Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Khó chen chân vào chuỗi khép kín

MINH DUY -

Hàn Quốc là một trong năm thị trường du lịch lớn của Việt Nam. Thế nhưng các doanh nghiệp lữ hành trong nước đang chật vật tiếp cận chuỗi cung ứng dịch vụ cho nhóm khách này.

Miếng bánh khó chia

Trong bảng xếp hạng các thị trường du lịch lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, Hàn Quốc đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Năm ngoái, Việt Nam đón khoảng 848.000 lượt khách Hàn Quốc, và trong chín tháng của năm nay đã đón được khoảng 810.000 lượt, tăng 31,4% so với cùng kỳ. Nếu so sánh với số liệu người Hàn Quốc đi du lịch các nước ASEAN trong năm 2014 thì lượng khách nước này đến Việt Nam chiếm gần 1/6 trong tổng lượng khách.

Du khách Hàn Quốc tại thành phố Hội An. Trong bảng xếp hạng các thị trường du lịch lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, Hàn Quốc đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Du khách Hàn Quốc tại thành phố Hội An. Trong bảng xếp hạng các thị trường du lịch lớn của Việt Nam trong những năm gần đây, Hàn Quốc đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đón được nguồn khách này hoặc chỉ đón được số lượng rất ít, thường là khách đi theo các tour đặc biệt như MICE (du lịch kết hợp sự kiện). Phần lớn thị trường này thuộc về doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngay cả một địa phương được xem là điểm du lịch “nóng” của người Hàn Quốc, với hàng loạt chuyến bay vừa thuê bao vừa thường xuyên đưa du khách đến mỗi tuần thì một số công ty trong nước cũng chỉ đảm nhận vài khâu nhỏ như thuê xe, hướng dẫn.

“Doanh nghiệp Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách Hàn Quốc”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel nói. Theo ông, doanh nghiệp Hàn Quốc thắt chặt chuỗi cung ứng, từ thu gom khách tại nguồn, sắp xếp dịch vụ và chăm sóc khách hàng tại Việt Nam. Hầu hết du khách đến bằng các chuyến bay của Hàn Quốc, thích nghỉ tại các khách sạn do người nước này đầu tư, ăn tại các nhà hàng Hàn Quốc.

Hơn 10 năm trước, Công ty Du lịch Liên Bang Travelink tại TPHCM cũng thấy được tiềm năng của thị trường này, bắt đầu thiết lập mối quan hệ, gửi chương trình tour, báo giá… Thế nhưng, công ty này không tìm được nguồn khách thực sự, mà chỉ làm được một số dịch vụ cho đối tác. “Lúc đó, điểm đến Việt Nam còn mới nên họ cần mình để biết thị trường, các tuyến điểm tham quan. Nhưng sau đó, người Hàn tự làm toàn bộ, chỉ cần mình khi gặp trường hợp khó”, ông Từ Quý Thành, giám đốc công ty, cho biết.

Những trường hợp khó thường là đặt phòng khách sạn hay quy định hướng dẫn viên. Có khách sạn không chấp nhận cho đặt phòng trước, thanh toán sau, các doanh nghiệp Hàn Quốc nhờ công ty trong nước lo với mức lãi khoảng 2 đô la Mỹ/phòng. Còn khi các cơ quan quản lý kiểm tra gắt gao việc người nước ngoài hướng dẫn du khách thì đối tác cũng cần doanh nghiệp Việt Nam tìm hướng dẫn viên. Có trường hợp công ty mới tham gia thị trường, chưa có kinh nghiệm nên bán lại cho công ty trong nước. Chừng vài tháng hoặc nửa năm sau khi đã thông thạo thị trường thì họ cắt hợp đồng.

Tìm cách tiếp cận

Việc doanh nghiệp trong nước không thể tiếp cận thị trường Hàn Quốc bắt nguồn từ thói quen khi đi du lịch của du khách nước này và cả sự thiếu đầu tư bài bản của doanh nghiệp, cũng như những yếu kém trong việc quảng bá xúc tiến du lịch vào thị trường này.

Về thói quen, du khách Hàn Quốc thích sử dụng các dịch vụ do đồng hương cung cấp và thường chỉ sử dụng tiếng Hàn để giao tiếp. Trong khi đó, nhiều công ty du lịch trong nước lại không có nhân sự nói được tiếng Hàn cũng như những trang web bằng ngôn ngữ này để giới thiệu và bán sản phẩm. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hàn lại càng hiếm hơn.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến giữa năm 2014, cả nước chỉ có 52 người có thẻ hướng dẫn nói tiếng Hàn Quốc. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm hướng dẫn viên. Nhu cầu thị trường đang đòi hỏi cơ quan quản lý phải vào cuộc, có những chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực cho thị trường này.

Nhiều người trong ngành cho rằng, cơ quan quản lý cũng phải quyết liệt hơn trong việc kiểm tra tình trạng các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động chui, tình trạng sử dụng người Hàn Quốc để hướng dẫn du khách, vi phạm Luật Du lịch. Có như vậy thì doanh nghiệp trong nước mới có môi trường tốt hơn để cạnh tranh. Vài năm trở lại đây, Tổng cục Du lịch ít tổ chức các roadshow giới thiệu du lịch, kết nối doanh nghiệp với thị trường này nên hiệu quả tiếp thị điểm đến cũng giảm sút.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết cơ quan này đã thực hiện một số chương trình quảng bá du lịch ở Hàn Quốc nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt được cơ hội, chưa kết nối được với đối tác. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp thấy khó nên chẳng những không đầu tư để khai thác mà còn chấp nhận bán pháp nhân để kiếm lời.

“Doanh nghiệp không năng động khai thác mà bán pháp nhân thì lại càng tạo tiền lệ cho doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường và khả năng tiếp cận sâu vào chuỗi cung ứng ngày càng xa. Với thị trường này, cần cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý hợp tác thì mới mong làm được”, ông Cường phát biểu.

Sau một thời gian dài gần như không thay đổi trong cách tiếp cận thị trường thì nay đã có một vài doanh nghiệp thay đổi, tìm cách thu hút khách Hàn. Trong số đó, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã điều chỉnh chính sách, đầu tư nhiều hơn cho thị trường Đông Bắc Á, trong đó có Hàn Quốc. Thông qua các đối tác tổ chức dịch vụ cho khách tại nước này, Saigontourist đã tổ chức nhiều đợt đi bán hàng trực tiếp tại Hàn Quốc, tìm cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp Hàn để đàm phán về các chương trình trao đổi khách.

Về sản phẩm, công ty cũng đưa ra những sản phẩm riêng, phù hợp hơn với thị hiếu của du khách. Chẳng hạn, đưa thêm các chương trình mua sắm vào tour, thiết kế tour cho những nhóm nhỏ vì người Hàn thường đi theo dạng này, thời lượng tour cũng được thay đổi, không kéo dài… Công ty này còn tính đến việc phát triển loại hình du lịch bằng máy bay thuê bao, tận dụng chiều về vắng khách của một số chuyến bay thuê bao đưa du khách Việt Nam sang Hàn Quốc để đưa khách từ nước này sang nhằm tạo nên giá tour thấp hơn.

“Thay vì chỉ có khách MICE hay những người đến Việt Nam rồi mới mua tour, chúng tôi đã có khách Hàn Quốc từ nguồn. Chúng tôi cho rằng thị trường này sẽ còn tăng trưởng”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Saigontourist, cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối