VŨ YẾN -
Thay vì sử dụng mỹ phẩm do doanh nghiệp sản xuất và bán rộng rãi trên thị trường, không ít người tiêu dùng chọn sử dụng mỹ phẩm tự làm, hay còn gọi là mỹ phẩm handmade, homemade. Mặc dù người bán dòng mỹ phẩm này khẳng định sản phẩm an toàn, nhưng theo các bác sĩ da liễu, chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng.
Tin vào nguyên liệu tự nhiên
Nhiều loại mỹ phẩm tự làm được giới thiệu có nguyên liệu từ cây cỏ thiên nhiên, nhưng không phải cây cỏ thiên nhiên nào cũng là dược thảo.
Bên cạnh các loại mỹ phẩm đã có thương hiệu, chị Dương Quỳnh ở quận 1, TPHCM còn mua thêm một số mỹ phẩm tự làm như son môi, son dưỡng ẩm, mặt nạ dưỡng da, nước hoa hồng...
Theo chị Quỳnh, ngoài việc giá rẻ hơn so với sản phẩm có thương hiệu từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng thì qua lời giới thiệu làm chị thấy yên tâm bởi sản phẩm được làm từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không thêm bất cứ hóa chất nào. Mà theo chị, cứ không có hóa chất, cứ hoàn toàn tự nhiên là tốt.
“Mặc dù không phải sản phẩm nào tôi dùng cũng thấy hiệu quả, thậm chí có đợt còn bị nổi mụn sau khi đắp mặt nạ dưỡng da từ cám gạo, nhưng theo tôi, dị ứng tự nhiên đó cũng là bình thường, không trầm trọng lắm, nên hiện nay tôi vẫn sử dụng”, chị Quỳnh nói.
Chị Minh Hằng ở quận Gò Vấp cũng cho biết chị rất thích sử dụng các loại mỹ phẩm tự làm bởi tin tưởng mức độ an toàn của chúng, nhất là sau khi báo chí đưa tin một số loại mỹ phẩm có chứa thành phần hóa học gây hại, chẳng hạn như son môi có chứa chì.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, thị trường mỹ phẩm tự làm – mỹ phẩm handmade tại TPHCM khá sôi động. Bên cạnh một số cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tự làm thì các cửa hàng online hay cá nhân bán mỹ phẩm tự làm thông qua mạng xã hội Facebook cũng hoạt động nhộn nhịp. Đó là chưa kể các gian hàng bán sản phẩm này ở các chợ phiên thường diễn ra vào ngày cuối tuần tại một số khách sạn, nhà văn hóa.
Những mỹ phẩm tự làm khá đa dạng, bao gồm kem dưỡng da, xà phòng, sữa tắm, son môi, son dưỡng môi cho đến nước hoa khô, dầu dưỡng tóc, mỹ phẩm đặc trị thâm môi, thâm quầng mắt, làm mờ nếp nhăn, tẩy tế bào chết...
Sản phẩm thường được người sản xuất, nhân viên bán hàng khẳng định hoàn toàn làm bằng các nguyên liệu tự nhiên, làm thủ công tại gia đình. Cùng với sự giới thiệu về cách làm là những lời quảng bá về công dụng như trắng da, mịn da, chỉ cần dùng một vài lần là đẹp lên, láng mịn da trông thấy, môi hồng tự nhiên…
Đa phần các mỹ phẩm tự làm này được đựng trong chai/lọ, không có nhãn mác, không có hạn sử dụng, không ghi thành phần nguyên liệu… Giá bán tùy loại, có loại chỉ khoảng 40.000 đồng, có loại đến 500.000 đồng/sản phẩm. Một số trang mạng, trang Facebook cá nhân còn bán các nguyên liệu để sản xuất dòng mỹ phẩm này.
