Chánh Tài -
Sữa thực vật được chiết xuất từ các loại hạt nhiều chất dinh dưỡng như hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều, hạt đậu nành...đang dần chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Mỹ và góp phần làm sức tiêu thụ sữa bò ngày càng giảm.
Chuyển sang kinh doanh sữa hạt
Henry Schwartz, Giám đốc điều hành Công ty Sữa Elmhurst, quyết định đóng nhà máy sữa bò để chuyển sang kinh doanh sữa hạt.
Theo tờ Business Insider, Công ty Sữa Elmhurst Dairy ở thành phố New York, được thành lập vào năm 1925, từng là một trong những công ty sữa lớn nhất ở Bờ Đông của Mỹ, cung cấp sữa bò cho khoảng 7 triệu dân. Song ngày nay, sản xuất sữa bò không còn tạo ra lợi nhuận dễ dàng như trước đây. Doanh thu sụt giảm trong những năm gần đây khiến Elmhurst Dairy không còn đủ dòng tiền để duy trì hoạt động. Henry Schwartz, Giám đốc điều hành Elmhurst Dairy đã đóng cửa nhà máy sữa bò cuối cùng ở vùng ven quận Queens, New York vào cuối năm 2016 sau gần 100 năm hoạt động. Công ty của Schwartz không phá sản nhưng đã đổi tên gọi chỉ còn một từ Elmhurst sau khi chuyển sang sản xuất sữa từ hạt hay còn lại là sữa thực vật (được làm từ hạt hạnh nhân, hạt dẻ, hạt óc chó, hạt điều).
“Sau 92 năm kinh doanh, giờ đây đã đến lúc đón nhận mô hình kinh doanh mới và hướng về tương lai”, Henry Schwartz nói.
Cho đến nay, Công ty Elmhurst chỉ mới cung cấp sản phẩm cho một số cửa hàng tạp hóa ở miền Đông Nam Mỹ nhưng theo Mike Brown, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của Elmhurst, công việc kinh doanh đang phát triển bùng nổ. Mặc dù Brown không đưa ra con số doanh thu cụ thể nhưng ông cho biết Elmhurst đang đạt được doanh số mỗi tuần cao gấp đôi lời dự đoán ban đầu.
Trước khi đóng cửa, Elmhurst Dairy cung cấp sữa bò cho 8.300 cửa hàng tạp hóa và 1.400 trường công lập ở thành phố New York. Khi nhà máy sữa cuối cùng của Elmhurst Dairy đóng cửa vào năm 2016, 273 công nhân bị mất việc.
Sữa thực vật lên ngôi
Các sản phẩm sữa hạt của Công ty Elmhurst.
Quyết định đóng cửa nhà máy của Elmhurst Dairy phản ánh bức tranh khó khăn trong ngành công nghiệp sữa bò của Mỹ trong những năm gần đây do thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, người Mỹ đang uống sữa bò ít hơn 37% so với năm 1970. Doanh thu sữa bò ở Mỹ giảm xuống còn 12 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, giảm 20% so với mức 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2011. Nguyên nhân một phần là do người tiêu dùng chuyển sang các loại thức uống khác như nước ngọt, nước ép trái cây, sữa hạt...
Trong khi đó, doanh thu các loại sữa thực vật tăng mạnh từ mức 900 triệu đô la Mỹ vào năm 2012 lên 1,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016. Một cuộc khảo sát gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy nhiều người xem các sản phẩm sữa từ hạt có lợi ích với sức khỏe hơn vì chúng thường có hàm lượng calo, cholesterol và chất béo bão hòa thấp hơn sữa bò. Nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sữa hạt vì họ là người ăn chay hoặc không thích tiêu thụ đường lactose (đường từ sữa) hoặc dị ứng với sữa bò. Ngoài ra, sức tiêu thụ sữa bò giảm một phần là do nhận thức của người tiêu dùng tăng lên trong vấn đề đối xử ngược đãi đối với bò sữa cũng như những lo ngại về chất béo bão hòa, cholesterol và hormone tăng trưởng trong sữa bò.
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel vào năm 2015, 65% người tiêu dùng Mỹ xem sữa thực vật mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn sữa bò.
Nhà máy mới của Elmhurst tọa lạc ở thị trấn Elma, hạt Erie, bang New York. Tại nhà máy này, Công ty Elmhurst đã xây dựng quy trình chiết xuất sữa từ hạt. Các máy nghiền sẽ chiết xuất tất cả protein, chất béo và các vi chất dinh dưỡng từ các loại hạt. Điều này có nghĩa là Elmhurst không cần phải bổ sung các loại vitamin vào sữa hạt.
Sữa hạt của Elmhurst cũng không có chất làm trắng, chất ổn định thực phẩm, chất keo mà một số nhà máy sản xuất sữa thực vật đang sử dụng.
“Khi nhận thức và nhu cầu các sản phẩm từ thực vật tiếp tục phát triển, chúng tôi thấy rằng các sự lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ trở thành xu thế chủ đạo”, Henry Schwartz nói.
Elmhurst đang cung cấp sữa hạt cho chuỗi cửa hàng tạp hóa Publix ở các bang miền Đông Nam nước Mỹ và có kế hoạch phân phối các sản phẩm này cho các cửa hàng khác ở các thành phố Miami, Tampa (bang Florida) và Atlanta (bang Georgia) trong năm nay.
Công ty cũng lên kế hoạch bán sữa hạt qua kênh online trong vài tuần tới. Công ty đang bán sữa hạt hạnh nhân và sữa hạt óc chó với giá 4,99 đô la Mỹ/quart (0,94 lít).
Tranh cãi về tên gọi “sữa”
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ ngành công nghiệp sữa thực vật, với sự hỗ trợ từ các nghị sĩ, các nông dân nuôi bò sữa Mỹ đang phản đối các công ty dùng tên gọi “sữa” (milk) cho các loại sản phẩm sữa chiết xuất từ hạt thực vật. Đầu năm nay, một nhóm 32 nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấn chỉnh các công ty gọi các loại nước chiết xuất từ thực vật là “sữa”. Họ nói rằng các quy định của FDA định nghĩa sữa là chất lỏng tiết ra từ tuyến vú của những con bò khỏe mạnh bằng cách vắt sữa. Theo họ, các công ty sữa thực vật đang gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi gọi tên các sản phẩm của họ là “sữa”.
Song, những người chỉ trích động thái này cho rằng người tiêu dùng biết rõ họ đang mua cái gì khi họ chọn sữa hạnh nhân hay sữa đậu nành thay vì sữa bò. “Không có con bò nào chứa sữa hạnh nhân hay sữa đậu nành. Không ai cố tìm cách đánh lừa người tiêu dùng”, Michele Simon, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (Mỹ) nói.