Linh Nguyễn -
Khi trò chơi truyền hình thực tế (gameshow) Vietnam Idol Kids vừa khép lại với chiến thắng thuộc về cậu bé ở Tiền Giang – Hồ Văn Cường, ngay lập tức lại một chương trình thực tế khác mà thí sinh là trẻ em tiếp tục lên sóng là The Voice Kids mùa tiếp theo. Và dường như có khá nhiều gameshow như vậy trên sóng truyền hình hiện nay.
Theo thống kê sơ bộ của người viết, hiện có khá nhiều gameshow có sự góp mặt của các bé đã và đang phát trên sóng truyền hình như The Voice Kids, Người hùng tí hon, Young heat Young beat – Nhí tài năng, Con biết tuốt, Bố ơi mình đi đâu thế, Cha con hợp sức, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Đồ rê mí, Tìm kiếm tài năng MC nhí – Young MC talent, Tìm kiếm tài năng Việt, Siêu nhí tranh tài, Vietnam Idol Kids.
Dường như hễ người lớn có gameshow nào là ngay lập tức sẽ xuất hiện một phiên bản dành cho trẻ em. Một số bậc phụ huynh thì háo hức đưa con mình đi thi với ước mong các bé sẽ trở thành ngôi sao nhí. Còn các bé thì những cuộc thi như thế này chính là nơi ươm mầm và phát triển tài năng. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì những cuộc thi như thế này cũng tiềm ẩn những mặt trái mà không phải phụ huynh nào cũng lường hết được.
Không phải ngẫu nhiên mà các gameshow cho trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, lý do chính là vì những khoản lợi nhuận mà nhà sản xuất thu được. Đối với những người kinh doanh giải trí, hình ảnh trẻ em và tất cả những gì diễn ra xung quanh thí sinh nhí đó sẽ được tận dụng và khai khác cho mục đích thu hút khán giả, quảng cáo.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà các gameshow nhí này mang lại khi các bé có năng khiếu nghệ thuật có môi trường để phát huy năng lực của mình, giúp những bé tự ti, nhút nhát hòa đồng và có mong muốn phấn đấu hơn, chưa kể đam mê của các em sẽ được những nhà sản xuất nghệ thuật chuyên nghiệp trau dồi, vun đắp. Những ngôi sao nhí sáng giá đã được tìm thấy từ những cuộc thi năng khiếu nghệ thuật như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, Quang Anh, Nguyễn Thiện Nhân… Và những ngôi sao nhí này thành hình tượng, niềm mơ ước “thử vận may”, “đổi đời” của nhiều bé khác đồng trang lứa. Vậy là thực tế có nhiều gia đình đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để dắt con em mình đến “lò luyện gà” để tham gia những gameshow nhí với mong muốn trở thành “sao”.
Phần đông các thí sinh nhí tham gia những gameshow có độ tuổi 6-15, là lứa tuổi chưa hoàn thiện về thể chất lẫn ý thức, nếu một bé hát hay, xinh xắn thì được dư luận ca tụng hết lời, còn những bé hát chưa hay, ngoại hình không sáng trên sân khấu thì sẽ nhận được những lời bình phẩm không hay, đôi khi có phần cay nghiệt. Chẳng hạn như trường hợp thí sinh C., có ý kiến trên mạng Internet cho rằng vì hoàn cảnh gia đình thí sinh này nghèo, phải đi hát đám cưới từ nhỏ nên mới chiếm được cảm tình của ban giám khảo và thắng giải. Chưa kể đời tư và cuộc sống riêng của các bé hàng ngày sẽ bị xáo trộn, bị soi mói đã tác động không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và tâm lý.
Đó là chưa kể việc đưa trẻ em lên sóng truyền hình trong những cuộc thi khốc liệt mang tính cạnh tranh thương mại cao của người lớn sẽ gây áp lực tâm lý nặng nề cho trẻ em và việc tập luyện với cường độ lớn cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và việc học văn hóa ở trường.
Các nước có nền công nghiệp giải trí nổi tiếng trên thế giới hiện nay cũng đã siết chặt hoạt động của những chương trình giải trí liên quan đến trẻ em như tại Mỹ, khi trẻ em tham gia chương trình truyền hình hay xuất hiện trên truyền thông đều phải có sự cho phép của người giám hộ và một bên thứ ba giám sát. Tại Pháp cũng đã ngừng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp dành cho thiếu nữ dưới 16 tuổi để tránh việc lạm dụng hình ảnh trẻ vị thành niên. Ở Hàn Quốc, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng thể hiện sự lo lắng trước việc nhiều em nhỏ trở nên nổi tiếng qua những bộ phim, đồng nghĩa phải gánh trên vai những áp lực từ phía dư luận. Mới đây, Trung Quốc cũng đã hạn chế việc đưa trẻ em vào các chương trình truyền hình thực tế…
Tuy hiện tại nhiều gameshow cho trẻ em mang tính thương mại cao nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều chương trình được các chuyên gia đánh giá là mang tính giáo dục, điển hình là các chương trình giúp bổ sung kiến thức học tập, kỹ năng sống như Bố ơi mình đi đâu thế, Con biết tuốt, Con đã lớn khôn, Nhanh nào bé yêu, Ước mơ của em… Các gameshow này giúp các bé rèn luyện sự khéo léo, tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày đồng thời thắt chặt thêm tình cảm với bố mẹ. Chính sự kết hợp nhẹ nhàng và cân bằng giữa yếu tố giải trí và giáo dục đã giúp những chương trình này thu hút rất đông người xem
Ngay cả nhạc sĩ Thanh Bùi, người từng có nhiều năm lao động nghệ thuật tại nước ngoài cho rằng trẻ em nên được học đầy đủ những kiến thức cơ bản, được cha mẹ định hướng tốt để có cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật, việc tham gia các gameshow phải xuất phát từ chính ý muốn của các em chứ không phải bị cha mẹ thúc ép. Theo ông, hiện nay nhiều quốc gia châu Âu có gameshow nhí nhưng họ lấy giáo dục làm cốt lõi, nội dung có chiều sâu và mang tính nhân văn qua những hoạt động giải trí vui nhộn, nhằm tạo điều kiện cho các bé vừa có thể phát huy năng khiếu vừa được vui chơi học tập phù hợp với tâm lý và thể chất ở độ tuổi của mình.