Tường Lan -
Mấy năm gần đây, nhiều nhân viên văn phòng, do muốn tăng thêm thu nhập vào dịp Tết Nguyên đán nên đã tham gia bán các mặt hàng phục vụ tết theo kiểu “chia lại” hàng từ quê do mẹ trồng, mẹ làm gửi ra. Nhờ sự năng động này mà có người cũng đã kiếm được 20-30 triệu đồng để chi tiêu trong dịp tết, không phải quá phụ thuộc vào khoản thưởng tết của cơ quan.
Những người này sử dụng trang Facebook cá nhân của họ để rao bán hàng. Phần lớn số khách mua hàng là bạn bè đã quen biết trong danh sách bạn bè của chủ Facebook và đã từng thử qua món A, B, C nào đó và thấy hài lòng với các món đó. Mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm càng làm cho những món hàng từ quê không có chất bảo quản hay không chất tăng trưởng, hợp vệ sinh theo chủ nhân Facebook nói có giá đắt hơn vào những dịp lễ lạc này. Những loại đặc sản quê nhà được ưa chuộng trong dịp tết lại càng được mọi người quan tâm.
Có đủ loại hàng hóa được rao bán, từ các mặt hàng thực phẩm đồ khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ… đến những món ăn phục vụ tết, như ô mai, mứt cho đến bánh chưng, giò, thịt gà… Trong thời buổi khi mua hàng ngoài chợ, người ta không thể biết rõ về xuất xứ, chất lượng của hàng hóa thì việc mua hàng của người quen sẽ cho người mua có cảm giác yên tâm hơn. Mặc dù thường các món hàng bán theo kiểu này có giá cao hơn giá thị trường, nhưng vì sự yên tâm, người mua vui vẻ chấp nhận.
Để giữ được chân khách hàng điều mà các chủ “cửa hàng online” này phải luôn đảm bảo đó là uy tín và chất lượng. Vì bản chất của việc mua bán này là dựa vào lòng tin. Có một số người vì chạy theo lợi nhuận, đã không đảm bảo được chất lượng hàng hóa như lúc đầu, đã bị khách hàng tẩy chay. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến số tiền mà họ kiếm được, điều quan trọng hơn là họ đã làm mất đi lòng tin của những khách hàng thân quen của mình.