Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Khi nào mới dùng “thần dược” truyền miệng

Lương y THÁI KIM THANH NGUYÊN -

Khoa học y dược hiện đại trên thế giới ngày càng có nhiều báo cáo những bước tiến lớn về các liệu pháp điều trị như phẫu thuật, cấy ghép, gen, tế bào gốc, biệt dược… Các tin vui hàng ngày được chia sẻ tới tấp trên phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, nếu ta để ý một chút thì thật ra các bước ngoặt lớn trong y học giống như đội cứu hộ nhỏ nhoi đang cố gắng ngăn chặn làn sóng phát sinh và chuyển thể bệnh tật như nước lũ vỡ bờ.

Tình trạng chung hiện nay là con người cảm thấy kém sức bền, thể trạng suy yếu, lão hóa sớm, dễ nhiễm và phát bệnh. Thế nên, người ta thường lâm vào trạng thái “khủng hoảng thuốc men”, và dễ dàng bị cuốn hút vào những thông tin về các loại loại thuốc truyền miệng và các loại “thực phẩm chức năng” – nhất là các loại cây và các sản phẩm được gán cho là “thần dược” chữa bá bệnh và chữa được ung thư chỉ sau một thời gian ngắn.

Ngày nay, có thể nói rằng con người đã bệnh từ trong trứng bởi gen di truyền yếu kém dễ bị mầm bệnh xâm nhập ký mã và danh mục bệnh di truyền không ngừng được gia tăng. Con người trở nên như vậy chắc chắn do môi trường thiên nhiên dần bị hủy hoại, một bầu không khí hết sức ô nhiễm. Đến nhu cầu tối thiểu như hơi thở, hạt gạo, ly nước uống mà không còn đảm bảo an toàn thì lấy gì nuôi trồng ra những cây thần dược được xen canh đại trà với rau quả như một cách làm kinh tế.

Kho-qua1

Công bằng mà nói, những loại thảo dược này cũng đã mang lại không ít hiệu quả cho một số người may mắn. Đồng thời, cũng đã vô tình gây ra những tác dụng ngược khi chọn dùng nó không đúng cách, không đúng bệnh và không đúng thời điểm.

Mua bảo hiểm y tế

Tuy rằng thuốc cấp miễn phí hoàn toàn hay một phần từ bảo hiểm y tế (BHYT) có vẻ như rất bình dân, nhưng thực sự nó vẫn thích hợp cho những thể bệnh thông thường. Với giá thuốc như hiện nay và chất lượng thuốc mà BHYT cung cấp theo danh mục hầu như đủ khả năng giải quyết nhiều bệnh ở một mức độ mà đa số bệnh nhân đang mang và có nguy cơ biến chứng nếu không chữa trị kịp thời. Như vậy, chỉ vài trăm ngàn đồng đóng phí cho mỗi năm cho BHYT tự nguyện, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về mặt trị liệu cho một cơ thể còn hoạt động hiệu quả trong công việc, gia đình và xã hội.

Nếu cơ thể thích hợp thảo dược, chúng ta nên đăng ký khám ở những bệnh viện có khoa Đông y hoặc bệnh viện y học cổ truyền, thậm chí tại những trung tâm đa khoa Đông Tây y tư nhân có liên kết với hệ thống BHYT. Lợi thế khi khám BHYT là bệnh nhân được theo dõi đúng phác đồ, cấp thuốc thích hợp. Người dùng chỉ đóng bù thêm chút ít khi phải dùng thuốc đắt tiền hơn giá quy định mỗi đợt. Muốn yêu cầu thực hiện thêm những biện pháp cận lâm sàng khác hoặc chuyển đổi sang phương thức điều trị cao cấp hơn thì người bệnh chỉ trả những phần đó theo mức giá đã được hỗ trợ.

Thực dưỡng

Hàng ngày chúng ta đã đưa vào cơ thể quá nhiều những thứ độc hại hoặc những thực phẩm không phù hợp với cơ thể hơn là những thứ cần thiết thông qua khói bụi xe cộ, chất thải công nghiệp, đồ cũ tích lũy, nước uống, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp bảo quản lâu, quà vặt không rõ xuất xứ, gió mưa ngập nước... Để tự nhận định được sự bất cập đó, ta nên bỏ ra một ngày để liệt kê lại những thứ chủ yếu nào chúng ta đã thu nạp từ thực đơn, thói quen, nếp sống, cộng đồng, môi trường và những sự bất đắc dĩ. Có thể tự chọn lại, tự sắp đặt lại, tự tạo điều kiện hoặc cách ly – để tiếp nhận được càng nhiều yếu tố hữu ích và loại đi những yếu tố bất lợi – thì chúng ta đã cải thiện được ít nhất 50% bệnh tật.

Mặt khác, chúng ta có thể đem bảng liệt kê đó đến nhờ sự tư vấn của trạm y tế gần nhà, hoặc một lương y-bác sĩ-y sĩ, họ sẽ cho chúng ta biết cần tiếp tục và thay đổi những gì.

Mỗi ngày dành ra hai lần, mỗi lần 10 phút vào sáng sớm và trước khi ngủ để tập những động tác thích hợp với cơ thể và tuổi tác là một liều thuốc vừa tốt, lại không mất tiền. Đó có thể xem là cách bảo vệ sức khỏe hết sức đơn giản, ai cũng có thể làm được mà không tốn quá nhiều tiền hay thời gian.

Khi nào thì dùng “thần dược” truyền miệng?

Như phần đầu đã nói, chúng ta chỉ dùng những cây thuốc Nam truyền miệng khi biết dùng đúng cách, đúng bệnh và đúng thời điểm. Muốn dùng đúng bệnh đúng cách thì chúng ta phải tìm hiểu tính năng của cây thuốc đó trong những tài liệu tin cậy đã được cấp phép xuất bản, xem chúng có thật sự bổ sung được vào chỗ khiếm khuyết của cơ thể hay không. Nếu nó cung cấp vào chỗ thừa thì chắc chắn sẽ phát sinh tác dụng ngược hoặc bệnh sẽ âm thầm biến chứng khó lường. Nhất thiết phải tuân thủ đúng luật âm dương, quy đúng tạng phủ, đúng luật hàn-nhiệt, trên-dưới, trong-ngoài, mới-cũ, bổ-tả và nhiều nguyên tắc khác của học thuyết Đông y. Tuyệt đối không dùng vị thuốc có tính quá mát (đại hàn) hay quá nóng (đại nhiệt); hơn nữa, phải giới hạn những thức ăn uống và thời tiết đồng tính nóng lạnh với vị thuốc chọn dùng để tránh trạng thái cộng hưởng thái quá. Thí dụ, đã nấu nước khổ qua rừng hoặc atiso uống trong ngày thì phải kiêng dùng nước dừa, bầu bí, thanh long, dưa hấu, uống trong ngày mưa gió… vì tất cả đều có tính mát lạnh.

Chúng ta chỉ có thể tạm tự dùng cây thuốc Nam truyền miệng một thời gian ngắn sau khi đã trải qua đủ liệu trình các giải pháp khám chữa bệnh từ phòng khám đến bệnh viện Tây y, Đông y mà vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể. Ngoài ra, có thể dùng khi đang ở vùng sâu vùng xa, chưa kịp có điều kiện chuyển tuyến tỉnh, thành và được sự đồng ý của bác sĩ trạm xá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối