Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Khi trẻ học cho cha mẹ

ĐẶNG TRUNG THÀNH - 

Cháu tôi năm nay dù đã 18 tuổi, cái tuổi được xem là chạm đến ngưỡng trưởng thành nhưng dường như cháu không có quyền quyết định gì cho riêng mình. Mọi việc đều do anh chị tôi sắp đặt, dù rằng cháu là chàng trai khá thông minh, linh hoạt, năng nổ, có nhiều thành tích ở trường.

Ngay từ nhỏ, anh chị tôi đã quyết định giùm cháu mọi thứ. Cháu thích mặc quần áo màu gì, đồ chơi gì, học thêm môn gì… đều phải được anh hoặc chị tôi duyệt mới thông qua. Thậm chí, cháu chơi với bạn nào cũng phải được sự đồng ý của ba mẹ mình. Càng lớn cháu càng mất tự do. Do sợ cháu bị bạn bè xấu rủ rê nên cháu xin đi đâu cũng bị “kiểm duyệt”. Đi học và về nhà đều được ba mẹ đưa đón (dù đã lớn tuổi) chứ không cho tự ý chạy xe đạp hoặc đi xe buýt. Có hôm, do kẹt xe, ba mẹ đến đón trễ, cháu tự ý đón xe ôm về nhà liền bị ba mẹ mắng té tát.

Khi chọn trường đại học, cháu không ngần ngại nói rằng mình đăng ký vào đại học sư phạm. Từ khi còn nhỏ, cháu đã tâm sự với tôi rằng sau này lớn lên sẽ làm thầy giáo. Thế nhưng ước mơ đó vụt tắt khi mà anh rể tôi muốn cháu nối nghiệp kinh doanh, tức chọn trường kinh tế. Chỉ có thế mà ba thành viên trong gia đình ầm ĩ lên. Cháu uất ức, nói rằng: “Con để cho ba mẹ quyết định mọi chuyện từ nhỏ đến lớn. Bây giờ đến lúc con tự quyết định tương lai cho mình”. Để công bằng, chị bảo đưa ra biểu quyết. Tất nhiên, không có đồng minh, thằng bé thất bại. Cháu nhờ tôi nói giúp nhưng hoài công. Anh chị tôi tính rất cứng rắn, cố chấp, trước sau như một nên chuyện gì quyết thì xem như không thể nào thay đổi. Cháu giận, bỏ về nhà ngoại, không màng với kết quả tốt nghiệp cao ngất ngưởng. Cũng may có sự can thiệp của ông bà ngoại nên ba mẹ thằng bé mới thay đổi quyết định.

Nhiều cha mẹ vẫn còn tư tưởng nho giáo “trên bảo dưới phải nghe” nên không cho con cái quyền tranh luận, phản biện hoặc làm theo sở thích của mình ở hướng tích cực. Đồng ý rằng cha mẹ nào cũng thương con, cũng muốn con mình đạt được những thành công rực rỡ trong tương lai nên ra sức gò ép. Và sự “uốn nắn” ấy càng trở nên siết chặt hơn khi họ là những phụ huynh quý tộc, có địa vị trong xã hội. Vì muốn nở mặt nở mày với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác nên bắt con cái phải theo ý họ. Cứ y như là nuôi con, giáo dục con vì người khác chứ không phải vì mình và vì con mình. Có nhiều phụ huynh bằng mọi giá lo thủ tục cho con đi du học (là trào lưu hiện nay) nhưng họ không cảm nhận và đặt mình vào vị trí của con, rằng đứa trẻ có thích môi trường ở Mỹ, Anh, Úc hay là Nhật không. Một khi đứa trẻ không thích nghi với môi trường sống thì cho dù trẻ có học giỏi, làu làu tiếng bản địa cũng trở nên tác dụng ngược.

Thực tế cho thấy hiện nay có nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành hoặc đi học thêm văn bằng 2 vì công việc không phù hợp với khả năng của mình. Nhiều bạn tâm sự rằng học văn bằng 1 chỉ để làm vừa lòng ba mẹ, sau đó thì làm vừa lòng chính bản thân mình. Nếu cứ đại trà như vậy sẽ lãng phí thời gian vàng ngọc để trẻ thể hiện tài năng của mình với cộng đồng, với xã hội (đó là chưa nói thay vì học văn bằng 2, trẻ có thể học lên cao học, tiến sĩ). Mặt khác, sự thăng tiến và kinh nghiệm trong công việc của trẻ cũng thụt lùi so với bạn bè cùng trang lứa.

Vì thế, nên cho con tự lựa chọn tương lai của mình (trong khuôn khổ). Cha mẹ chỉ có nên tư vấn, định hướng để con cảm thấy yên tâm, tự tin mà học hành tốt. Một khi có chỗ dựa tinh thần vững chắc, trẻ sẽ học hăng say và để thể hiện bản thân mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối