Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Khó quản lý bán hàng qua mạng

Vũ Yến-

Kinh doanh qua mạng đang nở rộ, chủ yếu qua ứng dụng Facebook và Zalo. Hàng hóa rao bán qua hai kênh này thật giả khó lường, tuy nhiên việc theo dõi để có biện pháp xử lý còn nhiều khó khăn.

banhangquamangQuản lý thị trường TPHCM kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng ở quận 1, TPHCM.  Ảnh: UT

Hàng giả nhiều

TPHCM có 120.000 trang thương mại điện tử có thông báo hoạt động, chiếm 80% tổng số trang thương mại điện tử cả nước, trong đó chỉ có 48.000 trang hoạt động kinh doanh ổn định trong ba năm. Hoạt động kinh doanh chủ yếu qua Facebook, Zalo và rất khó quản lý. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp gần đây về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong chín tháng đầu năm 2017. Cuộc họp do Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) TPHCM tổ chức.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường 12B thuộc Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết trong những lô hàng đã kiểm tra được, số lượng hàng giả khá nhiều. Hiện nay, việc theo dõi phát hiện điểm tập kết hàng giả để từ đó có biện pháp xử lý rất khó khăn. Không ít hình ảnh, clip đăng tải trên các trang bán hàng được người kinh doanh mượn hay cắt ghép từ nhiều nguồn.

Ông Hùng dẫn số liệu chín tháng đầu năm 2017 cho biết, đội quản lý thị trường 12B chỉ mới phát hiện, xử lý được hơn 20 vụ kinh doanh hàng giả. Mức phạt cũng không cao do tang vật thu giữ ít. “Trong số đó, chúng tôi xử lý một vụ lớn và thu giữ các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả trị giá hơn 20 tỉ đồng”, ông Hùng nói.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cũng cho biết hiện nay kinh doanh qua mạng đang phát triển rầm rộ. Các cá nhân hoặc gia đình là khách hàng thường xuyên hoặc không thường xuyên của các trang thương mại điện tử, các trang mạng xã hội kinh doanh hàng hóa.

Bà Hương cho rằng tình trạng chưa thu được thuế từ các hoạt động kinh doanh này khiến thất thu trong thương mại điện tử là vấn đề lớn. Theo bà, nếu quản lý được hoạt động bán hàng qua mạng sẽ tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách. Thời gian qua, dù ngành thuế có nhiều hoạt động rà soát nhưng kết quả còn khiêm tốn. Bà Hương đề nghị có sự phối hợp của chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành công thương trong việc xác minh các cá nhân kinh doanh qua mạng chưa khai báo thuế.

“Thông thường, để kinh doanh qua mạng, tổ chức hoặc cá nhân phải khai báo với ngành công thương. Do đó, sắp tới cần có sự phối hợp liên ngành để xử phạt hành chính, sau đó mới tiến hành kiểm tra, thanh tra thuế và thực hiện các chế tài. Nếu sau khi mời lên làm việc mà doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành thì có thể khóa trang Facebook hoặc trang bán hàng”, bà Hương đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, Phó trưởng ban thường trực BCĐ 389, cho biết với cuộc cách mạng 4.0, thương mại điện tử sẽ còn phát triển mạnh mẽ, theo đó, việc quản lý cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay, việc kiểm tra hàng hóa còn tương đối dễ bởi chủ kinh doanh còn bày biện hàng hóa tại chợ, cửa hàng.

“Khi thương mại điện tử phát triển mạnh hơn bây giờ, hàng hóa chỉ được bày bán trên mạng thì công tác kiểm tra sẽ vô cùng khó khăn. Trong thời gian tới, cụ thể là năm 2018, thương mại điện tử và quản lý thương mại điện tử sẽ là công tác trọng tâm của ngành công thương”, ông Kiên nói.

 [box] Theo báo cáo tổng hợp của BCĐ 389 TPHCM, chín tháng đầu năm 2017 đơn vị đã kiểm tra, xử lý gần 22.000 vụ vi phạm, tổng thu ngân sách gần 3.200 tỉ đồng. Quá trình xử lý cũng phạt truy thu thuế hơn 2.100 tỉ đồng, phạt hành chính gần 1.065 tỉ đồng, tịch thu gần 21 tỉ đồng.[/box]  

Khó xác định chủ mưu

Cũng tại cuộc họp trên, tình trạng khó xác định chủ mưu các vụ buôn lậu cũng được các thành viên của ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nêu ra.

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM nêu rõ, việc xác định chủ mưu các vụ buôn lậu rất khó khăn. Những người này thường không xuất hiện mà giao cho người thân tín, cấp dưới hoạt động thông qua những công ty “ảo”. Thủ tục nhập khẩu hàng hóa không do người đại diện công ty trực tiếp thực hiện mà thông qua dịch vụ giao nhận. Khi cơ quan chức năng phát hiện, người chủ mưu đã bỏ trốn. Ngoài ra, nhiều vụ việc khi xác minh chủ mưu hoặc chủ doanh nghiệp thì những người này lại đưa ra giấy giám định tâm thần. Từ đây, gây khó khăn đối với việc điều tra, khởi tố.

Theo ông Hùng, vấn đề này đã được nêu ra tại một số cuộc họp. Bên cạnh đó, phía Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, việc cho thành lập doanh nghiệp nhưng không thể quản lý hết đã khiến tình trạng hàng lậu bị bắt giữ nhưng tìm không ra chủ mưu để khởi tố xảy ra ngày càng nhiều.

Bà Thu Hương của Cục Thuế TPHCM cũng đồng tình, cho rằng Luật Doanh nghiệp thông thoáng nên việc đăng ký thành lập doanh nghiệp không hạn chế và cũng không xác minh kỹ càng về nhân thân người đứng ra thành lập. Một cá nhân có thể thành lập nhiều công ty, không giới hạn trình độ của người đại diện pháp luật. “Từ việc quản lý không chặt chẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn xuất hóa đơn bất hợp pháp, từ đó hợp thức hóa hàng lậu”, bà Hương nói.

Cũng theo đại diện một số đơn vị hải quan, bộ đội biên phòng, các đội quản lý thị trường, hoạt động buôn lậu diễn ra ngày càng phức tạp trên tất cả các tuyến đường biển, đường thủy, đường bộ, đường sắt bằng phương thức chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Trong đó, đường chính ngạch chủ yếu nhập khẩu hàng hóa theo dạng quá cảnh sang Campuchia, sau đó được vận chuyển ngược lại Việt Nam tiêu thụ.

Các đơn vị trên cũng cho biết, không có ngành hàng, mặt hàng nào không có hàng gian, hàng giả, hàng lậu. Trong đó, phải kể tới một số lĩnh vực ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, thuốc lá, xăng dầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối