Hồng Ngọc -
Cuối tháng 2 vừa qua, Tòa án Nhân dân TPHCM đã ra quyết định mở thủ tục phá sản một công ty là chủ đầu tư dự án bất động ở quận 2, hành động hiếm thấy của cơ quan pháp luật trên thị trường bất động sản từ trước tới nay.
Quyết định nói trên bắt nguồn từ tranh chấp pháp lý mà khách hàng kiện chủ đầu tư đòi trả lại tiền mua nhà và tiền bồi thường chậm bàn giao nhà với số tiền hơn 2,6 tỉ đồng. Một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM phát biểu trên báo chí rằng, quyết định mở thủ tục phá sản chủ đầu tư nói trên là trường hợp đầu tiên một khách hàng mua căn hộ dùng kiến thức luật pháp để bảo vệ mình.
Tòa án sẽ thực hiện các bước của Luật Phá sản để bảo vệ quyền lợi của các bên. Nhưng điều đáng nói hơn là trong hàng trăm khách hàng mua nhà của dự án này, một số đã được bàn giao nhà và nhiều người đã đóng 70-90% giá trị hợp đồng nhưng chưa được bàn giao nhà đang lo lắng, bởi nếu xảy ra kịch bản chủ đầu tư bị tuyên bố phá sản, việc trả nợ, thanh lý tài sản sẽ rất phức tạp.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người mua nhà dắt chủ đầu tư ra tòa án bởi một năm trước, dư luận xôn xao về vụ kiện tụng giữa một nữ ca sĩ và chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp khi cô ca sĩ yêu cầu chủ đầu tư bồi thường 12 tỉ đồng do chậm giao một căn hộ. Ngay khi ấy, đã có ý kiến của các chuyên gia bất động sản, rằng nếu khi ký kết hợp đồng mua nhà mà khách hàng nắm chắc trong tay chứng thư bảo lãnh thì có lẽ nữ ca sĩ đã không phải vướng vào vụ tranh chấp.
Rất có thể dự án bất động sản đang bị khách hàng kiện nói trên đã có trước khi Luật Kinh doanh bất động sản ban hành năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 và Thông tư số 07/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về bảo lãnh nhà ở dự án ra đời. Nhưng trên thực tế hiện nay, người mua nhà vẫn lo lắng nếu chủ đầu tư vì một lý do nào đó mà bị phá sản.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bất động sản phải được ngân hàng bảo lãnh khi bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra cho người mua. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư né tránh, thay vào đó bằng những mập mờ khi giới thiệu, tư vấn, như dự án đã được ngân hàng tài trợ vốn và bảo lãnh nhưng thực tế chỉ là tài trợ cho khách hàng vay vốn mua nhà thông thường. Nếu khách hàng hỏi đến chứng thư bảo lãnh thì chủ đầu tư thường viện dẫn điều khoản phạt nếu chậm bàn giao tiến độ như một cách để tránh rủi ro cho khách hàng.
Mới đây, một số chủ đầu tư dùng chiêu đưa ra giấy cam kết chấp thuận bảo lãnh của ngân hàng, nhưng sau đó một thời gian, khách hàng phát hiện chủ đầu tư chẳng hề có chứng thư bảo lãnh như cam kết.
Rõ ràng, người mua nhà nên “mắt thấy tay sờ” vào chứng thư bảo lãnh khi ký hợp đồng mua nhà dự án để tránh rủi ro, tranh chấp.