Chủ một cửa hàng bán nguyên liệu trên đường Hồng Bàng, quận 6 cho biết, hiện nay các cửa hàng online, Facebook cá nhân bán mỹ phẩm tự làm ngày càng nhiều, vì vậy lượng nguyên liệu mà cửa hàng bán ra cũng ngày càng tăng. Song song đó, trên các diễn đàn dành cho phụ nữ cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh, công thức, cách làm một số loại mỹ phẩm.
Có thể teo da, giãn mạch
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, thực tế việc sử dụng mỹ phẩm, kể cả với những sản phẩm có thương hiệu cũng có khả năng xảy ra dị ứng, viêm da. Hơn nữa, đối với mỹ phẩm tự làm tại gia đình hay cơ sở nhỏ, không có sự giám sát, không được kiểm tra chất lượng từ nguồn nguyên liệu cho tới quy trình sản xuất, không tuân thủ theo một tiêu chuẩn sản xuất nào, thì mức độ không an toàn, dị ứng, viêm da thường là cao hơn rất nhiều.
Bác sĩ Hào cho biết, trong quá trình điều trị các bác sĩ đã thăm khám, chữa trị cho không ít bệnh nhân bị dị ứng, viêm da, viêm da kích ứng, rối loạn sắc tố da… do sử dụng mỹ phẩm tự làm, mỹ phẩm homemade.
“Với tư cách là bác sĩ da liễu, tôi luôn khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng loại mỹ phẩm này. Nó tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ. Mức độ nhẹ thì viêm da tiếp xúc, dị ứng, viêm da kích ứng; nặng hơn thì có nguy cơ bị teo da, giãn mạch, rối loạn sắc tố da, mụn trứng cá… Quá trình điều trị dù nhẹ hay nặng đều tốn thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người sử dụng”, ông Hào nói.
Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, giảng viên bộ môn da liễu trường Đại học Y Dược TPHCM, với tâm lý cho rằng các sản phẩm thiên nhiên sẽ an toàn, người tiêu dùng thường dễ bị thu hút bởi các mỹ phẩm được nói là tự làm từ cây cỏ, không chứa các chất bảo quản, chất tạo màu. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Bác sĩ Sương phân tích, bên ngoài cùng của da là lớp sừng, được xem như hàng rào bảo vệ cho da khỏi sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài. Để mỹ phẩm, dược phẩm thấm vào da và thể hiện được hiệu quả của chúng trên da, cần phải có các tá dược “dắt” thuốc vào da. Điều này thì các sản phẩm tự làm không thể đáp ứng được. Nhiều loại mỹ phẩm tự làm được giới thiệu có nguyên liệu từ cây cỏ thiên nhiên, nhưng không phải cây cỏ thiên nhiên nào cũng là dược thảo cả.
Đồng thời, theo bà Sương, quy trình sản xuất cùng với nguyên liệu được cho là hoàn toàn tự nhiên này vẫn có thể tồn dư hóa chất, có thể tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm độc, dị ứng hoặc bị viêm da kích thích cho người sử dụng. Trong thực tế đã có những trường hợp bị lở loét da vì tắm hoặc đắp lá cây. Mặt khác, do không có chất bảo quản hoặc bao bì phù hợp cho việc bảo quản sản phẩm nên các mỹ phẩm sản xuất theo cách này dễ bị hư hỏng và biến chất.
“Theo tôi, để có một sản phẩm mỹ phẩm an toàn và hiệu quả, cần có các hoạt chất sử dụng được y học công nhận và cho phép, người bào chế thuốc, mỹ phẩm có những kiến thức nhất định do các cơ quan chuyên ngành huấn luyện và phải cần một dây chuyền sản xuất và đóng gói theo những tiêu chuẩn nhất định. Vì vậy tôi khuyên người tiêu dùng nên sử dụng các mỹ phẩm đã qua kiểm nghiệm và có nhãn hiệu đăng ký hợp pháp”, bác sĩ Bạch Sương nhấn mạnh.