Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Khi nông dân trồng rau hữu cơ và người tiêu dùng gặp gỡ trực tiếp

Để tạo độ tin cậy cho sản phẩm hữu cơ, một số đơn vị và một số cửa hàng đã tạo không gian để nông dân và người tiêu dùng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi. Sự kết nối này giúp người sản xuất giới thiệu quy trình trồng trọt, chia sẻ khó khăn - thuận lợi; và thông qua việc trao đổi nhiều chiều, người tiêu dùng có thêm thông tin, tin tưởng vào sản phẩm hữu cơ.

Từ sự mập mờ thông tin về sản phẩm hữu cơ trên thị trường

Hồi tháng 11, tại quán Cà phê Regina (số 84 Nguyễn Du, quận 1, TPHCM), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – dự án Chuẩn hội nhập – Công ty BSAS và Công ty cổ phần Vinamit đã khai trương không gian “Organic Town – Gis Market”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết đây sẽ là nơi gặp gỡ của cộng đồng yêu thực phẩm hữu cơ (organic), là nơi để người tiêu dùng và người sản xuất gặp gỡ nhau; là nơi người tiêu dùng sẽ hiểu hơn cách canh tác cũng như tiêu chuẩn hữu cơ…

Cũng theo ông Viên, một trong những lý do khiến “Organic Town – Gis Market” đi vào hoạt động là muốn người tiêu dùng có nơi, có chỗ để hiểu hơn, hiểu chính xác về thực phẩm hữu cơ. Vị doanh nhân có nhiều năm gắn bó cùng ngành nông nghiệp này cho rằng sự mập mờ, nhập nhằng trên thị trường thực phẩm hữu cơ bao lâu nay vẫn luôn tồn tại, và làm đau đầu những người sản xuất chân chính, không ít nơi cố tình giới thiệu sản phẩm của mình là hữu cơ trong khi thực sự không phải.

“Họ nắm được tâm lý mong muốn sử dụng sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng nên họ phải nói rằng sản phẩm của họ là hữu cơ thì mới bán được”, ông Nguyễn Lâm Viên nói.

Để trở thành nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ phải có một lối suy nghĩ thực sự hữu cơ. Trong hình: Trang trại rau nhiệt đới hữu cơ Organica Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Organica cung cấp.

Ngay sau đó, vào giữa tháng 12 này, Công ty cổ phần Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng hữu cơ Organica) đã tổ chức chương trình “Gặp gỡ nông dân, thêm yêu thực phẩm”. Tại buổi đầu tiên trong chuỗi các buổi gặp gỡ của chương trình, người tiêu dùng tại TPHCM đã gặp nông dân trồng cam đến từ Nghệ An và đại diện trang trại rau hữu cơ đến từ Long Thành (Đồng Nai).

Ông Lê Văn Toàn, chủ trang trại rau hữu cơ đến từ Long Thành, cho biết hiện nay trên thị trường không khó bắt gặp những cửa hàng lớn, nhỏ gắn mác sản phẩm hữu cơ cho các sản phẩm không phải hữu cơ. Điều này, không những gây sự ngộ nhận cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới người trồng sản phẩm hữu cơ thật sự.

Về phía người tiêu dùng, chị Lưu Phương (quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ hiện nay không khó để thấy các cửa hàng giới thiệu bán thực phẩm hữu cơ cả trên đường phố và trên mạng. Tuy nhiên, trong số đó có bao nhiêu cửa hàng thực sự bán thực phẩm hữu cơ thì không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được.

“Nhiều cửa hàng quảng cáo vậy thôi chứ không rõ có thật là cửa hàng hữu cơ hay không. Đôi khi việc phân định thật – giả phức tạp, giá sản phẩm lại rất cao nên thôi tôi không mua”, chị Phương nói thêm.

Ông Bùi Thái Sơn, chủ vườn cây trái tự nhiên Nature Farm (Bình Phước) cho biết, việc người sản xuất gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng về sản phẩm không dễ để thực hiện bởi cuộc sống bận rộn, không phải người sản xuất hay người tiêu dùng nào cũng có thời gian đến các buổi gặp gỡ. Tuy nhiên, cần phải có những buổi trò chuyện, trao đổi để người tiêu dùng thêm hiểu, thêm yêu thích và tin tưởng lựa chọn thực phẩm hữu, về phía người sản xuất cũng có thêm động lực vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất.

Sản xuất hữu cơ phải có lối suy nghĩ hữu cơ

Ông Bùi Thái Sơn chia sẻ, vì ước muốn tiến tới mô hình có vườn cây trái đủ loại xung quanh nhà, an toàn, lành nên ông đã chọn trồng cây theo phương pháp hữu cơ.

Tuy nhiên, đó là cả một hành trình dài, tốn kém tiền bạc, sức lực và phải kiên trì mới theo đuổi được.

