Hồng Ngọc -
Hơn chục năm trước, khi công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam bắt đầu phát triển, thông qua Sở Thương mại TPHCM (nay là Sở Công Thương), Bộ Công Thương đã hỗ trợ kinh phí quảng bá công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trên một số tạp chí chuyên về trang trí nội thất của Mỹ, Ý, Đức.
Chương trình quảng bá mấy năm liên tục khi đó đã có tác động thấy rõ tới xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, từ năm 2010 trở về trước, ngành hàng này tăng trưởng nóng, nhất là xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Không chỉ có công nghiệp chế biến gỗ, nhiều ngành hàng khác cũng được doanh nghiệp hay cơ quan quản lý đã giới thiệu trên các phương tiện truyền thông nước ngoài ở quy mô quốc gia. Chẳng hạn, ngành du lịch thường xuyên ký hợp đồng quảng bá trên báo đài nước ngoài hay mời báo chí nước ngoài đến Việt Nam để giới thiệu tiềm năng du lịch trong nước.
Trở lại chuyện mấy hôm nay dư luận, bàn tán nhiều xung quanh thông tin chính quyền thành phố Hà Nội dự tính đầu tư 2 triệu đô la Mỹ để quảng bá hình ảnh thủ đô trong hai lĩnh vực là du lịch và thu hút đầu tư trên kênh truyền hình CNN của Mỹ. Sẽ không gì đáng nói nếu như không có chuyện một số người phản ứng và lấy lý do Hà Nội còn nhiều cái xấu, lắm cái đáng chê trách thì làm sao mà quảng bá hình ảnh ra nước ngoài.
Nếu vì viện lý do còn yếu kém mà không nên lên sóng quốc tế thì công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam mấy năm trước có lẽ cũng không được quảng bá chỉ vì đơn giản là vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Hàng đêm, nếu ai quan tâm các kênh truyền hình về du lịch, khám phá của nước ngoài hẳn sẽ không ngạc nhiên khi thấy chuyện một hãng hàng không, một hòn đảo hay một quốc gia nào đó quảng bá hình ảnh trên kênh truyền hình quốc tế là điều bình thường. Không lẽ những thành phố nào đó phải toàn mỹ trong mọi mặt thì mới quảng bá chăng? Mà ai cũng biết, dù giàu có hay hiện đại đến mức nào thì bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng có những khiếm khuyết hay chưa đẹp mắt cho lắm trong con mắt người nước ngoài.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama sử dụng đũa ăn bún chả, không ngớt lời khen ngợi món này tại một quán ăn ở Hà Nội trong tập mở đầu mùa thứ 8 của chương trình văn hóa ẩm thực, do đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain chủ trì, phát sóng trên CNN hôm 26-9 theo giờ Việt Nam được khá nhiều người xem. Chắc chắn những người có am hiểu về truyền thông khi xem chương trình nói trên sẽ nghĩ rằng điều đó ít nhiều quảng bá ẩm thực Hà Nội ra thế giới.
Tại sao người nước ngoài tới Việt Nam làm phim để quảng bá một món ăn dân dã ra thế giới thì được, còn Hà Nội, hay nói rộng ra sau này có thể có các địa phương khác, lại không thể quảng bá trên báo chí nước ngoài chỉ vì còn có những yếu kém?