LÊ ANH-QUỐC HÙNG -
Việc TPHCM đề xuất tăng phí đăng ký và phí biển số đối với ô tô và xe máy sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Còn về mục đích hạn chế xe cá nhân thì một số ý kiến cho rằng khó có thể đạt được. Riêng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì cho rằng hiện tại loại xe này đã gánh quá nhiều thuế, phí.
Mới đây UBND TPHCM đã có tờ trình HĐND thành phố xem xét thông qua phương án tăng lệ phí đăng ký và cấp biển số đối với một số loại xe ô tô và xe máy trên địa bàn.
Theo tờ trình, xe ô tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) không hoạt động kinh doanh vận tải sẽ có mức lệ phí đăng ký tăng từ 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng/xe.
Đối với sơ-mi rơ-moóc (phần kéo theo của container) đăng ký rời, mức phí chỉ điều chỉnh nhẹ, tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng. Xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống có mức phí đăng ký tăng từ 500.000 đồng lên 750.000 đồng; xe máy từ trên 15 triệu đến 40 triệu đồng có mức phí đăng ký tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng; xe máy hơn 40 triệu đồng có mức phí tăng từ 2 triệu đồng lên 3 triệu đồng. Chính quyền thành phố đề xuất cho áp dụng ngay từ ngày 1-9 tới.
Cũng theo tờ trình của chính quyền thành phố, việc tăng phí đăng ký và cấp biển số đối với ô tô và xe máy nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách để trang trải các khoản chi phí có liên quan như duy tu cầu đường, chi phí quản lý và góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Về mục đích hạn chế xe ô tô cá nhân, theo đại diện của một liên doanh sản xuất ô tô trong nước, chủ trương này chưa chắc làm người tiêu dùng có ý định mua ô tô “chùn tay”, bởi lẽ khi một người đã mua được một chiếc ô tô với số tiền vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng thì việc tăng thêm 9 triệu đồng tiền phí đăng ký sẽ không là trở ngại lớn đối với họ.
Vẫn theo vị đại diện doanh nghiệp nói trên, việc cấp biển số chỉ là một dịch vụ công, như vậy xét về phí thì phải giống như bao dịch vụ công khác. Cho nên nếu tính phí dịch vụ cấp biển số lên đến 11 triệu đồng/lần thì không còn mang tính chất phí dịch vụ nữa mà sẽ trở thành tiền thuế. Bởi lẽ, hiện nay có những khoản phí dịch vụ công khác chỉ áp phí 50.000 đồng hoặc 200.000 đồng/lần.
Ông Phạm Sanh, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, cho rằng khi người dân đã có nhu cầu mua xe dù là xe máy hay ô tô thì họ vẫn sẵn sàng chịu phí để mua. “Khi đó, mục đích thu thêm tiền cho ngân sách thành phố chắc chắn thành công, nhưng mục đích hạn chế xe cá nhân nhằm giảm kẹt xe thì lại không đạt được”, ông nói.
Còn đối với xe vận tải, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, cho rằng việc tăng phí với xe kinh doanh vận tải thì thật khó cho doanh nghiệp. “Hiện tại, một chiếc xe container của doanh nghiệp đã phải gánh rất nhiều loại thuế, phí. Không những vậy, mọi thứ thuế, phí đối với loại xe này đều ở mức cao nhất so với các loại xe khác”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, các doanh nghiệp hiện đang phải đầu tư thêm xe để đảm bảo chạy đúng tải trọng, nhưng với việc tăng phí đăng ký và cấp biển số sẽ khiến nhiều doanh nghiệp dừng kế hoạch mua xe, khi đó hàng hóa bị lưu thông chậm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế. Mặt khác, khi các khoản phí tăng thì cũng lại được hạch toán vào giá thành vận chuyển và đẩy sang cho người tiêu dùng gánh.
[box] Hiện nay xe máy đang chịu các loại thuế, phí như phí trước bạ, phí xăng dầu (nay là thuế bảo vệ môi trường), phí cấp giấy đăng ký và biển số, phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm... Còn ô tô đang chịu các loại thuế, phí gồm thuế nhập khẩu (xe nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí cấp giấy đăng ký và biển số, phí xăng dầu (nay là thuế môi trường), phí bảo hiểm, phí bình ổn xăng dầu, phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ...
Thuế bảo vệ môi trường tính trong giá xăng đã tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diezel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít kể từ ngày 1-5-2015. Đến năm 2016 phí cầu đường qua các trạm BOT cũng sẽ tăng theo lộ trình đề ra của Bộ Tài chính.[/box]