DIỄM MI -
Thời buổi công nghệ gõ cửa đến từng nhà, bao nhiêu món ăn tinh thần được bày ra trước mắt, thì thật khó lôi kéo người xem tranh tìm đến bảo tàng, phòng tranh để thưởng lãm như cũ. Nhóm họa sĩ Hồng Hạc WS Point đang làm một phương thức mới là đem tranh đi tìm... người xem.
Nơi dành cho các họa sĩ trẻ
Khách luôn đông là một lợi thế để tổ chức triển lãm.
Hợp tác với The Workshop, một quán cà phê có không gian yên tĩnh, hiện đại ở trung tâm thành phố, tại số 27 Ngô Đức Kế, quận 1, TPHCM, nhóm họa sĩ Hồng Hạc WS Point là cái tên quen thuộc cho những ai muốn xem tranh của các họa sĩ trẻ. Gần hai năm từ lần đầu triển lãm tại The Workshop, Hồng Hạc mang đến cho người xem nhiều gương mặt họa sĩ mới: Lý Hoàng Diệp Anh, Phạm Hồng Như, họa sĩ trẻ người Nhật Satoko Osiro… với các chủ đề xã hội nóng bỏng như Selfie (Ngắm mình hay Tự sướng), một thông điệp về cách sống khép kín, xa rời thực tại của các bạn trẻ ngày nay; hay triển lãm Miền xúc động là ẩn dụ về một tâm thức hướng đến sự mơ mộng tĩnh lặng của tâm hồn. Có thể trẻ về tuổi đời hay tuổi nghề nhưng khi một triển lãm cá nhân được tổ chức là quá trình phát hiện, theo dõi nhân tố mới một cách cẩn trọng.
Tranh được treo trong không gian đẹp.
“Chúng tôi quan tâm đến chất lượng hơn số lượng hay giá bán của tác phẩm. Để đến được buổi triển lãm phải có quá trình theo dõi sự tiến bộ của họa sĩ. Đặt ra nhiều yêu cầu để người cầm cọ hoạt động nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn. Những ai đam mê sẽ theo tới cùng, khi đó buổi triển lãm cá nhân là mốc đánh dấu năng lực của họ”, ông Huỳnh Phú Hà, trưởng nhóm Hồng Hạc cho biết.
Hồng Hạc không có thời gian cố định cho mỗi triển lãm của mình. Có những thời điểm liên tục các triển lãm nhưng có khi phải cách nhiều tháng mới có tác giả đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Triển lãm của Hồng Hạc cũng không muốn các phương tiện truyền thông chú ý, như lý giải của ông Hà, những họa sĩ mới làm nghề khi được tung hô từ ngay bước đầu dễ bị cuốn theo dư luận, suy nghĩ sai về năng lực bản thân. “Họa sĩ trẻ, họ cần những triển lãm quy mô nhỏ để dễ dàng tiếp xúc với người xem, tiếp thu và hoàn thiện mình”, ông nói.
Bán không được vẫn vui
Bức Cõi riêng của họa sĩ Phạm THị Hồng Loan được đánh giá cao.
Triển lãm mang tên Hội họa của Hồng Loan của họa sĩ Phạm Thị Hồng Loan là hoạt động đầu tiên trong năm 2016 của Hồng Hạc diễn ra từ ngày 11 tới 31-3 tại The Workshop. Sau gần 10 năm tay ngang từ công việc kế toán nhưng tham gia vào sáng tác tranh, Hồng Loan được Hồng Hạc phát hiện và đánh giá là nhân tố mới của làng hội họa. Trong 24 bức tranh được triển lãm, tác giả gắn liền với các con số qua chân dung tự họa, hồn nhiên qua loạt tranh tĩnh vật, sáng tạo ở mảng tranh phong cảnh… Ngoại trừ người trong nghề, người xem khó để nhớ đến Hồng Loan giữa hằng hà sa số các họa sĩ trẻ khác.
Tại The Workshop, lượng khách trong và ngoài nước đều đặn mỗi ngày. Triển lãm ngay tại quán cà phê lý tưởng khi người xem vừa trò chuyện vừa xem tranh, có thể đưa ngay hình ảnh lên mạng xã hội theo trào lưu check-in địa điểm đang ngồi thư giãn, một cách truyền thông gần gũi hơn với giới trẻ hiện nay. Bên cạnh những phản hồi người xem tương tác trực tiếp với tác giả thì số khác được nhân viên ghi lại và chuyển đến sau, khiến sân chơi nghệ thuật sòng phẳng hơn, yêu ghét được thể hiện rõ ràng hơn.
Họa sĩ Phạm Hồng Như (bên phải ảnh) tại triển lãm do Hồng Hạc WS Point tổ chức tại The Workshop vào cuối năm ngoái.
Bán được tranh cũng là một yếu tố để cân nhắc đến sự thành công của triển lãm. Được trưng bày ở một không gian hiện đại và có nhiều người trẻ, hơn ai hết tác giả biết rằng khách hàng của mình là những ai. Nên, trong một số triển lãm, tranh bán không chạy nhưng họa sĩ vẫn thấy vui vì dù gì thì tranh cũng đến được đến với người xem. Tính đến thời điểm hiện tại, triển lãm Selfie của họa sĩ Phạm Hồng Như thành công nhất về số lượng tranh đã bán tại The Workshop.
Mô hình triển lãm tại quán cà phê nếu được nhân lên rộng rãi thì tỷ lệ người xem biết đến họa sĩ trẻ và tác phẩm sẽ tăng lên. Một cái bắt tay có lợi cho nhiều phía, như cách mà The Workshop và Hồng Hạc WS Point đã làm.