Được xem là chất thải nguy hại nhưng cho đến nay rác thải điện tử vẫn đa phần được thu gom và xử lý theo kiểu tự phát.
>> Chỉ có khai sinh, không ép khai tử
Vài chục ngàn đồng cũng bán
Một buổi sáng tại lô H, chung cư khu công nghiệp Tân Bình (TPHCM), chị H. đồng ý bán chiếc ti vi cũ đã hư với giá 30.000 đồng. Người mua là một phụ nữ đẩy chiếc xe ba gác nhỏ. Chiếc ti vi này, theo lời chị H., là được mua từ năm 2000, lúc vợ chồng chị mới cưới nhau. Cách “giải quyết số phận” cho chiếc ti vi kia của chị H. cũng là cách mà đa phần người dân hiện nay đang làm với đồ điện tử thải bỏ: bán ve chai, đồng nát.
Từ năm 2011, theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải điện tử là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, các thiết bị điện - điện tử như máy tính, ti vi, tủ lạnh, máy lạnh… luôn được săn lùng tận nhà bởi “đội quân” thu mua ve chai. Tiến sĩ Lê Văn Khoa ở Khoa Môi trường của trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, sau khi được thu mua, những món đồ điện tử sẽ được các cửa hàng, các cơ sở sửa chữa mua lại để tân trang sau đó bán lại cho những nơi chấp nhận xài hàng bình dân. Cái không thể tân trang được nữa sẽ được tháo ra để lấy linh kiện còn dùng được. Linh kiện điện tử này được các đầu mối mua lại, phân loại và chuyển cho các cửa hàng đồ điện tử tân trang thêm bán lại cho người sử dụng. Những bộ phận có thể tái chế được như nhựa, kim loại sẽ được tách riêng, còn lại sẽ được bỏ như rác thải sinh hoạt.
Tiến sĩ Trần Minh Chí, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, người đã có công trình nghiên cứu về rác thải điện tử tại TPHCM vào năm 2012, cho rằng điểm đến cuối của những thứ không còn tận dụng được (rác thải điện tử) là thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch với hơn 92%, số còn lại được thải bỏ như rác. Hiện việc xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam chủ yếu thực hiện tại cơ sở tư nhân.
Ông Chí ước tính rằng, tại TPHCM có khoảng 550 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế và tiêu hủy chất thải, bao gồm cả rác thải điện tử. Các cơ sở này tập trung nhiều nhất tại những quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 8, quận 9... Chỉ có 7,5% các cơ sở có giấy phép hành nghề, số còn lại không có giấy phép. Hơn 97% các cơ sở này có quy mô siêu nhỏ. Còn theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Môi trường mới đây cho thấy trong 15 cơ sở tái chế rác thải điện tử được cấp phép thì chỉ có ba cơ sở đáp ứng được tiêu chuẩn về công nghệ, trang thiết bị.
[box type="bio"] Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) công bố rác thải điện tử chứa nhiều thành phần như chì (Pb); thủy ngân (Hg); cadmium (Cd); các hợp chất của brom PBBs, PBDEs; asen; CFC; HCFC... Những chất này gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Tiếp xúc nhiều với các chất này khi không được bảo hộ đúng mức có thể dẫn đến bệnh ung thư, các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thần kinh...[/box]
Càng ngày càng nhiều rác
Thống kê của Tổng cục Hải quan về kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam những năm 2000 khoảng 900 triệu đô la Mỹ thì đến năm 2009 tăng lên gần 4 tỉ đô la Mỹ. Đến năm 2013, con số này là gần 17,7 tỉ đô la Mỹ và thống kê cho chín tháng năm 2014, giá trị nhập về đã là 13 tỉ đô la Mỹ. Cũng theo thống kê, trong số này có nhiều linh kiện sẽ được tái xuất dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng rất nhiều trong số đó sẽ được tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Tại TPHCM, số liệu mà Tổng cục Môi trường ước tính cho thấy, đến năm 2020, thành phố sẽ có 700.000 chiếc ti vi, 290.000 máy vi tính, 424.000 tủ lạnh, 339.000 máy giặt và 330.000 máy điều hòa bị thải bỏ. Con số này tại Hà Nội ít hơn nhưng cũng hàng chục, hàng trăm ngàn. Còn theo ông Chí dự báo, tại TPHCM đến năm 2015, khối lượng rác thải điện tử là ti vi, máy tính, điện thoại khoảng 6.500-8.000 tấn/năm và đến năm 2020 khoảng 8.000-11.000 tấn/năm. Chính sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Đời sống kinh tế ngày một cải thiện đã làm cho việc mua sắm dễ dàng hơn. Các sản phẩm điện tử hư hỏng, lỗi thời bị thải bỏ trở thành rác đang phát triển với tốc độ nhanh gấp ba lần so với những loại khác.
Ông Nguyễn Tăng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM cho biết, công ty rất ít thu gom được rác thải điện tử, do loại đồ dùng điện tử cũ, hư vẫn được nhìn nhận là có giá trị, nên được nhiều người săn lùng mua lại. Chủ yếu công ty thu gom từ các doanh nghiệp, những thứ tái chế được như kim loại, nhựa sẽ được dùng để tái chế, những thứ không tái chế được như pin, bo mạch… sẽ được xử lý an toàn, hoặc đốt như đối với một số loại chất thải nguy hại.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Trung Việt, một chuyên gia về xử lý chất thải rắn tại TPHCM (ông Việt nguyên là Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), cho biết tại nhiều nước phát triển hiện vẫn đang áp dụng chính sách Nhà nước bỏ ngân sách hỗ trợ cho các cơ sở tái chế. Tuy nhiên, việc đầu tiên họ làm là hỗ trợ xây dựng một hệ thống xử lý, tái chế rác thải điện tử hoàn chỉnh trước khi áp dụng các cơ chế bắt buộc trong thu gom từ người tiêu dùng.
Thái Ngọc