Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Khó thực hiện thu phí xe máy 0 đồng

LÊ ANH -

Tại TPHCM, qua thực tế việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy tại quận 9 cho thấy phát sinh những khó khăn. Mặt khác, phương án thu phí 0 đồng nếu như được thực hiện thì cũng có trở ngại.

Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi thường trực HĐND thành phố ngày 20-7, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quận, huyện đều phát phiếu kê khai nhưng chưa thực hiện việc thu phí đường bộ đối với xe máy, chỉ trừ có quận 9 là đã tiến hành thu phí từ ngày 1-6.

Tuy nhiên, qua việc thu phí ở quận 9 đã bộc lộ một số khó khăn, như chỉ thu được của các chủ xe có nhu cầu hoặc tự giác đến nộp; các phường không có cán bộ phụ trách thu, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đồng thời, số phí thu trong giờ hành chính rất ít do người dân đi làm, còn thu ngoài giờ thì phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý, nhất là việc cất giữ tiền thu được.

Rất nhiều khó khăn khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.
Rất nhiều khó khăn khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Một khó khăn nữa là đa số người dân đều chưa đồng tình vì cho rằng đã phải đóng rất nhiều loại phí khi tham gia giao thông. Hơn nữa, số lượng xe máy trên thực tế khác nhiều so với hồ sơ quản lý của địa phương nên nguồn kinh phí thu được từ xe máy sẽ có sự khác biệt với số liệu khái toán.

Ngoài ra, tỷ lệ thu được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự tình nguyện của người dân trong việc tham gia đóng phí; phương thức kê khai nộp phí của địa phương. Do đó, thực tế kinh phí thu được sẽ khó đạt được theo kế hoạch.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng có những đánh giá về phương án không thu và phương án thu 0 đồng.

Cụ thể, nếu không thu loại phí này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính mà cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện, hạn chế phát sinh bộ máy quản lý tại các quận, huyện, phường, xã, giảm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc không thực hiện thu phí đối với xe máy phải xin ý kiến của Chính phủ.

Trong trường hợp thu phí với mức thu là 0 đồng thì vẫn phải tiến hành thực hiện các thủ tục theo quy định gồm phát biên lai thu phí, ghi số tiền trong biên lai là 0 đồng. Sau đó phải quyết toán biên lai với cơ quan thuế.

Một trường hợp có thể xảy ra là nếu TPHCM thu với mức 0 đồng thì xe của các tỉnh lân cận sẽ đổ về TPHCM để kê khai đóng phí ở mức 0 đồng, vì hiện nay chưa có quy định xe ở địa phương nào thì đóng ở địa phương đó.

Ngoài ra, khi thu phí 0 đồng thì ngân sách phải chi trả cho việc tập huấn, chi phí mua biên lai (dự kiến một năm khoảng 995 triệu đồng), chi phí để chi trả cho các cơ quan thực hiện kê khai, phát biên lai, quyết toán với cơ quan thuế. Trong khi hiện nay, một số đơn vị đã mua biên lai và thu phí, Cục Thuế TPHCM đã phát hành biên lai và đã phân phối đến các chi cục thuế.

Vì những lý do trên, Sở Giao thông Vận tải TPHCM kiến nghị tiếp tục thu phí đường bộ đối với xe máy của năm 2015. Sau đó phân tích, đánh giá hiệu quả rồi mới kiến nghị Chính phủ không thu loại phí này (không đề xuất mức thu 0 đồng).

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tính đến hết năm 2014, thành phố có hơn 6,8 triệu xe máy. Ước tính số tiền thu được vào khoảng 307 tỉ đồng/năm, trong đó chi phí để lại cho đơn vị thu là 35,9 tỉ đồng, kinh phí để thực hiện công tác bảo trì đường bộ là 271,1 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối