Hải Dương -
Khán giả Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV1 tháng 9 năm ngoái được xem Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Ngô Thanh Thanh Tú có cuộc trải nghiệm thú vị ở một làng quê Bắc Bộ, nơi mà những người nông dân đều có thể trở thành nghệ sĩ chơi vĩ cầm (violon).
Đó là làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ngôi làng mà những cô cậu học trò lớp 6, lớp 7 cho đến các ông lão 70 hay 80 tuổi đều có thể… kéo đàn violon.
Đưa violon về làng
Á hậu Thanh Tú cùng dàn nhạc violon làng Then.
Cách Hà Nội hơn 60 km theo hướng quốc lộ 1A về phía Bắc, thôn Then cũng như bao làng quê khác vẫn giữ cho mình nét thanh bình thường nhật. Nhưng nếu ai về làng Then đúng vào các ngày lễ hội, Quốc khánh, trung thu… thì sẽ bắt gặp dàn nhạc violon gắn mác nông dân biểu diễn sôi nổi ở nhà văn hóa, đình làng…
Ông Nguyễn Hữu Đưa, 82 tuổi, một nghệ sĩ violon không danh hiệu, một nhà giáo truyền thụ âm nhạc đích thực và cũng là chứng nhân sống của phong trào chơi đàn violon ở làng Then. Ông hiện vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và vẫn thường xuyên dạy cũng như chơi violon mỗi khi có khách đến thăm, hỏi chuyện.
“Thật ra trước đây cũng như nhiều làng quê khác ở Bắc bộ, dân ở Then cũng có chơi lác đác đàn cò, sáo, đàn nhị, đàn bầu. Từ năm 1930-1945, đội bát âm làng Then đã nổi tiếng khắp vùng Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay)”, ông kể lại. Người làng Then bắt đầu làm quen với một cây đàn của phương Tây đầu tiên không phải là violon mà cây mandolin. Năm 1949, do nhà khá giả nên ông Bùi Tiến Xích và Nguyễn Quang Cương đã mua được hai cây mandolin và học chơi loại nhạc cụ này.
Đến giữa năm 1956, phong trào văn hoá văn nghệ, đặc biệt là đội văn nghệ làng Then đã phát triển mạnh, lúc này ông Đưa (mới 22 tuổi) và các thành viên trong đội văn nghệ đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết là phải có thêm loại nhạc cụ mới để làm cho màu sắc dàn nhạc phong phú hơn. Chính trong bối cảnh đó ông Đưa đã lặn lội xuống thủ đô Hà Nội mua hai chiếc đàn violon. Có thêm đàn violon đã biến đội văn nghệ làng Then thêm hoành tráng ở địa phương và thu hút trên 70 người. Liền ngay sau đó 9 gia đình ở làng là các ông Hồng, Cò, Bảo, Thái, Viễn, Lơ, Cường, Vít, Tuất đã bán trâu, bò, thóc để mua đàn violon. Ông Nguyễn Văn Bình có thêm đàn violonxen (cello) và mấy người có guitar. Làng đã mời hẳn thầy Đỗ Bài, người Thị Cầu, Bắc Ninh, một nhạc công đã từng được học violon ở Pháp về dạy cho đội văn nghệ.
Ông Đưa sau khi được thầy Bài truyền dạy đã trở thành nhạc công chính và có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt nhất đội văn nghệ làng Then. Suốt từ những năm 1960 cho đến đầu thế kỷ 21, ông đã truyền dạy cho hàng ngàn học trò ở làng Then và các làng xung quanh hiểu về cây đàn violon và cách chơi nó.
Cho đến nay trải qua hơn 60 năm kể từ ngày ông Đưa mang cây đàn violon đầu tiên về làng, ở Then đã có 70% số hộ có cây đàn này và hơn 150 người (từ trẻ đến già) biết chơi thành thục.
Đội violon ba thế hệ làng then hợp xướng bài Làng Tôi năm 2005 (ảnh tư liệu chụp lại).
[box type="info"] Đội nhạc làng chinh phục đỉnh cao
Năm 1957, trong hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng tỉnh Bắc Giang, làng Then đã lấy về hai giấy khen bởi sự xuất sắc của các nhạc công Nguyễn Thị Lượng và Hà Huy Bái.
Năm 1962, đội nhạc làng Then đại diện cho tỉnh Bắc Giang đi biểu diễn tại Hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng toàn quốc tổ chức tại Thường Tín (Hà Tây cũ). Tại hội diễn này đội violon làng Then đã được Bộ Văn hóa khi đó tặng giấy khen đồng đội. Có một bản nhạc của làng Then hợp xướng biểu diễn đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu và phát thanh.
Năm 1976, dàn nhạc violon gồm 13 người làng Then đi biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội. Sau đó, đội trưởng đội violon làng Then khi đó là Hà Văn Lê được Bộ Văn hóa tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc.
Năm 1979, đội violon làng Then đã hòa tấu thành công vở chèo Tổ quốc gọi lên đường. Tác phẩm được Đài Tiếng nói Việt Nam thu và phát thanh.
Năm 1985, đội violon do anh Hà Chính, Hai Hiếu, Quang Khoa, Minh Tựa đã đoạt giải A hội diễn văn nghệ toàn quốc tổ chức tại Việt Trì (Phú Thọ).
Năm 2005, lần đầu tiên dàn nhạc violon ba thế hệ của làng Then biểu diễn trong một hội diễn toàn quốc.[/box]
Vui với violon
Chỉ cần có yêu cầu, những nông dân làng Then sẵn sàng trở thành nghệ sĩ violon thứ thiệt ngay tại nhà.
Ông Nguyễn Quang Khoa nay là đội trưởng đội violon của làng Then cho biết đa số anh chị em, các cháu tham gia tập đàn violon đều làm nông nghiệp, gắn bó với ruộng đồng. Không ai có thể tin nơi đàn violon ngự trị như làng Then lại có cả những nông dân điển hình cho sự chăm chỉ và luôn có những sáng tạo trong công việc đồng áng. Ở những cánh đồng làng Then, ruộng luôn được canh tác nhiều vụ mỗi năm. Nhiều mô hình luân canh, ghép vụ đã được người nông dân ở đây áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hà Văn Thu, một nông dân chơi violon cho biết, việc tham gia chơi đàn của người dân không hề ảnh hưởng đến chuyện làm ăn, mà ngược lại chơi đàn còn giúp chúng tôi thêm hăng say, sáng tạo trong công việc đồng áng.
Một bạn trẻ được thành viên đội violon làng Then chỉ bảo vài bước cầm đàn cơ bản.
Làng Then trở thành nơi tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Những lúc nhàn rỗi được chơi đàn, người nông dân làng Then luôn chơi hết mình, mọi tất bật đều được gác lại, để cho âm nhạc trở về vị trí độc tôn trong tâm hồn. Bên bờ ruộng, trên sườn đồi của làng ai cũng có thể bắt gặp một nhóm nghệ sĩ violon đồng quê thực thụ.
Nhà ông Nguyễn Hữu Đưa luôn có vài cây violon cũ cùng những nhạc cụ dân tộc.
Ông Nguyễn Sỹ Chư đã gần 70 tuổi, một người học trò đặc biệt của nghệ sĩ già Nguyễn Hưu Đưa lại là một trường hợp đặc biệt. Hơn 10 năm trước ông Chư bị tai nạn, rồi mắc chứng bệnh co giật đi lại rất khó khăn. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, ông quyết tâm tập luyện và tìm đến thầy Đưa để xin học violon. Suốt trong nhiều năm kiên trì, ông Chư đã kéo được những bản nhạc hay từ cây đàn violon. Đến chính thầy Đưa cũng phải cảm phục người học trò già đặc biệt của mình. Thầy giáo Nguyễn Hữu Đưa tâm sự: “Ông ấy rất quyết tâm để lấy âm nhạc xoa dịu nỗi đau và là thứ cứu cánh của tâm hồn”.
Ông Nguyễn Hữu Đưa cùng con trai kéo violon cho khách thưởng thức.
Hiện nay ông Nguyễn Quang Khoa, Hà Chính là những người truyền dạy violon chính cho lũ trẻ ở làng Then. Vào những tháng bọn trẻ nghỉ hè, những lớp học mở tại nhà ông Khoa, ông Chính lại đầy ắp tiếng nhạc, tiếng đàn. Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 8 trong đội nhạc violon làng Then nói: “Dịp hè, nhiều nơi trong và ngoài tỉnh mời chúng em đi biểu diễn, ngoài ra bọn em còn phục vụ những buổi cắm trại hè. Chính vì thế cứ lúc nào rảnh rỗi, chúng em từ cấp 2 cho đến cấp 3 lại đến nhà chú Khoa, chú Chính để tập thêm các bài mới”.
Thầy giáo Đưa trước đây và hiện nay là ông Khoa, ông Chính đều truyền dạy violon không lương. Thầy và trò đến với nhau hoàn toàn chỉ vì niềm đam mê cây đàn violon.
Cây đàn violon xuất xứ ở tận trời Tây xa xôi nhưng khi đến làng Then, nó đã trở thành thứ nhạc cụ truyền thống. Nhiều chuyên gia văn hóa, âm nhạc nhận định trên báo đài, trong các công trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật nhiều năm qua, rằng hiếm có một làng quê nào ở Việt Nam sản sinh ra nhiều nghệ sĩ nông dân, nhạc công như làng Then. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay hay nhạc công kỳ cựu như Trần Vinh, Bùi Đắc Sứ, Quốc Minh, Hà Huy Bái, Lê Văn Khánh… đều là người con làng Then, ít nhiều có liên quan tới môi trường âm nhạc… violon làng quê.