Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Khi Huế không cho túi ni lông vào di sản

(SGTT) Những ngày qua, thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi ni lông” đang được lan tỏa tại các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Túi giấy được sử dụng thay cho túi ni lông tại các cửa hàng xung quanh khu di sản Huế.

Vào những ngày này, khi du khách ghé các cửa hàng lưu niệm xung quanh khu vực Đại Nội hoặc các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, bao gồm các lăng vua, họ sẽ được tặng các túi giấy để đựng vật phẩm. Trên túi giấy để thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi ni lông”.

Không chỉ nói không với túi ni lông

Được biết, chương trình này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức. Theo đó, trung tâm khuyến khích các đơn vị trực thuộc hoạt động tại khu di sản dùng vật liệu thay thế túi ni lông và vật liệu nhựa sử dụng một lần bên cạnh không sử dụng túi ni lông và chai nhựa có thể tích nhỏ để phục vụ các hội nghị, các cuộc họp và hoạt động hằng ngày.

Đối với các cơ sở kinh doanh, từ cuối tháng 5 vừa qua cũng không sử dụng túi ni lông để gói hàng, đựng hàng cho du khách. Tại các cửa vào các điểm tham quan, túi giấy với thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi ni lông” cũng được chuẩn bị sẵn sàng, du khách nào có cầm theo túi ni lông sẽ được thay thế.

Theo ông Mai Xuân Minh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc này sẽ tạo thói quen và dần xóa bỏ hoàn toàn việc dùng túi ni lông tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. “Chúng tôi sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho các đơn vị kinh doanh khi chuyển sang dùng túi giấy để gói hàng, đựng hàng cho du khách”, ông cho biết.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Hường, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế, cho hay trong thời gian đầu, trung tâm sẽ hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ túi giấy để họ có thời gian chuẩn bị cho việc thay đổi này. Do giá bán giữa hai loại túi giấy và túi ni lông chênh lệch đáng kể, nên trung tâm đang tìm phương án thay thế tối ưu hơn.

Theo thông tin từ ông Mai Xuân Minh, tại một cuộc họp vào tháng trước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu trung tâm có phương án để tất cả các loại phương tiện hoạt động bằng động cơ xăng (ngoài phương tiện phục vụ xây dựng) không đi lại trong khuôn viên rộng 36 hecta của Đại Nội.

Điều này không chỉ góp phần tạo nên môi trường di sản thân thiện, không có khói xăng, không túi ni lông, không chai nhựa mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc tiền nhân.

Sắp tới đây, các phương tiện có động cơ xăng sẽ không được phép vào các khu di sản Huế, nhằm bảo vệ môi trường di sản. Ảnh: Nhân Tâm.

Được biết, xe điện hiện đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong Đại Nội, nhưng chủ yếu là để khai thác dịch vụ, phục vụ khách tham quan. “Không động cơ xăng trong Đại Nội thì thay thế bằng xe đạp, xe điện, thậm chí đi bộ. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là tìm điểm để xe tập trung bên ngoài Đại Nội và trung chuyển người lao động vào các điểm làm việc bên trong một cách hợp lý”, ông Mai Xuân Minh cho biết.

Lan tỏa trong du khách và cộng đồng

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, việc Huế nói không với túi ni lông này sẽ góp phần lan tỏa thông điệp tích cực trong du khách và cộng đồng vì hiện nay các khu di tích của Huế thu hút rất nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế.

Cụ thể, Ban tổ chức thường xuyên huy động sự tham gia của du khách trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ phong trào “Chống rác thải nhựa”, và “Nói không với sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” mà Sở Du lịch phát động. Trong dịp này, Sở Du lịch đã công bố mẫu chai nước thủy tinh sử dụng trong các cuộc họp của Sở với logo Ngày Chủ nhật xanh và logo của ngành Du lịch.

Sở cũng triển khai “Chương trình vì Môi trường” để quy tụ các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng, cá nhân và tổ chức cùng tham gia các hoạt động, chương trình cải thiện và bảo vệ môi trường, như: trồng cây, phục hồi tài nguyên, giáo dục cộng đồng, các cuộc thi và triển lãm về môi trường, thu gom, xử lý tái chế chất thải...

Sản phẩm nhựa và túi ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để lại những hậu quả khôn lường. Vì thế, việc Thừa Thiên-Huế thực hiện các chương trình nói không với túi ni lông và rác thải nhựa là mô hình cần được nhân rộng.

Nhân Tâm

1 BÌNH LUẬN

  1. Chương trình bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp đang được triển khai rất tốt. Hiện tượng “hô hào” có khả năng không tái diễn. Tuy nhiên, đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm thêm tình hình môi trường ở vùng thị xã, huyện, thôn, xóm… Đặc biệt chú ý việc qui hoạch gấp các cơ sở kinh doanh phế liệu đang còn trà trộn trong khu vực sinh sống của nhân dân, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và văn hóa môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối