Huệ Nghi
Đời sống xuất bản gần đây xuất hiện nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về dịch thuật, đặc biệt dịch thuật văn học. Có những cuộc tranh luận tác động trực tiếp đến thị trường sách, can thiệp trực tiếp đến việc kinh doanh của đơn vị đầu tư, xuất bản sách.
Áp lực về chất lượng dịch thuật
Các diễn đàn tranh luận về dịch thuật sách văn học được mở ra khắp nơi, sôi nổi từ trên mạng đến những hội thảo chính thức đang cho thấy một điều: độc giả đang quan tâm đến công việc của các dịch giả – những người thông qua công việc dịch thuật, giới thiệu, tiến cử những tác phẩm mới đến từ bên ngoài.
Mới đây, sau một cuộc ra mắt về bản dịch Lolita có hiệu đính lại của dịch giả kỳ cựu Dương Tường tại Hà Nội, dịch giả Lê Hồng Sâm đã chia sẻ với phía Nhã Nam (đơn vị đang giữ bản quyền tác phẩm Lolita của Vladimir Nabokov tại Việt Nam) đại ý rằng, thời của bà, những bản dịch ra đời thường rơi vào im lặng chứ không có được sự phản hồi, tranh luận sôi nổi về chất lượng dịch thuật để người dịch có dịp xem lại mình như hiện nay. Có thể hiểu ngụ ý của bà Sâm đó là, những tranh luận về dịch thuật, đứng trên quan điểm chuyên môn, thì là tín hiệu lạc quan cho môi trường xuất bản; đứng về phía tiêu dùng, thì hứa hẹn sau những cuộc tranh luận, độc giả sẽ có nhiều chọn lựa và trong số ấy sẽ có những chọn lựa tối ưu.
Trên thực tế, những cuộc “phẫu thuật” chất lượng các bản dịch thiếu chuẩn xác, không đảm bảo các tiêu chí khách quan thời gian gần đây đã khiến nhiều công ty sách phải thu hồi và chỉnh sửa dịch phẩm để cuối cùng bạn đọc có thể có những bản dịch ổn nhất. Thành phần tham gia các cuộc tranh luận đó có thể là dịch giả với nhau, cũng có khi là những độc giả trẻ – những người có thể tiếp cận thông thạo văn bản nguồn (bản gốc) tác phẩm từ tiếng nước ngoài.
Cơ chế phản hồi của giới làm nghề dịch thuật và độc giả đã tạo ra áp lực buộc các nhà xuất bản, đơn vị làm sách phải rà soát, biên tập, xử lý kỹ hơn những dịch phẩm của mình và cũng đồng thời buộc các dịch giả phải cẩn trọng hơn trong chuyển ngữ và giới thiệu tác phẩm nước ngoài tới độc giả trong nước.
Những cuộc tranh luận về chuyên môn dịch thuật thường khôn cùng, vì đơn giản, nói như T.S. Hồ Đắc Túc trong một hội thảo chủ đề “Dịch giả văn học, kẻ đồng sáng tạo hay con khỉ của nhà văn?” (diễn ra tại Đại học Hoa Sen sáng 6-6) thì: “Dịch là quan điểm”. Ông giải thích thêm rằng: “Tùy định vị của dịch giả thế nào thì sẽ có một văn bản dịch theo thế ấy. Có người chọn dịch chính xác theo từng đơn vị câu, từ, thậm chí trung thành với bản gốc đến từng dấu chấm, dấu phẩy, nhưng cũng có những dịch giả chọn dịch không khí, văn phong”.
T.S. Hồ Đắc Túc, tác giả cuốn Dịch thuật và tự do (Đại học Hoa Sen, Phương Nam & NXB Hồng Đức ấn hành) cũng cho rằng, dịch giả có thể xác định phong cách riêng trong các dịch phẩm của mình và một trong những dịch giả ông ngưỡng mộ, nhìn thấy yếu tố phong cách rõ ràng nhất, đó là học giả Nguyễn Hiến Lê. “Nguyễn Hiến Lê dịch, đọc là biết ngay. Văn phong nhẹ nhàng, trau chuốt, gần gũi, tự nhiên… cho dù ông dịch Quẳng gánh lo đi và vui sống hay Chiến tranh và hòa bình”, ông Túc nói thêm.
“Nhưng thời của những dịch giả như cụ Nguyễn Hiến Lê qua rồi. Tôi không còn tìm thấy mẫu hình dịch giả như vậy trong đời sống dịch thuật hôm nay”, một độc giả nói ngay trong hội thảo trước các dịch giả.
Thời của những độc giả thông minh
Một khi dịch thuật được quy vào quan điểm từng người dịch thì sẽ không có câu trả lời chung quyết cho câu hỏi dịch giả là ai, làm theo nhà văn hay kẻ đồng sáng tạo của nhà văn. Và đến đây, theo logic tự nhiên, độc giả – người tiêu dùng sẽ là người có thẩm quyền đưa ra đánh giá. Vai trò độc giả trong tiếp nhận tác phẩm không còn thụ động theo kiểu chờ dịch giả đem đến cái gì sẽ đọc cái đó mà đòi hỏi sự chủ động nắm bắt thông tin tác phẩm, tác giả, dịch giả và ngay cả trong việc tìm cơ hội tiếp cận tác phẩm gốc để rồi chọn thưởng thức bản dịch nào phù hợp với mình. Th.S., dịch giả Nguyễn Vân Hà (Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM) nói rằng: “Sự chủ động hồi đáp của người đọc có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống dịch thuật”.
Th.S. Trần Nguyên Khang (Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM) thì cho rằng, mặc dù bản thân ông gần đây có thói quen sưu tập sách theo tên dịch giả, song cũng chính ông đọc song song một số bản gốc và so sánh với các bản dịch. “Quả là vai trò diễn dịch tác phẩm đặt lên vai độc giả và khi việc tiếp cận tác phẩm gốc bên ngoài dễ dàng hơn, thì độc giả hôm nay đôi khi coi những bản dịch phát hành trên thị trường chỉ là một kênh tham khảo”, ông Khang nói.
Cùng một tác phẩm có nhiều bản dịch ra tiếng Việt, có những dịch phẩm trở thành nổi tiếng, bán chạy vì những cuộc tranh luận nảy lửa trên các diễn đàn dịch thuật. Quả bóng được chuyền đến chân độc giả. “Đây là thời của những độc giả thông minh, biết mình cần gì và phù hợp với điều gì để chọn lựa cho mình dịch phẩm phù hợp nhất, trong khi chúng tôi đang cố gắng làm tốt công việc của mình và những cuộc tranh cãi chất lượng dịch thuật sẽ không đi đến cùng của đúng, sai”, ông Phạm Viêm Phương, một dịch giả kỳ cựu nói.