Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Covid-19, vốn được ban bố lần đầu tiên vào ngày 30-1-2020. Động thái này báo hiệu một trong những đại dịch nguy hiểm nhất và tàn phá kinh tế nặng nề trong lịch sử hiện đại đang lùi dần và trở thành một căn bệnh truyền nhiễm thông thường.
- Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
- TPHCM: Hơn 90% ca nhập viện mắc bệnh nền, dự báo dịch Covid-19 tăng những ngày tới
Vì sao WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu?
Giải thích về tuyên bố trên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đại dịch đã “có xu hướng suy yếu trong hơn một năm qua, với khả năng miễn dịch của cộng đồng tăng lên nhờ tiêm chủng và lây nhiễm”. Ông nói điều đó đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước đây, có nghĩa là phần tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.
Trong năm qua, các chuyên gia trong ủy ban khẩn cấp của WHO đã phân tích dữ liệu Covid-19 để quyết định thời điểm thích hợp hạ mức báo động. Hôm 4-5, các chuyên gia đã khuyến nghị với Tedros rằng Covid-19 không còn đủ điều kiện là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Người đứng đầu WHO cho biết ông đã lắng nghe lời khuyến nghị đó.
Tác động thực tế là gì?
Đối với người dân bình thường, quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với Covid-19 không tạo ra nhiều thay đổi. Việc phân loại Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhằm cảnh báo các cơ quan quản lý của các nước rằng có đây là sự kiện “bất thường”, có thể gây mối đe dọa y tế cho các quốc gia khác và cần có phản ứng phối hợp để ngăn chặn nó. Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu cũng có thể thúc đẩy các nước đưa ra các biện pháp đặc biệt để chống lại bệnh tật hoặc phân bổ thêm ngân sách cho nỗ lực này.
Nhiều nước gồm Anh, Pháp, Đức và Mỹ, từ lâu đã dỡ bỏ nhiều hạn chế trong thời kỳ đại dịch. Mỹ cũng sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 11-5 tới.
Covid-19 có còn là đại dịch hay không?
Covid-19 vẫn được xem là đại dịch. Dù người đứng đầu WHO Tedros cho biết tình trạng khẩn cấp y tế liên quan đến Covid-19 đã kết thúc, nhưng ông cảnh báo loại virus này vẫn tồn tại và hàng nghìn người vẫn tiếp tục tử vong mỗi tuần. Ông nói: “Vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, có thể làm gia tăng số ca nhiễm và tử vong. Chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có nghĩa đã đến lúc các nước chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý Covid-19 như những bệnh truyền nhiễm khác”.
WHO lưu ý trong tháng 4, có gần 3 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 17.000 ca tử vong trên toàn cầu. Đáng chú ý là các đợt bùng phát ca nhiễm ở ở Đông Nam Á và Trung Đông.
Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?
Thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc vẫn chưa chắc chắn. Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, cho biết virus SAR-CoV-2 vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và sự tiến hóa liên tục của nó có thể gây ra các vấn đề trong tương lai.
“Phải mất nhiều thập niêm… để đại dịch cúm năm 1918 biến mất”, ông nói khi đề cập đến bệnh cúm Tây Ban Nha được cho là đã giết chết ít nhất 40 triệu người.
Ryan nói dù Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan trong một thời gian rất dài, nhưng mức độ đe dọa đã thấp hơn nhiều, nên không cần thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan.
Có cần phòng ngừa Covid-19 nữa không?
Các quan chức y tế cho biết virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất và khuyên mọi người nên tiêm vắc-xin, kể cả tiêm nhắc lại nếu họ đủ điều kiện.
Không giống như những năm đầu của Covid-19, độ bao phủ tiêm chủng hiện nay đã cao, giúp giảm đáng kể sự lây lan. Tuy nhiên, Simon Clarke, giáo sư vi sinh học tại Đại học Reading (Anh), cảnh báo mọi người không nên bỏ qua tất cả các biện pháp phòng chống Covid-19.
“Thông điệp gửi tới công chúng vẫn là hãy quan tâm và nghĩ đến người khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như ho nặng, đừng gây nguy hiểm cho người khác, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương. Nếu bạn khỏe mạnh và trẻ trung, Covid-19 vẫn có thể gây khó chịu và nếu bạn già yếu, nó có thể giết chết bạn”.
Chánh Tài
Theo AP, Kinh tế Sài Gòn Online