Hoàng Nhung -
Theo các cuộc nghiên cứu gần đây, người bị mắc bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) ngày càng gia tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi. Do vậy, việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ bác sĩ để chẩn đoán, điều trị bệnh này đang là yêu cầu cấp thiết trong ngành y tế hiện nay.
Người bệnh ngày càng trẻ hóa
Chăm sóc bàn chân một bệnh nhân bệnh đái tháo đường bị biến chứng.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), có hơn 52% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chưa được chẩn đoán và có đến 52,7% bệnh nhân chết vì bệnh này trước năm 60 tuổi.
Thống kê của Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, hiện nay đái tháo đường típ 2 có khuynh hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn, do số lượng trẻ em bị thừa cân béo phì đang tăng, có những trẻ em béo phì khởi phát đái tháo đường típ 2 khi chỉ mới 12-13 tuổi. Hiện nay, bệnh nhân đái tháo đường đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thường có 4 loại, đó là đái tháo đường típ 1, típ 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường do nguyên nhân khác, trong đó đái tháo đường típ 2 chiếm đại đa số các trường hợp (hơn 90%).
Giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước có người mắc bệnh đái tháo đường cao trên thế giới với tỷ lệ 5,4% dân số, nghĩa là có 5 triệu người mắc bệnh trên cả nước hiện nay, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Như năm 2015, tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam cao nhất là tại Bình Dương với 13% dân số, TPHCM hơn 12%. Những con số trên được các ngành y tế cho là đáng báo động trên toàn thế giới, nhất là có không ít ca lâm sàng phát hiện trẻ từ 5 đến 8 tuổi mắc bệnh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm 50% và cũng có tới hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện không nhận thức được tình trạng bệnh của mình, họ vẫn sống chung với bệnh trong cộng đồng.
Theo VADE, trong số 50% số người mắc bệnh được chẩn đoán và điều trị thì có tới một nửa có biến chứng về đái tháo đường, nhiều nhất là về tim mạch, tổn thương mắt… Do đó, phát hiện sớm có thể ngăn chặn, làm giảm biến chứng cho bệnh nhân.
Nguyên nhân chủ yếu của đái tháo đường, đặc biệt ở típ 2 là do di truyền và các yếu tố từ môi trường nhưng nguy cơ đái tháo đường sẽ càng cao nếu trong gia đình có nhiều người thân bị đái tháo đường. Bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường sống, xã hội ngày càng phát triển, làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì (do lối sống ít vận động, trẻ xem tivi nhiều, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, bánh ngọt, nước ngọt…), từ đó làm số lượng người bệnh ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ hiện nay cũng ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai.
[box type="info"] Cuối tháng 7 qua, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã phối hợp với Công ty dược Sanofi đào tạo chuyên sâu cho 600 bác sĩ ở Việt Nam để hiểu biết sâu hơn về kiểm soát sự gia tăng bệnh nhân mắc đái tháo đường.[/box]
Khó kiểm soát và những biến chứng
Bệnh đái tháo đường đang tiến tới mức độ đại dịch và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm ngăn chặn căn bệnh này. Theo VADE, sự thiếu hụt về số lượng bác sĩ điều trị, mức độ nhận thức thấp về bệnh trong công chúng, số lượng lớn bệnh nhân chưa được chẩn đoán cùng những thiếu thốn về cơ sở vật chất là nguyên nhân chính dẫn tới một thực tế là hơn một nửa trong số 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán. 6/10 bệnh nhân đã bị biến chứng tại thời điểm chẩn đoán và đa số bệnh nhân đã được chẩn đoán không đạt được mục tiêu điều trị.
Giáo sư Thái Hồng Quang cho rằng cần nâng cao hơn nữa kiến thức cho bác sĩ để họ chẩn đoán được, điều trị được và phải để nhân viên y tế hiểu được chữa thế nào đối với bệnh nhân nội trú hoặc ngoại viện vì thực chất, bệnh đái tháo đường không phải là bệnh phải nằm viện. Bệnh chỉ cần khám định kỳ và kiểm soát tốt, bệnh nhân chỉ nằm bệnh viện khi có bất thường, cấp tính hoặc kiểm soát đái tháo đường không tốt thì phải vào bệnh viện để lập lại chương trình sau đó tuyến dưới sẽ quản lý.
[box type="download"] Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường tăng mạnh trong những năm qua là gánh nặng lớn cho bảo hiểm y tế nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Riêng Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chi phí điều trị cho bệnh đái tháo đường hàng năm là 75 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tất cả bệnh nhân đái tháo đường được điều trị thì chi phí hàng năm ước tính lên tới 12.500 tỉ đồng.[/box]
Theo GS.TS. Nguyễn Thy Khuê, nguyên trưởng bộ môn Nội tiết, Đại học Y dược TPHCM, bệnh đái tháo đường là một trong bốn bệnh không lây (tim mạch, ung thư, phổi tắc nghẽn) chiếm tỷ lệ cao hiện nay. Đây được xem như những bệnh không lây và có thể kiểm soát được, bằng cách khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần, hoặc đi khám bất kỳ bệnh nào cũng nên làm thêm xét nghiệm mỡ máu, đo huyết áp, xét nghiệm đường máu, lipid máu càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó, tuy nhiên đái tháo đường và các biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, cũng như tuân theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.