“Thời gian đầu, do có tham vọng rất lớn nên tôi đã chuyển toàn bộ 30 héc-ta ổi trồng theo cách thông thường sang hữu cơ, sau một thời gian theo đuổi nhìn lại nguồn lực tài chính, nguồn lực quản trị và đầu ra khá bấp bênh và trước áp lực của gia đình, tôi phải thu hẹp diện tích từ 30 xuống còn 5 héc-ta để có thể tự vận hành, tự duy trì nông trại mà không phải đầu tư thêm tiền bạc và công sức”, ông Sơn kể.

Được biết, hiện nay ổi hữu cơ trồng tại vườn của ông Sơn đã được 4 năm, sản lượng 500kg/tháng và sản phẩm được bán vào hệ thống phân phối của công ty Organica cùng các cửa hàng thực phẩm hữu cơ khác.

Một câu chuyện thu hút khác đến từ chị Trần Thị Tuyến, chủ trang trại trồng cam quýt hữu cơ ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Sau khoảng ba năm bỏ phố về quê để trồng cam, quýt hữu cơ, chị Tuyến bộc bạch rằng làm nông nghiệp hữu cơ phải chấp nhận năng suất thấp vì không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu nên không thể đẩy năng suất lên.

Mặc dù đã mở rộng được diện tích vườn cam từ 1,1 héc-ta (năm 2018) lên 2,3 héc-ta (năm 2020), sản lượng cam, quýt cũng đã tăng so với năm đầu tiên, giá bán nếu so với cam, quýt canh tác theo phương pháp thông thường cũng cao hơn, thế nhưng hiện tại thu nhập vẫn chưa bằng tiền lương của hai vợ chồng chị trước đây.

Từ kinh nghiệm của bản thâm, ông Nguyễn Lâm Viên của Vinamit cho rằng cái khó khăn nhất của thực hành nông nghiệp hữu cơ đó chính là yếu tố con người và nhận thức của con người.

Theo ông, suy nghĩ ăn sâu trong tiềm thức của rất nhiều người nông dân Việt Nam, thậm chí cả những người nông dân trí thức đó là trồng trọt, nếu có bệnh thì phải điều trị. Mà điều trị bằng thuốc (tức thuốc bảo vệ thực vật, tiến bộ hơn là thuốc sinh học). Họ chưa “vỡ” ra được rằng, cách điều trị này chính là “giết” – giết đất đai, nguồn nước, giết chính cây trồng và cách điều trị này chỉ là giải quyết phần ngọn. Cách quan trọng và lành hơn đó chính là phải có giải pháp sinh học (làm sao tạo ra môi trường cộng sinh – xua đuổi – khắc chế bệnh).

Vì vậy, thay đổi suy nghĩ trong thực hành nông nghiệp hữu cơ là vô cùng khó khăn nhưng nó là điều vô cùng quan trọng.

“Nếu nhà đầu tư sản xuất hữu cơ không làm thay đổi được ý thức, suy nghĩ sâu xa của người nông dân thì mọi cố gắng có khi cũng đổ sông đổ biển hết”, ông Nguyễn Lâm Viên tâm sự.

Ông cũng nói rằng, cho dù người sản xuất chọn lấy chứng nhận hữu cơ nào cho sản phẩm của mình thì một trong những điều kiện cơ bản và cũng là nguyên tắc theo ông là chuẩn xác nhất mà đơn vị chứng nhận quốc tế yêu cầu đó là họ xem người sản xuất có thực sự hiểu và tuân thủ về sản xuất hữu cơ hay không (ví dụ, hiểu về sức khỏe cho cây, cho đất, cho cả người sản xuất…).

Vị doanh nhân này dẫn chứng sự kiện từ ngày 1-1-2021, EU sẽ thực hiện quy định mới về sản phẩm hữu cơ. Trong thông báo của mình tới các các nhà sản xuất, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển có viết rằng “để trở thành nhà cung cấp sản phẩm hữu cơ cho châu Âu, nhà sản xuất phải có một lối suy nghĩ thực sự hữu cơ”.

Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Organica cho biết bà nhận được khá nhiều lời mời hợp tác từ người nông dân. Nhưng cái khó nhất là tìm được những người thực sự muốn làm thực phẩm hữu cơ, muốn sự phát triển bền vững.

“Tìm được người nông dân thấy vui, thấy hạnh phúc khi làm nông nghiệp hữu cơ thì việc hợp tác mới bền lâu, con đường đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng mới thực sự có ý nghĩa”, bà Thảo nói.

Chia sẻ thêm về quá trình tạo ra sản phẩm hữu cơ, ông Lâm Viên cho biết, để một sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, trong điều kiện đất, nước đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ mất khoảng một năm. Thế nhưng điều kiện đất, nước, đảm bảo kia không phải dễ dàng mà đạt được, nó phụ thuộc vào từng vùng đất. Ví dụ, đối với một số khu đất tại thung lũng trên Đà Lạt Vinamit chỉ mất một năm để cho ra sản phẩm hữu cơ, nhưng có những vùng đất tại Bình Dương thì mất những ba năm.

Vũ Yến

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối