THANH DƯƠNG -
Áo khoác chống nắng, một sản phẩm quen thuộc với khá nhiều phụ nữ khi đi xe máy trên đường phố hiện nay. Mùa lạnh, áo khoác giúp giữ ấm cơ thể; mùa nắng, áo khoác giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng gay gắt khi phải di chuyển ngoài trời. Nhưng liệu các loại áo khoác chống nắng có chống được tia tử ngoại (tia UV) như lời quảng cáo gần đây của các trang bán hàng trực tuyến?
Sốt áo chống nắng
Ở các chợ, siêu thị, áo khoác hay áo chống nắng được bày bán khá phổ biến, kiểu dáng đa dạng: kéo khóa, cài cúc, có mũ trùm đầu, một lớp hay có thêm lớp đệm lót bên trong… Tại chợ Tân Bình hay chợ Cây Gõ, quận 6, giá mỗi chiếc áo khoác dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng một chiếc tùy vào chất lượng và kiểu dáng. Bên cạnh đó, các phụ kiện chống nắng đi kèm cũng đa dạng không kém như chân váy chống nắng có giá 80.000-120.000 đồng/chiếc, găng tay, tất… có giá 20.000-60.000 đồng/chiếc tùy vào chất liệu vải và độ dài. Đây là những loại áo bình dân được may thủ công, không quá cầu kỳ về kiểu dáng và chất liệu, phù hợp với túi tiền của đa số người lao động hay những người có kinh tế eo hẹp.
Ngoài ra, những ai có nhu cầu sang hơn sẽ quan tâm đến dòng áo chống nắng được nhập từ Nhật, được các trang bán hàng online giới thiệu là của hãng Uniqlo, với giá trên dưới 500.000 đồng. Anh Thế Vinh, nhân viên tư vấn của trang web bán hàng trực tuyến xachtaynhat.net cho biết, nhiều khách hàng chọn áo chống nắng Uniqlo của Nhật là vì có giá phù hợp, 450.000-500.000 đồng/chiếc, áo có thể chống được tia UV (tia tử ngoại), chất liệu vải mát lạnh không gây khó chịu cho người mặc.
Trên trang web bán hàng cũng giới thiệu về công dụng của áo là được may bằng chất liệu vải UV Cut, loại vải được sản xuất riêng cho các sản phẩm xuân hè. “Triết lý của ngành công nghiệp dệt may của Nhật là thời trang phải sành điệu nhưng đồng thời bảo vệ làn da của người mặc”, anh Vinh nói thêm.
Dạo quanh các trang web bán hàng khác như maiam.vn, uv100.vn, thoitranggiadinh.vn, các loại áo chống nắng được quảng bá là có khả năng “ngăn chặn trên 90% tia tử ngoại (UV), ngừa lão hóa, phòng chống ung thư da...”. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, áo khoác chống nắng đang gây sốt đối với nhiều phái đẹp hiện nay.
Nhìn bề ngoài, loại áo chống nắng này không khác nhiều so với áo thun dài tay mùa thu hay áo gió có mũ, tay áo dài che cả bàn tay, màu sắc trang nhã, không nhiều họa tiết màu mè như loại áo chống nắng thường. Theo lời giới thiệu của chị Phương, nhân viên tư vấn bán hàng trang web uv100.vn thì những sản phẩm áo chống nắng mà chống được tia UV là hàng nhập ngoại, có chứng nhận của Cục Bảo vệ an toàn bức xạ năng lượng nguyên tử Australia về chỉ số UPF (chỉ số chống nắng đối với vải vóc). Chị cho biết các sản phẩm có chỉ số UPF 50+, tỷ lệ che UV có thể đến 100%. Do có nhiều tính năng, lại là hàng nhập ngoại, nên giá khá đắt, mỗi chiếc áo giá 1-2 triệu đồng. Khẩu trang, găng tay chống nắng cũng có giá 300.000-500.000 đồng/chiếc. Tuy giá cao nhưng loại áo này vẫn được nhiều chị em văn phòng, công sở lựa chọn.
Có chống được tia tử ngoại?
Với giá mắc gấp 3-4 lần so với những sản phẩm chống nắng thông thường, nhưng liệu công năng của những sản phẩm chống nắng ngoại nhập có thực sự như lời quảng cáo, có đáng “đồng tiền bát gạo” mà nhiều chị em bỏ ra hay không? Bác sĩ Lê Duy Hải, chuyên khoa da liễu của Bệnh viện Bưu Điện 2 TPHCM, nói: “Áo chống nắng có thể bảo vệ da khỏi tác hại từ các tia tử ngoại tốt hơn việc bôi kem chống nắng, nhưng người mua không nên vội tin những lời quảng cáo từ các trang mạng về loại áo này, cần tìm hiểu kỹ về chất liệu vải cũng như nguồn gốc của sản phẩm. Các sản phẩm cản được ánh sáng là có thể chống được tia tử ngoại, vì vậy loại áo có vải dày đều có thể cản được tia UV, không nhất thiết phải mua áo chống nắng tiền triệu như lời quảng cáo”.
Theo lời khuyên từ bác sĩ Lê Duy Hải, người tiêu dùng nên chọn mua áo có màu sáng sẽ phản chiếu bức xạ mặt trời tốt hơn những áo màu tối, vì màu tối dễ hấp thụ bức xạ, không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, không nên chọn các loại áo có vải mỏng, nhẹ, sợi dệt thưa… sẽ không có khả năng chống nắng, bảo vệ da. Cần tránh ra ngoài vào buổi trưa, thời điểm tia tử ngoại mạnh nhất. Còn khi trời có mây thì tia tử ngoại bị hấp thụ nên không mạnh.