(SGTTO) – Gần như ai bước chân vào quán để ăn thì khi đứng dậy tính tiền, người ít sẽ ăn năm dĩa, còn chục dĩa bánh ướt không có gì lạ và cũng chính vì vậy, quán này bàn nào cũng chất từng chồng dĩa, chỗ tráng bánh cũng chất hàng trăm cái dĩa. Xa xa mé bếp, người rửa chén dĩa của quán chất cao từng chồng dĩa trông khá lạ mắt.
Đó là quán “đặc sản bánh ướt Ninh Hòa” của chị Ánh ở số 90A Lê Thánh Tông, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Hơn năm năm trước, chị Ánh đi Ninh Hòa ở Khánh Hòa chơi, thấy vùng này có đặc sản bánh ướt, chị học hỏi và làm theo nhưng có biến tấu cho phù hợp. Mặc dù đặc sản bánh ướt của vùng duyên hải Nam Trung bộ như Ninh Hòa gần như không có kèm theo thịt nướng, có lẽ khó cuốn do bánh ướt mỏng, nhưng chị sáng tạo thành bánh ướt cuốn thịt nướng, cuốn thêm với chả lụa, dù bánh khá mỏng.
Vậy là chị mở quán và quán ngày càng đông thực khách. Bánh tráng ướt chị tráng bột gạo đã xay ra nước trên cái khuôn vải có đường kính 40-45cm, tránh mỏng. Dưới khuôn là nước để dòng hơi nóng cho chín bột nước gạo và xoong chứa nước này được nấu bằng gas.
Quán có sáu cái khuôn tráng bánh nhưng nhân công làm không kịp nghỉ. Một khuôn bánh sau khi bánh chín, người tráng dùng một cật thanh tre vạt mỏng, sắc gạch hình chữ thập để tạo thành bốn cái bánh, bỏ vào bốn cái dĩa. Vậy là mỗi dĩa bánh chỉ đúng một cái bánh mỏng tang mà ban đêm, có khi dưới ánh đèn, nhìn không thấy bánh đâu cả.
Khách dùng từng dĩa bánh, mỗi cái tính 1.000 đồng, gắp thịt nướng (một dĩa nhỏ 25.000 đồng) và chả lụa cắt nhỏ (một dĩa cũng 25.000 đồng), cùng với một ít rau kèm theo là xoài băm và dưa cải chua băm hơi nhỏ cho dễ cuốn bánh tráng, vốn quá mỏng.
Phải cuốn thật khéo thì thịt và chả lụa không bị lòi ra ngoài cuốn bánh, chấm với nước mắm đã pha sẵn hoặc mắm nêm.
Chị Ánh cho biết do mỗi dĩa chỉ có một bánh nhỏ nên quán phải có cả hàng ngàn cái dĩa, còn chuyện khách thi ăn tới 60 dĩa bánh là chuyện thường, còn bình thường đa số khách tới quán ăn từ 5 tới 10 dĩa bánh. Ai ăn khỏe thì 15-20 dĩa bánh may ra mới đủ bữa.
Hồng Ngọc