng Kông năm 2015, Mắt quay: Nghệ thuật từ Đông Nam Á tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ 2014... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bùi Công Khánh đưa tác phẩm đồ sộ nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của mình để trình làng. Ông hy vọng Lạc chốn cũng nhận được sự đánh giá cao từ người xem giống như hai tháng qua được trưng bày tại không gian nghệ thuật The Factory.